Một góc TP Bắc Ninh. Ảnh minh họa. Nguồn bacninh.org |
Có 313.000 doanh nghiệp đang hoạt động
Theo ông Đỗ Thức - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đây là một trong ba cuộc Tổng điều tra trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia do Thủ tướng quy định.
Nội dung chủ yếu của Tổng điều tra là thông tin chung về các đơn vị, các sở trực thuộc; về lao động và thu nhập của người lao động; về kết quả sản xuất, kinh doanh, tình hình hoạt động của các đơn vị có tư cách pháp nhân và hạch toán độc lập; về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các đơn vị, các cơ sở trực thuộc; thông tin về thực trạng, khó khăn của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh; tình hình tiếp cận các nguồn vốn của doanh nghiệp.
Đối tượng điều tra là các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, đoàn thể, hiệp hội, đơn vị sự nghiệp, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng...
Theo kết quả điều tra, tính đến thời điểm 1-7-2012, cả nước có gần 5,2 triệu đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp (KTHCSN), tăng 27,7% so với năm 2007-tương đương 1,2 triệu đơn vị, tăng bình quân hàng năm khoảng 5%. Số lượng lao động trong các đơn vị là 22,5 triệu ngưoif, tăng 38,6% tương đương 6,2 triệu người so với năm 2007, tốc độ tăng bình quân hàng năm 6,7%, cao hơn tốc độ tăng của số lượng cơ sở, điều này thể hiện quy mô của cơ sở được mở rộng hơn. Tuy nhiên, tốc độ này vẫn thấp hơn thời kỳ 2002-2007.
Doanh nghiệp là loại hình dẫn đầu về mức tăng số lượng và thu hút số lượng lao động khá lớn. Tính đến thời điểm tháng 1-1-2012, nước ta có gần 342 nghìn doanh nghiệp đang tồn tại, tăng 216,5 nghìn doanh nghiệp và gấp 2,7 lần so với năm 2007 (125 nghìn doanh nghiệp), trong đó có 313 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động.
Khối doanh nghiệp đã thu hút 10,9 triệu lao động trong đó 10,77 triệu lao động trong các doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 65% (tương đương khoảng 4,3 triệu người) so với 6,6 triệu lao động năm 2007.
Hợp tác xã và SXKD cá thể tăng
Theo điều tra, tuy còn những khó khăn, hạn chế về quy mô và ngành nghề hoạt động nhưng với chủ trương của Nhà nước hỗ trợ phát triển loại hình kinh tế tập thể nên số lượng và lao động của các hợp tác xã hiện có 13,6 nghìn, tăng đáng kể với mức 118,3% về số lượng và 62,8% về lao động.
Tính đến thời điểm 1-7-2012, cả nước có 4,6 triệu cơ sở SXKD cá thể với 7,8 triệu lao động, tăng 23,5% về số lượng cơ sở và tăng 18,2% về số lao động. Mức tăng bình quân hàng năm về số cơ sở là 4,3% và 3,4% về lao động. Mặc dù khối cơ sở SXKD cá thể chiếm tỷ trọng lớn tới 89,5% về số lượng cơ sở nhưng chỉ chiếm tỷ trọng 35% về số lượng lao động trong tổng số đơn vị, cơ sở kinh tế hành chính sự nghiệp, thể hiện quy mô nhỏ của các cơ sở này với lao động bình quân 1,7 người/cơ sở.
Khu vực này tuy đóng góp khiêm tốn trong GDP nhưng lại có ý nghĩa xã hội lớn trong việc tạo doanh thu trong bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội và thu hút số lượng lớn việc làm cho người lao động, tăng thêm thu nhập cho các hộ gia đình, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2012.
Khu vực đơn vị hành chính sự nghiệp có mức tăng không cao nhưng các đơn vị kinh tế, bình quân hàng năm tăng 1,2%. Tuy nhiên, riêng các đơn vị sự nghiệp tăng khá về số lượng đơn vị với 10,2% và 22,9% về lao động. Số lượng các cơ sở thuộc tổ chức chính trị, đoàn thể, hiệp hội, các tổ chức xã hội có mắc tăng cao nhất trong khu vực hành chính sự nghiệp với 10,8% về số lượng và 13,4% về lao động.