Đón tin đỗ thủ khoa trong bệnh viện

Đón tin đỗ thủ khoa trong bệnh viện
TPO - “Em không học chỉ để trở thành thủ khoa, mà nhằm hoàn thiện bản thân theo cách của riêng minh” - Lê Anh Quân (sinh năm 1991) - thủ khoa Đại học Xây dựng, tâm sự. Quân hay tin mình đỗ đầu Đại học Xây dựng khi vừa trải qua ca mổ u mỡ.

>> Thủ khoa 30 điểm đầu tiên: 'Vẫn chưa như ý muốn'
>> Thủ khoa ôm sách tự học
>> Tra điểm thi đại học, cao đẳng

Thất bại là động lực

Vừa phải mổ ở Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội, Lê Anh Quân vẫn còn mệt mỏi, nằm nghỉ trên giường bệnh. Nhưng, khi hay tin mình đỗ đầu vào Đại học Xây dựng với 29,75 điểm (được làm tròn thành 30 điểm), ánh mắt của cậu học trò chuyên Hóa (Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN) sáng lên sung sướng.

“Người đầu tiên báo tin vui cho em là chị gái. Sau đó, rất nhiều bạn bè nhắn tin chúc mừng nhưng vì vừa mổ xong nên em không biết. Sáng 28/7, em mới đọc được những tin nhắn chúc mừng” - Quân nói.

Cao 1m70, đôi mắt cương nghị, giọng nói điềm đạm, dù bị ốm nhưng cách nói chuyện của Quân luôn tạo ấn tượng với "đối tác". Quân cười, bảo: Với em, đỗ thủ khoa không phải là cái gì ghê gớm, oai phong. Và trong cuộc sống, ngoài thành công, còn có những thất bại.

Từng đạt đầy giải thành phố hồi lớp 5, lớp 7 và lớp 9, nhưng chàng trai gốc Hà Nội cũng còn nhớ như in vị mặn đầu môi nuối tiếc khi trượt vào đội tuyển thi quốc gia năm lớp 11. Buồn. Choáng. “Nhưng, cuối cùng, em nghĩ, đôi lần thất bại lại chính là dịp nhìn lại mình, biết mình ở đâu, là động lực để phấn đấu tiếp” - Quân tâm sự.

Và, rút kinh nghiệm từ những lần thất bại như thế, "Lệnh Hồ Quân" (bí danh bạn bè gọi Quân vì thích nhân vật Lệnh Xung trong "Tiếu Ngạo giang hồ") chắc chắn hơn trong kỳ thi đại học. Kết quả là Quân đỗ thủ khoa.

Theo cái mạch tư duy ấy của cuộc sống, Quân nói vui, việc thất bại trong sức khỏe (bị ốm) thế này, cũng là dịp để thấy cuộc sống ý nghĩa hơn, từ đó biết trân trọng, giữ gìn sức khỏe và nỗ lực hơn trong công việc…

Chăm chỉ có phương pháp

Nói về bí quyết học thi đạt điểm cao, Quân cho biết, sự nỗ lực và chăm chỉ rất quan trọng nhưng “chăm chỉ phải có phương pháp vì các môn tự nhiên đòi hỏi tư duy, kĩ năng cao. Ngồi vào bàn, xác định học là phải nghiêm túc và tập trung”.

Một trong những phương pháp mà chàng thủ khoa này đưa ra là không bao giờ để nước đến chân mới nhảy mà luôn chủ động học theo kiểu mưa dầm thấm lâu, đến lúc thi chỉ mất một thời gian ngắn tổng hợp lại vấn đề.

Với cách học này, Quân không quá “bận rộn”. Ngoài thời gian học trên trường, Quân còn tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, thích đi đá bóng, thưởng thức phim ảnh....

“Theo em, cách làm bài cũng rất quan trọng, ngoài mạch lạc, tốt nhất nên có cách giải sáng tạo, gân ấn tượng cho người chấm...” - Quân nêu quan điểm.

MỚI - NÓNG