10 năm lỡ hẹn với quê hương
Sáng 21 tháng Chạp, chị Nguyễn Thị Vui (quê Quảng Ngãi, công nhân công ty gỗ ở thành phố Thuận An, Bình Dương) chạy ra chợ chồm hổm ở gần nhà trọ để mua ít đồ chuẩn bị cho những ngày Tết của gia đình nhỏ. Năm nay, công ty ít hàng nên cho nghỉ sớm. Vợ chồng chị “nhịn Tết” để gửi tiền về cho ông bà nội, ngoại.
Căn phòng trọ vợ chồng chị Vui thuê ở cùng con trai rộng chừng hơn 10m2 nhưng chứa rất nhiều đồ đạc. Chồng chị khéo tay nên căn phòng dù nhỏ cũng được trang trí đèn LED nháy, tạo nên không khí Tết.
Khi được hỏi chuyện đón Tết nơi đất khách, nữ công nhân cười buồn: “Cũng chuẩn bị vài thứ đơn giản. Món chính là thịt kho tàu và dưa món, chẳng rượu bia gì. Như những năm trước, ngày Tết có đồng nghiệp không về quê, ghé đến chơi nên vợ chồng mua ít bánh, kẹo, nước ngọt đãi khách”.
Đã hơn 10 năm rồi chị Lê Thị Xuân (quê Thanh Hóa) chưa về quê ăn Tết với gia đình. Tết năm nay, thêm lần nữa chị Xuân cùng hai con ở lại Bình Dương. “Ăn Tết ở quê vui lắm. Tôi muốn về nhưng điều kiện không cho phép, đành phải ở lại. Tôi làm ở công ty giày da. Năm nay thiếu đơn hàng, công nhân chỉ làm 8 tiếng/ngày, thu nhập giảm, phải tiết kiệm lắm mới đủ trang trải cuộc sống. Chồng tôi không còn nữa, một mình nuôi con nên cũng vất vả” - chị Xuân tâm sự.
Nữ công nhân nói, điều làm chị an ủi nơi đất khách là tình người. Trong những ngày Tết, mọi người đến nhà chúc nhau. Nơi chị Xuân đang ở là khu nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại phường Hòa Phú (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) với giá hơn 100 triệu đồng/căn. Căn nhà rộng 30m2, được trả góp. Công ty nghỉ Tết sớm nên mọi người trong xóm giúp nhau dọn dẹp, trang trí nơi ở để tạo không khí xuân.
Chúng tôi đến một khu nhà trọ nằm sâu trong con hẻm trên đường Phú Chánh 16 (phường Phú Chánh, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Khu trọ có khoảng 30 căn phòng, hầu hết đều “cửa đóng then cài”, chỉ còn vài phòng có người ở. Những người thuê trọ nơi đây cho biết, năm nay công ty cho nghỉ Tết sớm nên nhiều người đã về quê. Những căn phòng mở cửa đều là của công nhân ở lại ăn Tết.
Chị Lê Thị Xuân dọn dẹp nơi ở để chuẩn bị đón Tết nơi thuê trọ |
“Ông, bà ở quê hiểu cho hoàn cảnh nên cũng thông cảm. Năm nào cũng vậy, những ngày cận Tết, thấy mọi người chuẩn bị hành trang về quê là trong lòng lại nôn nao.
Đêm cứ trằn trọc suy nghĩ, nhớ thương cha, mẹ ở quê. Hy vọng sang năm công việc thuận lợi hơn, tiết kiệm được một ít để về quê” - chị Nguyễn Thu Thương (quê Nghệ An, công nhân làm việc tại công ty may mặc ở phường Tân Phước Khánh, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) trải lòng.
Chị Thương cho biết, tổ chức công đoàn có hỗ trợ vé tàu, xe miễn phí về quê nhưng chị nhường lại cho người khác. Chị nói, về quê dịp Tết, ngoài chi phí đi lại còn phát sinh nhiều thứ khác.
“Năm nào tôi cũng thầm hứa, tết sang năm sẽ về nhưng suốt 8 năm qua, lời hứa trong lòng chưa thực hiện được. Tay không trở về quê sau nhiều năm, tôi chẳng đành. Có lẽ ba, mẹ hiểu được nên mấy ngày qua cứ gọi điện an ủi, bảo ở lại đừng về quê làm gì cho vất vả” - nữ công nhân tâm sự.
Khu nhà trọ vắng vẻ khi công nhân về quê ăn Tết |
Tay xách giỏ hàng trở về phòng trọ bên đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), chị Trương Thị Mai (quê Nam Định) cho biết, công ty nghỉ Tết từ ngày 30/1 (20 tháng chạp). Hôm nay, chị tranh thủ đi chợ mua ít bánh, kẹo để mấy ngày Tết tiếp đón đồng nghiệp tới chơi.
“Dù ở trọ nhưng ngày rằm, Tết ông Công ông Táo… vợ chồng tôi đều cúng theo phong tục. Phòng trọ ở đây chỉ 700 nghìn đồng/tháng. Chủ trọ giảm tiền thuê tháng cuối năm. Ai ở lại, không về quê ăn Tết đều được bà chủ lì xì mỗi người 200 nghìn đồng. Chủ trọ thân thiện, hay hỏi thăm hoàn cảnh từng người, nếu thấy ai khó khăn thì hỗ trợ” - chị Mai cho hay.
Không đơn độc, lẻ loi...
Đến khu nhà trọ ở hẻm 178 đường Huỳnh Văn Lũy (phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), chúng tôi được nghe kể về bà chủ trọ hết mình vì công nhân. Những người ở trọ nơi đây cho biết, năm nào cũng được bà chủ đãi tiệc tất niên.
“Những người ở trọ tại đây đều lâu năm, chủ trọ xem như người nhà. Những ngày Tết, ông bà chủ trọ mang đồ ăn tới chung vui cùng mọi người, vui nhất là đêm giao thừa. Bà chủ trọ gốc miền Bắc, hiểu biết về phong tục, tập quán nên nhiều người trong xóm trọ được bà hướng dẫn cách mua đồ về cúng dịp Tết” - anh Nguyễn Thái Sơn (quê Thái Bình, công nhân ở trọ hơn 7 năm nơi đây) vui vẻ cho biết.
Đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trong dịp Tết Giáp Thìn năm 2024, có từ 420.000 đến 450.000 lao động ở lại Bình Dương đón Tết. Để chăm lo chu đáo cho đoàn viên, công nhân lao động, Bình Dương đã tăng mức hỗ trợ quà Tết thêm 1.000 phần quà so với Tết năm 2023 để chăm lo cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn ở lại đón Tết với giá trị 1 triệu đồng/phần quà.