Tuyên bố trên được Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đưa ra trên truyền hình vào ngày 27/10 (giờ địa phương), sau khi Thượng viện Tây Ban Nha cho phép chính phủ Madrid đình chỉ quyền tự trị, và áp đặt quyền kiểm soát trực tiếp lên chính quyền Catalonia.
Ông Rajoy cho biết thêm, cuộc bầu cử khu vực mới sẽ được tổ chức tại Catalonia vào ngày 21/12 tới.
Cùng với việc loại bỏ lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont, Thủ tướng Tây Ban Nha cũng sa thải người đứng đầu lực lượng cảnh sát tại đây, cũng như tuyên bố các cơ quan chính phủ sẽ tiếp quản chính quyền tự trị.
“Tây Ban Nha đang trải qua một ngày buồn. Chúng tôi tin rằng, việc cấp bách là lắng nghe các công dân Catalonia, tất cả họ, để họ có thể quyết định tương lai của họ và không ai có thể hành động ngoài pháp luật thay họ”, ông Rajoy phát biểu.
Theo vị lãnh đạo Tây Ban Nha, động thái này là cần thiết để khôi phục lại luật pháp, nền dân chủ trước cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất của Tây Ban Nha kể từ khi cuộc nổi dậy từ thập kỷ trước (1970).
“Trong thời điểm này, chúng ta cần phải bình lặng và thận trọng, nhưng chúng ta cũng cần phải tự tin rằng nhà nước có những công cụ, được hậu thuẫn bởi pháp luật và lẽ phải, để mang hòa bình và lẽ phải trở về với pháp luật và đánh đuổi những mối đe dọa đối với nền dân chủ”, ông Rajoy nhấn mạnh.
Trước đó vài giờ, Catalonia chính thức tuyên bố độc lập, bất chấp sự phản đối kịch liệt từ chính phủ trung ương. Sự kiện này thực sự gây chấn động lớn không chỉ đối với Tây Ban Nha, mà còn cả toàn châu Âu.
Nhiều người lo lắng đây sẽ là phát súng đầu tiên cho làn sóng đòi ly khai ở các vùng khác trên toàn châu Âu. Số khác lại bắt đầu nghĩ đến viễn cảnh bất ổn về chính trị, xã hội và cả kinh tế.
Một số nước châu Âu, bao gồm cả Pháp và Đức, và Mỹ không công nhận tuyên bố độc lập của Catalan, đồng thời cam kết hỗ trợ các nỗ lực của Rayjoy để bảo vệ sự thống nhất của Tây Ban Nha.