Gần trưa 8/3, tại nhà ga T2 sân bay Nội Bài, nhiều người thân mang theo hoa chờ đón người thân về từ Ukraine. Chuyến bay VN88 của Vietnam Airlines chở gần 300 người Việt, trong đó có nhiều trẻ nhỏ vượt hành trình kéo dài 10.000 km từ Bucharest (Romania) về Nội Bài.
Để thực hiện chuyến bay này, Vietnam Airlines sắp xếp tổ bay gồm 25 thành viên, trong đó có 5 phi công (3 cơ trưởng), 12 tiếp viên, 2 kỹ thuật, 4 nhân viên phục vụ mặt đất… để đảm bảo mọi hoạt động diễn ra nhanh chóng, hiệu quả đồng bộ và an toàn tuyệt đối.
Ông Phạm Quang Sơn (61 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, gia đình ông rất vui khi biết con cháu ông ở Ukraine đã trên đường về Việt Nam.
“Con cháu tôi buôn bán, học hành ở thành phố cảng Odessa (Ukraine) từ nhiều năm nay. Khi xung đột xảy ra, mọi người đều rất lo lắng vì không biết tên bay đạn lạc sẽ thế nào. “Tôi cũng không nghĩ chiến tranh có thể xảy ra giữa Nga và Ukraine dẫn đến tình cảnh con cháu phải chạy về Việt Nam”, ông Sơn chia sẻ.
Cùng lên sân bay Nội Bài đón người thân, chị Nguyễn Thị Tuyến ở Thường Tín (Hà Nội) cho biết, khi xung đột giữa Nga và Ukraine, gia đình chị rất lo lắng cho sự an toàn của người trong gia đình đang sống ở thành phố Odessa. Khi nghe tin chuyến bay đưa người Việt từ Ukraine về Việt Nam ngày 8/3, cả gia đình chị Tuyến đang đi du lịch ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) lập tức quay về Nội Bài.
“Chưa biết chiến sự ở Ukraine dài trong bao lâu, nhưng về được đến Việt Nam an toàn là vui lắm rồi”, chị Tuyến nói.
Ngồi tại khu vực sảnh chờ, ông Bùi Thư Sinh (TP. Nam Định) cầm trên tay bó hoa đặc biệt được làm từ gói bim bim và chai nước ngọt mà vợ ông đã làm cả buổi tối hôm qua chờ đón con, cháu về từ Ukraine. Ông Sinh cho biết, khi thấy tình hình chiến sự căng thẳng ở Ukraine, cả gia đình đứng ngồi không yên, luôn thường trực trên tay chiếc điện thoại hỏi thăm sức khỏe của cả gia đình con trai đã gắn bó 15 năm bên xứ người.
“Các cháu bên đó làm ăn kinh tế nói chung là ổn định, nhưng sự an toàn ở thời điểm này là điều đáng quý nhất”, ông Sinh chia sẻ.
Không mang được gì
Gần 12h trưa, những người Việt đầu tiên từ Ukraine đặt chân xuống sân bay Nội Bài. Ông Dương Văn Hồng, 59 tuổi, vốn sinh sống, làm việc tại thành phố Odessa không giấu nổi sự xúc động cho biết, về đến Việt Nam ông cảm thấy rất an toàn, thấy quý mến, biết ơn những sự giúp đỡ nhiệt tình của các Đại sứ quán và đồng hương Việt Nam ở những nơi ông đã đi qua.
“Gia đình tôi thiệt hại rất nhiều. Hàng hoá, nhà cửa vẫn để đó. Rất khó để ước lượng cụ thể, nhưng khoảng vài chục nghìn USD”, ông Hồng nói. Trên vạt áo của ông Hồng vẫn còn vài vết bùn, đất loang lổ. Ông bảo, do hoảng sợ, chạy khỏi khu vực xảy ra xung đột nên chẳng mang theo được gì ngoài mấy bộ quần áo.
“Tôi sang Nga từ năm 1986, rồi sau đó sang Ukraine”, ông Hồng kể thêm, đồng thời chia sẻ rằng, bản thân “rất khó nói” khi hai nước từng cưu mang, giúp đỡ mình lại xảy ra xung đột.
Nhiều người Việt Nam từ Ukraine đã về đến sân bay Nội Bài trưa 8/3 Ảnh: Dương Triều |
Ông Hồng quê ở Việt Trì (Hà Nội). Ở Ukraine, ông buôn bán ngoài chợ. Gia đình ông đã về Việt Nam từ trước khi xảy ra xung đột. “Chúng tôi phải di chuyển mất mấy ngày trời, rất vất vả”, ông Hồng nói, đồng thời cho biết, bản thân ông và người Việt trong quá trình di chuyển đều nhận được sự giúp đỡ tận tình, chu đáo.
“Nói chung, tôi xác định là mất hết tài sản bên đó. Tôi cũng 59 tuổi rồi. Gia đình cũng đã về Việt Nam. Tôi cũng đã an toàn về Việt Nam, chắc cũng khó có cơ hội quay trở lại vì tuổi cao, sức yếu rồi. Quan trọng là bản thân và gia đình an toàn”, ông Hồng nêu.
Khác với ông Hồng, gia đình chị Vân Anh (Hà Nội) dù rất vui mừng vì về đến sân bay Nội Bài, nhưng chị cũng mong muốn có một ngày được quay trở lại Ukraine.
“Bên đấy đang có xung đột rất căng thẳng ở Kiev và Kharkov, nhà cửa hư hỏng, tang thương. Ở Odessa thì chưa căng thẳng, nhưng trên chuyến bay có thông tin cho rằng sắp có chiến sự ở Odessa nên tôi đang rất lo lắng, bởi người nhà của tôi vẫn còn ở bên đó”, chị Vân Anh chia sẻ.
Về cùng chị Vân Anh có chồng và con trai 7 tuổi. “Nói chung bây giờ về đến Việt Nam là cảm thấy an toàn rồi. Hiện tại, người Việt tập trung ở Romania và Ba Lan rất đông. Gia đình tôi may mắn nằm trong danh sách những người được đi chuyến bay đầu tiên để về nước. Sẽ có thêm các chuyến bay khác nữa, hy vọng có thể đón được hết người Việt mình về, bởi vẫn còn nhiều người già và trẻ em”, chị Vân Anh chia sẻ.
Romania hỗ trợ người Việt từ Ukraine sang
Điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Romania Bogdan Aurescu tối 7/3, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chân thành cảm ơn Chính phủ Romania đã hỗ trợ nhân đạo, bố trí nơi ăn ở, chăm sóc y tế cho người Việt và gia đình sơ tán từ Ukraine sang Romania những ngày qua, đồng thời đề nghị tiếp tục hỗ trợ các gia đình Việt Nam từ Ukraine sang Romania thời gian tới. Bộ trưởng Ngoại giao Romania khẳng định, các cơ quan chức năng của Romani đang phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam và các hội đoàn người Việt tại Romania trong công tác bảo hộ công dân đối với người Việt và gia đình từ Ukraine sang lánh nạn... Thu Loan
Chị Vân Anh đã sang Ukraine được gần 20 năm, nên coi nơi đây như quê hương thứ 2 của mình. Chị cho biết, rất mong hoà bình sớm được lập lại để chị có thể quay lại Ukraine tiếp tục sinh sống, làm việc. Chồng chị Vân Anh, anh Trịnh Văn Hùng thì kể, hơn 5h sáng ngày 1/3, đạn pháo bắt đầu bắn phá ầm ầm các vùng lân cận thành phố Odessa.
“Từ khi chiến tranh xảy ra, toàn thành phố Odessa im lìm vì không ai dám ra đường. Cả gia đình tôi chỉ quanh quẩn trong nhà nghe ngóng tin tức”, anh Hùng nói. Vì không muốn con cái bị ảnh hưởng tâm lý khi chiến tranh xảy ra, nhà anh chị quyết tâm đưa con cái rời khỏi Ukraine, bỏ hầu hết những tài sản tích góp sau nhiều năm làm việc. Những ngày chạy khỏi vùng chiến sự, có những thời điểm anh chị phải đi bộ hàng chục cây số trong lo lắng…
Chung niềm hạnh phúc được về Việt Nam an toàn, chị Nguyễn Thị Phương (31 tuổi) cho biết, thời điểm chị rời đi, thành phố Odessa vẫn khá yên bình, tuy thế, có thời điểm có những tiếng nổ cách nhà vài cây số lúc sáng sớm. Nhiều người phải chui xuống tầng hầm để trốn. Người dân khá sợ hãi.
“Tạm thời tôi về Việt Nam để sinh em bé. Chỉ mong xung đột sớm chấm dứt để trở lại Odessa làm việc, bởi “nửa đời thanh xuân” của tôi gắn bó với bên đó rồi”, chị Phương nói. Kể về hành trình trở về Việt Nam, chị Phương cho biết, chị mất 7 ngày để có thể trở về Việt Nam. Ô tô của gia đình chị cũng để lại trên hành trình di chuyển.
Trên hành trình, Đại sứ quán Romania gọi điện sang thông báo sẽ lo chỗ ăn, chỗ ngủ, xác định trách nhiệm đảm bảo đưa mọi người về Việt Nam.
“Lúc đó, chúng tôi rất xúc động, nghĩa là chúng tôi có cơ hội trở về Việt Nam chứ không phải tị nạn ở nước bạn. Họ cũng giúp đỡ rất nhiệt tình, từ chỗ ăn, chỗ ở. Khi các cháu nhỏ có ốm đau, họ đều gọi bác sĩ đến”, chị Phương nói.