Đơn hàng nhiều, đối tác lớn

Đơn hàng nhiều, đối tác lớn
TP - Theo đại diện doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), xuất khẩu hàng hoá đầu năm đang có nhiều tín hiệu tốt lành khi nhiều đơn hàng được các đối tác đến từ EU, Mỹ, Nhật Bản đặt kín đến hết quý III-2013.

> Nên điều chỉnh tỷ giá trong quý 1-2013
> Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về kiều hối

Dấu ấn dệt may

Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 1-2013, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) dệt may cả nước ước đạt 1,05 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ. Sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 22,1 triệu m2, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo ước đạt 81,8 triệu m2, tăng 12,9%. Quần áo người lớn ước đạt 184,8 triệu chiếc, tăng 21,6%.

Ông Bùi Viết Quang - Phó tổng giám đốc Cty cổ phần May Sông Hồng (Nam Định) cho biết, đến thời điểm này, các đơn hàng xuất khẩu đã được các đối tác đến từ EU và Mỹ đặt kín đến hết quý 3-2013.

Các đối tác chính của công ty vẫn là các nước châu Âu như Đức, Tây Ban Nha và thị trường Mỹ. Theo ông Quang, vì các đơn hàng được xuất trực tiếp sang EU và Mỹ nên giá trị gia tăng cao.

Do đó, trong năm 2013, Cty Sông Hồng đưa ra mục tiêu doanh thu đạt 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận tối thiểu đạt 150 tỷ đồng; riêng doanh thu từ xuất khẩu đạt 75-80 triệu USD.

“Nói chung thị trường xuất khẩu năm nay của ngành rất thuận lợi. Có một chút khó khăn đó là giá cạnh tranh cao hơn năm ngoái nhưng đổi lại chúng ta có lợi thế chi phí nhân công thấp nên không đáng lo” - ông Quang nói.

Bà Anh Thư - Giám đốc Truyền thông Tổng Cty May Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) cho biết, bắt đầu từ tháng 11 và 12-2012, Tổng Cty May Nhà Bè đã có đơn hàng đến hết tháng 6-2013, thậm chí một số đơn hàng đến hết tháng 9-2013.

Theo bà Thư, đối tác chính của Nhà Bè đến từ các nước châu Âu (chiếm 40%), Mỹ (35%), Nhật Bản (15%) và các thị trường khác chỉ chiếm 10%. “Theo dự kiến, trong năm 2013, doanh thu từ xuất khẩu của tổng công ty sẽ tăng từ 25-30% (chưa tính thị trường nội địa)” - bà Thu cho biết.

Trao đổi với PV Tiền Phong hôm 18-2, ông Lê Tiến Trường - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), cho biết dù trong bối cảnh kinh tế 2013 dự báo tiếp tục khó khăn, song nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đã có đơn hàng đến hết quý I.

Đây là nỗ lực lớn của các doanh nghiệp để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 12% của toàn ngành năm 2013. Theo ông Trường, xuất khẩu dệt may năm 2013 phải tiếp tục duy trì tốt các thị trường đang có và tăng thị phần ở những thị trường mới.

Thực tế, giá trị gia tăng của ngành dệt may đã tăng lên, trong đó tỷ lệ nội địa hóa có bước tiến vượt bậc sau 5 năm gia nhập WTO. Dự báo năm 2013, ngành dệt may phấn đấu đạt KNXK 18,5-19 tỷ USD; trong đó tăng trưởng tại bốn thị trường truyền thống với nhiều đối tác lớn đến từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Điện tử, da giày khả quan

Trong năm 2012, dấu ấn xuất khẩu được nhiều chuyên gia đánh giá cao là kết quả xuất khẩu hàng điện tử của Cty Samsung. Ông Shim Won Hwan - Tổng giám đốc Khu tổ hợp công nghệ Samsung (Samsung Complex) tại Bắc Ninh cho biết, tổng KNXK của Cty Samsung Electronics Việt Nam (SEV) trong năm 2012 đạt 12,72 tỷ USD, chiếm hơn 10% tổng KNXK của cả nước.

Trong số này, riêng xuất khẩu điện thoại di động (ĐTDĐ) là 12,6 tỷ USD, phần còn lại 120 triệu USD là KNXK máy hút bụi. “Tất cả các sản phẩm mũi nhọn của Samsung như: điện thoại Galaxy S2, S3, Galaxy Note 1, Note 2 và các loại máy tính bảng… đều được sản xuất ở Bắc Ninh và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Dự kiến, trong năm 2013, SEV sẽ xuất khẩu tới 16,5 tỷ USD” - ông Shim Won Hwan khẳng định.

Với ngành da giày, theo Bộ Công Thương, sản lượng giầy dép, ủng giả da cho người lớn trong tháng 1-2013 ước đạt 19,1 triệu đôi, tăng 13,9% so với cùng kỳ.

Nhiều doanh nghiệp da giày đã có đơn hàng đến hết năm 2013. Dự báo đơn hàng từ thị trường Mỹ có thể tăng khoảng 10% và thị trường EU năm nay sẽ ổn định hơn so với năm 2012.

“Với tình hình đơn hàng dồi dào như hiện nay, xuất khẩu da giày trong năm 2013 sẽ rất khả quan” - Giám đốc một doanh nghiệp da giày tại Hải Dương cho biết.

Một lãnh đạo cảng Đình Vũ (Hải Phòng) cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2013, sản lượng hàng hóa qua cảng Đình Vũ đã tăng đột biến. Riêng tháng 1, sản lượng đạt 48.000 TEU, là mức kỷ lục từ khi bắt đầu khai thác hàng container.

Do nhiều doanh nghiệp đã có sẵn đơn hàng của năm 2013, nên tranh thủ nhập nguyên liệu về trước để chuẩn bị cho vụ sản xuất sau Tết. Đồng thời, một số hãng tàu cập cảng Đình Vũ cũng khai thác được nguồn khách hàng tốt nên lượng hàng qua cảng này tăng vọt.

Trao đổi với PV Tiền Phong về tình hình xuất khẩu năm 2013, TS. Vũ Đình Ánh cho biết, năm 2013 được đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu sẽ có nhiều thuận lợi hơn.

Do đó, ít nhất, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá năm 2013 sẽ cao hơn hoặc bằng năm 2012. “Trong năm 2013, khó khăn đối với xuất khẩu chỉ là tốc độ tăng trưởng khó đạt như năm 2012, còn vẫn duy trì được xuất khẩu” - ông Ánh nói.

Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2013, mục tiêu đề ra là tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt khoảng 126,1 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2012.

Để đẩy mạnh xuất khẩu, ông Chinh cho rằng cần tập trung đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường trong và ngoài nước, phổ biến kịp thời, rộng rãi các thông tin thị trường cho doanh nghiệp biết.

Cá tra lo cung không đủ cầu

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty CP Hùng Vương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, xuất khẩu cá tra năm 2013 đang có tín hiệu khả quan, khi nhu cầu nhập khẩu của các thị trường đang tăng.

Theo ông Minh, trong tháng 2-2013, các DN xuất khẩu cá tra của Việt Nam đều tăng sản lượng. Tại Cty CP Hùng Vương, trong Quý I, đơn hàng đã lên tới 60 triệu USD, tăng 20% so cùng kỳ năm ngoái.

Hiện, giá cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long từ 22.500-22.800 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so trước Tết và dự báo xu hướng đang tăng lên. Lãnh đạo Vasep cho hay, năm 2013, không riêng gì Việt Nam, mà Trung Quốc, Na Uy... những nước cung cấp nguồn cá sản lượng nuôi trồng giảm. Do vậy, nguồn cung năm nay không đủ cầu.

Dự báo trong tháng 3, 4 các thị trường tiêu thụ đều tăng, là mùa ăn chay của các nước đông dân theo đạo Hồi, Thiên Chúa.

Đặc biệt, từ quý 3 trở đi do sản lượng cá hụt, nên nhu cầu nhập cá càng lớn và giá cá tra xuất khẩu sẽ tăng lên. Hiện thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam chủ yếu là châu Âu, chiếm 37%, Mỹ 20%, còn lại là các thị trường khác. Phạm Anh

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cụ bà 102 tuổi vẫn ‘hít đất’ hằng ngày, đi xe máy hàng chục cây số
Cụ bà 102 tuổi vẫn ‘hít đất’ hằng ngày, đi xe máy hàng chục cây số
TPO - Ở cái tuổi xưa nay hiếm, cụ Nguyễn Thị Kết, 102 tuổi, ở xã Long Hà (huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) vẫn vô cùng khỏe mạnh, ngồi xe máy đi hàng chục cây số, tập thể dục hít đất mỗi ngày, chinh phục được tòa nhà cao nhất Việt Nam. Cụ vẫn nhớ được hết tên cùng tính cách của toàn bộ con, cháu trong gia đình.
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.