Đòn giáng mạnh vào tham vọng của Israel

TPO - Thông tin về thỏa thuận hàn gắn bất ngờ giữa hai đối thủ lâu năm Ả-rập Xê-út và Iran đang gây sóng gió trên khắp Trung Đông và trở thành đón giáng mạnh vào tham vọng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người luôn coi mối đe dọa từ Iran là ưu tiên trong chính sách ngoại giao và sứ mệnh cá nhân.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Ảnh: AP)

Bước đột phá – kết quả của hơn 1 năm đàm phán tại Baghdad và gần đây tại Trung Quốc – cũng tác động đến chính trị nội bộ của Israel, phản ánh những chia rẽ nghiêm trọng ở nước này trong giai đoạn hỗn loạn khắp cả nước.

Thỏa thuận, trong đó có điều khoản Iran và Ả-rập Xê-út sẽ mở lại đại sứ quán và khôi phục quan hệ ngoại giao sau 7 năm đoạn tuyệt, được đánh giá là một trong những bước chuyển nổi bật nhất trong ngoại giao Trung Đông những năm gần đây. Tại các quốc gia như Yemen và Syria, nơi từ lâu đã bị kẹt giữa vương quốc theo đạo Hồi dòng Sunni với một cường quốc thuộc dòng Shiite, thỏa thuận này mang lại một sự lạc quan thận trọng.

Tại Israel, nó gây ra sự thất vọng, cùng với việc đổ lỗi.

Một trong những chiến thắng ngoại giao lớn nhất của Thủ tướng Netanyahu vẫn là thỏa thuận do Mỹ dàn xếp để bình thường hóa quan hệ với bốn quốc gia Ả-rập năm 2020, trong đó có Bahrain và UAE. Đó là một phần trong nỗ lực nhằm cô lập và đối đầu Iran mạnh mẽ hơn nữa.

Ông Netanyahu tự cho rằng mình là một chính trị gia đủ khả năng bảo vệ Israel trước chương trình hạt nhân phát triển nhanh chóng của Tehran và các lực lượng thân Iran ở khu vực, như Hezbollah ở Li-băng và Hamas ở Dải Gaza. Israel và Iran cũng đứng sau những cuộc chiến tranh ở khu vực, dẫn đến những vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào các tàu chở hàng liên quan đến Israel trên Vịnh Ba Tư.

Một thỏa thuận bình thường hóa với Ả-rập Xê-út, quốc gia giàu mạnh nhất trong thế giới Ả-rập, sẽ giúp ông Netanyahu đạt được mục tiêu của mình, tái định hình khu vực và nâng cao vị thế của Israel. Dù những tiếp xúc hậu trường giữa Israel và Ả-rập xê-út gia tăng trong thời gian qua, nhưng Riyadh tuyên bố sẽ không chính thức công nhận Israel trước khi có giải pháp cho cuộc xung đột Israel – Palestine suốt mấy chục năm qua.

Kể từ quay lại vị trí thủ tướng năm ngoái, ông Netanyahu và các đồng minh nhiều lần ngụ ý về việc sắp đạt được thỏa thuận với Ả-rập Xê-út. Trong phát biểu trước các lãnh đạo Do Thái ở Mỹ tháng trước, ông Netanyahu gọi thỏa thuận hòa bình là “mục tiêu mà chúng tôi đang cố gắng đạt được song song với mục tiêu ngăn chặn Iran”.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng thỏa thuận giữa Ả-rập Xê-út và Iran đã dội nước lạnh vào tham vọng đó. Quyết định của Ả-rập Xê-út về việc bắt tay với đối thủ Iran khiến Israel bị bỏ lại một mình trong nỗ lực cô lập ngoại giao Iran và nguy cơ tấn công đơn phương các cơ sở hạt nhân của Iran. UAE cũng đã khôi phục quan hệ chính thức với Iran từ năm ngoái.

“Đó là một đòn giáng vào quan điểm và nỗ lực của Israel trong những năm gần đây nhằm tạo nên một liên minh chống Iran ở khu vực. Nếu bạn nhìn Trung Đông như một trò chơi được mất, chiến thắng ngoại giao của Iran sẽ là tin rất tồi cho Israel”, Yoel Guzansky, một chuyên gia về Vùng Vịnh tại Viện nghiên cứu an ninh quốc gia ở Israel, đánh giá.

Tuy nhiên, dù mở lại đại sứ quán, Ả-rập Xê-út và Iran có thể vẫn sẽ là đối thủ của nhau. Và khác với UAE, Ả-rập Xê-út vẫn có thể làm sâu sắc quan hệ với Israel dù đã bình thường hóa với Iran, ông Guzansky nhận định.

Theo Politico