Dồn dập những vụ bạo hành trẻ em

Dồn dập những vụ bạo hành trẻ em
Chưa bao giờ dư luận xã hội lại thấy bức xúc trước vấn nạn bạo hành trẻ em như lúc này. Chỉ riêng ngày 1/12 đã có ít nhất ba vụ bạo hành trẻ em được phản ánh trên ba tờ báo khác nhau.
Dồn dập những vụ bạo hành trẻ em ảnh 1
Từ trái sang: bé Trâm, bé Trang, bé Toan và bé Còi, bốn trong số những nạn nhân của nạn bạo hành trẻ em. Ảnh: Pháp luật TPHCM.

Không riêng gì ở vùng sâu, vùng xa - nơi mà các thiết chế của tổ chức xã hội bảo vệ trẻ còn yếu kém, mà ngay tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn tồn tại vấn nạn đau lòng này.

Chuyện gì đang xảy ra với các em? Đây có phải là một hiện tượng xã hội bất thường? Chúng tôi ghi nhận ý kiến của các chuyên gia làm rõ vấn đề thời sự này.

Luật chưa nghiêm, xử lý còn du di

Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng: Hành hạ, ngược đãi trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải xử lý nghiêm vì đây là đối tượng có khả năng tự vệ kém. Thậm chí, có những đối tượng khả năng tự vệ chỉ bằng không như trường hợp của em bé thiểu năng bị đánh đến tróc móng tay.

Tôi cho rằng, có hai nguyên nhân chính khiến những chuyện tương tự cứ lặp đi lặp lại. Thứ nhất, luật pháp của ta chưa đủ răn đe. Thứ hai, mặc dù đã có luật nhưng chúng ta chưa thi hành nghiêm.

Điều 110, Bộ luật Hình sự về tội hành hạ người khác có quy định, người nào đối xử tàn ác với đối tượng là trẻ em lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ từ một năm đến ba năm.

Đây là mức án quá nhẹ. Trong khi các vụ hành hạ trẻ em thường lặp đi lặp lại trong một thời gian dài khiến trẻ không những bị ảnh hưởng về thể xác mà tinh thần cũng ảnh hưởng rất nặng. Có khi, những ám ảnh đó theo các em suốt đời.

Điều 17, Nghị định 114/2006/NĐ - CP có quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với trường hợp bắt trẻ em đi xin ăn, cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn.

Khoản 2 của điều này cũng quy định phạt tiền từ hai triệu đồng đến năm triệu đồng đối với hành vi đánh đập hoặc bạo lực xâm phạm thân thể trẻ em, làm cho đau đớn về thể xác và tinh thần.

Luật thì quy định như thế nhưng trên thực tế có mấy trường hợp đánh đập trẻ em bị xử phạt đâu!

Cần tổ chức bàn tròn làm rõ vì sao

Thạc sĩ Xã hội học Nguyễn Thị Oanh nêu quan điểm: Văn hóa “thương cho roi cho vọt” của mình làm cho người ta coi chuyện đánh con nít là bình thường. Nhiều trường hợp, người dân không lấy giáo dục tâm lý để dạy con mà lại giáo dục bằng đòn roi.

Việc hành hạ, đánh đập trẻ em lâu nay vẫn thường xảy ra. Tuy nhiên, thời gian gần đây bộc lộ ra nhiều từ sau vụ em Bình ở Hà Nội do người dân đã nhạy bén hơn, mạnh dạn hơn trong đấu tranh, tố cáo chống lại cái ác. Đó là điều đáng buồn nhưng cũng đáng mừng. Tôi gọi tính nhạy bén, mạnh dạn trong tố cáo của người dân thời gian gần đây là “sự lây lan tích cực”.

Tôi thấy báo chí và các ngành cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Cần làm bàn tròn để coi vì sao chuyện này ngấm ngầm dữ vậy. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về quyền trẻ em và cách bảo vệ trẻ em đến từng khu phố, từng gia đình để làm thay đổi nhận thức người dân.

Tiếng nói của chính quyền còn quá yếu

Theo ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM: Việc quản lý ở khu dân cư lâu nay còn rất lỏng lẻo. Có một số trường hợp công an khu vực thiếu trách nhiệm, thậm chí thông đồng với kẻ xấu. Đối với trẻ em thì ai cũng phải có trách nhiệm nhưng trách nhiệm và tiếng nói của chính quyền trong những sự việc vừa qua còn yếu quá.

Sau việc em Bình ở Hà Nội, chúng tôi đã có công văn đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận, huyện chú ý đến từng khu vực dân cư có nghi vấn, tìm hiểu và phát hiện tình trạng trẻ em bị ngược đãi, bạo hành.

Điều đáng mừng là bây giờ người dân đã có để ý và mạnh dạn tố cáo hơn. Người dân đang chờ đợi thái độ của chính quyền xử lý các sự việc đã tố cáo đó như thế nào.

Do tuổi thơ cha mẹ từng bị ngược đãi

Ông Lê Minh Công, Phó Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Tâm thần trung ương 2: Khoa chúng tôi thỉnh thoảng vẫn tiếp nhận những ca tư vấn cho trẻ em bị cha mẹ đánh đập. Khi tìm hiểu thì được biết tuổi thơ của cha mẹ các em trước đó cũng bị ngược đãi nên họ lại theo lối mòn ấy mà dạy con.

Sự ngược đãi, bạo hành về tinh thần hay thể xác đều ảnh hưởng xấu đến sự phát triển sau này của trẻ. Có những di chứng không bộc lộ ra ngay mà sẽ hình thành cách ứng xử sau này của họ với con cái và người khác. Điều đó rất nguy hiểm.

Một số vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng

- Đồng Tháp: Vì nghi ngờ học sinh Huỳnh Thị Ngọc Trâm (10 tuổi) lấy 47.800 đồng, hiệu trưởng Trường tiểu học An Hiệp 2, Châu Thành (Đồng Tháp) đã giao em cho Công an xã An Hiệp hỏi cung, làm em hoảng loạn, không nói chuyện được.

- Hà Nội: Em Nguyễn Thị Bình bị vợ chồng chủ quán phở trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân dùng nhục hình, đánh đập từ lúc 10 tuổi đến nay.

- TP.HCM: Em Hồ Thị Bông (9 tuổi) bị mẹ nuôi bắt đi ăn xin. Do không kiếm đủ số tiền như quy định, Bông đã bị bà mẹ này đổ nước sôi lên người làm phỏng nặng.

- Đăk Lăk: Em Hồ Phi Hiền, học lớp 6, Trường THCS Trần Quang Diệu (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) sau khi bị đưa lên công an xã để làm rõ một vụ mất trộm tiền đã uống thuốc diệt cỏ tự tử.

- TP.HCM: Do bị nghi ngờ tham gia trong một trò chơi đánh nhau, bốn học sinh lớp 9 của Trường THCS Trần Phú (quận 10) đã bị dân quân tự vệ phường 15 đánh đập dã man.

+ Em Nguyễn Hữu Lợi (9 tuổi) bị mẹ nuôi dùng roi đánh khắp người và búa đánh vào đầu chỉ vì ăn hết thức ăn để phần đến chiều.

- Nghệ An: Trong giờ tiếng Việt, một học sinh lớp 1A (Trường tiểu học Quang Trung, Vinh) vì chưa kịp hoàn thành bài kiểm tra đã bị cô chủ nhiệm dùng thước ném vào người khiến mí mắt em rách và chảy máu.

Theo Pháp luật TPHCM

MỚI - NÓNG
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
TPO - Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng cơ chế về thuế hiện nay đang gây khó khăn trong việc hồi hương cổ vật. Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất miễn thuế hoàn toàn để mở rộng con đường hồi hương cổ vật. Đây là thông tin được đưa ra tọa đàm góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức ngày 28/3.