Đón công nhân trở lại làm việc: Nhiều địa phương thận trọng

0:00 / 0:00
0:00
DN muốn người lao động sớm được di chuyểnảnh: U.P
DN muốn người lao động sớm được di chuyểnảnh: U.P
TP - Nhiều địa phương ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 và lên kế hoạch phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, việc đón người lao động trở lại làm việc đang rất thận trọng.

Vẫn đang bàn

Sở GTVT TPHCM đã xây dựng phương án phối hợp đưa người lao động về lại thành phố để làm việc. Theo đó, người lao động về TPHCM phải có kế hoạch làm việc (được các doanh nghiệp, hợp tác xã có văn bản xác nhận hoặc gửi thông báo); đã tiêm vắc-xin mũi 1 ít nhất đủ 14 ngày sau khi tiêm hoặc đã khỏi bệnh COVID-19; có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực.

Ông Phan Công Bằng- Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, Sở đang tham mưu xây dựng phương án tổ chức giao thông nội bộ và giao thông liên vùng, trong đó có nội dung vận chuyển công nhân, sinh viên, học sinh về quê nay quay lại TPHCM.

Theo ông Bằng, việc đi lại giữa các tỉnh cần có ý kiến của các địa phương và Bộ GTVT. Sau khi phương án cụ thể được ban hành thì công tác phối hợp với các địa phương không có gì vướng mắc.

Đồng Nai có hơn 1.200 doanh nghiệp được phê duyệt phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm”. Mục tiêu hiện tại của Đồng Nai là thúc đẩy các phương án phục hồi kinh tế trong bối cảnh phải dần kiểm soát được dịch bệnh COVID-19. Đồng Nai đã ban hành các tiêu chí về vùng đỏ, cam, vàng, xanh và các nguyên tắc về lộ trình mở dần từng bước. Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát. “Vùng xanh” mở rộng, điều này sẽ có thêm nhiều lao động đủ điều kiện đi làm trở lại.

Trong khi đó, Bình Dương đã trở về trạng thái bình thường mới nhưng đến nay chỉ mới bàn về việc đón công nhân ở các tỉnh quay trở lại làm việc. Cụ thể, Bình Dương công bố trở về trạng thái bình thường mới từ ngày 15/9 nhưng chỉ nới lỏng cho phép các hoạt động kinh doanh thiết yếu trở lại.

Với các doanh nghiệp muốn tái sản xuất phải đáp ứng mô hình “3 xanh” (nhà máy, công nhân và nhà trọ) nhưng với điều kiện khắt khe, rất ít doanh nghiệp đáp ứng đủ.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết thời gian khống chế dịch bệnh sẽ quyết định đến sự ổn định lao động, quá trình phục hồi hoạt động của doanh nghiệp và đưa địa phương vào trạng thái “bình thường mới” giai đoạn sau giãn cách. Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Dương cho rằng, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp ổn định sản xuất sẽ rất cần lao động. Tuy nhiên, việc đưa người lao động trở lại Bình Dương phải theo hướng dẫn để đảm bảo an toàn.

Bà Rịa-Vũng Tàu đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 từ ngày 23/9 khi cho phép một số hoạt động trở lại. Để thu hút người lao động quay lại làm việc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho phép người dân có giấy xác nhận của DN trong “vùng xanh” được sử dụng phương tiện cá nhân đi từ nơi ở đến nơi làm việc. Còn các cơ sở sản xuất có sử dụng lao động cả trong và ngoài địa bàn huyện đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” hơn 14 ngày, thì chỉ người lao động đang sinh sống trên địa bàn huyện được sử dụng phương tiện cá nhân đi từ nơi ở đến nơi làm việc.

“Điều kiện bắt buộc là DN và cá nhân phải đăng ký lịch trình di chuyển của từng lao động, thể hiện cụ thể cung đường di chuyển từ nơi cư trú đến nơi làm việc và ngược lại. Người lao động phải cam kết di chuyển theo đúng lịch trình đã đăng ký. DN và người lao động phải hoàn toàn chịu trách nhiệm thực hiện đúng cung đường và lịch trình di chuyển”, ông Lê Ngọc Khánh-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhấn mạnh.

Ưu tiên vắc-xin cho công nhân

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết, địa phương đã và đang tập trung để kiểm soát tốt dịch bệnh, sẽ triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gắn với công tác phòng, chống dịch, tạo môi trường sản xuất sạch, tránh lây nhiễm cho công nhân lao động.

Ông Lợi cho hay, sắp tới khi có nguồn vắc- xin được phân bổ, địa phương tiếp tục triển khai tiêm mũi 2 cho người dân và công nhân lao động trên địa bàn, đồng thời sẽ tổ chức các phòng khám, trạm y tế lưu động để đưa y tế đến gần người dân, doanh nghiệp; tổ khám sức khỏe định kỳ cho công nhân lao động tại các doanh nghiệp. Qua đó, kịp thời phát hiện và đưa các trường hợp F0 đi điều trị, phòng tránh lây nhiễm trong nhà máy. Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, đến nay địa phương đã thành lập 142 trạm y tế lưu động, trong đó có 3 trạm trong nhà xưởng công ty.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thông tin, tỉnh đã và đang hết sức nỗ lực, có nhiều văn bản kiến nghị tới các bộ, ngành và Trung ương để có thể sớm phân bổ lượng vắc-xin đáp ứng tiêm theo kế hoạch.

Dự kiến đến 31/12, Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức tiêm phải đạt tỷ lệ 95% dân số từ 18 tuổi trở lên. Trong đó, đối với người lao động tới ngày 31/10 sẽ tiêm vắc-xin mũi 1 cho ít nhất 70% và đến ngày 31/12 đạt 100%. Sắp tới khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh sẽ có những điều chỉnh phù hợp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động đi làm trở lại giữa các địa phương.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết: “Tỉnh đã kiến nghị Chính phủ nhanh chóng ưu tiên vắc-xin cho Đồng Nai để phủ hết mũi 1 cho người dân trong độ tuổi từ 18 trở lên để giảm dịch bệnh, mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp “vùng vàng, cam, đỏ” giúp lao động có thể trở lại làm việc trong các nhà máy. Trong tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tỉnh tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất nhanh nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn dịch bệnh”.

Bên cạnh công tác khống chế dịch, Đồng Nai đang từng bước hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục lại hoạt động sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được hoán đổi công nhân. Đồng thời, tháo gỡ hoạt động đi lại của người dân, nhất là người dân ở các “vùng xanh”.

Không thể tiếp tục chờ

Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói rằng, các doanh nghiệp suốt thời gian qua đã đồng lòng trong việc chấp hành nghiêm túc giãn cách xã hội, phòng chống dịch tốt trong sản xuất kinh doanh; chuyển đổi mô hình, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng an toàn với đại dịch. Điều này góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 8 tháng đầu năm 2021. Tỉnh nhận thức rõ dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nhưng không tiếp tục chờ đợi mà phải tính đến các việc “mở cửa” trở lại nền kinh tế. Quan điểm của Bà Rịa-Vũng Tàu là thực hiện đồng bộ 3 nhiệm vụ chính là “Phòng chống dịch-Phát triển kinh tế- An dân”.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.