Đội tuyển Cameroon: Bầy sư tử lại bị khuất phục?

Samuel Etoo (Cameroon) cố gắng vượt qua Mats Hummels (Đức).
Samuel Etoo (Cameroon) cố gắng vượt qua Mats Hummels (Đức).
Trong 4 kỳ World Cup gần nhất được tham dự, Cameroon đều nói lời chia tay chỉ sau vòng bảng. Cuộc phiêu lưu trên đất Brazil cũng sẽ có kết quả tương tự?

Cả thế giới biết đến Cameroon với biệt danh “Les Lions Indomptables” (những chú sư tử bất khuất). Tuy nhiên, khi bước ra sân chơi lớn World Cup, hình ảnh bất khuất không được Cameroon thể hiện. Vào đến tứ kết Italia 1990 là bất ngờ duy nhất, và lịch sử Cameroon là những lần khác không thể vượt qua được vòng bảng. 

Giai đoạn đỉnh cao trong lịch sử Cameroon có thể kể đến những năm đầu thập niên 2000. Đúng với hình ảnh bất khuất, Cameroon liên tiếp giành 2 chức vô địch châu Phi (CAN), các năm 2000 và 2002. Một điều ấn tượng là ở Mali 2002, “bầy sư tử” đăng quang mà không để thủng lưới bàn nào sau 6 trận đấu. Trong giai đoạn này, Cameroon còn giành HCV Olympic 2000 ở Australia, với lứa tài năng trẻ không thua bất kỳ quốc gia châu Âu nào. Để lấy HCV, họ vượt qua những gã khổng lồ Brazil và Tây Ban Nha.

Chuỗi thành công ấy biến Cameroon thành một ẩn số thú vị tại Hàn Quốc - Nhật Bản 2002. Thực tế, ngay sau vòng bảng, Cameroon xách vali về nước. Ở một bảng đấu chỉ có Đức là mạnh, đại diện Trung Phi thể hiện sự nhạt nhòa, và phải chịu xếp sau CH Ireland. Ở châu Á, Cameroon thậm chí ra về với vỏn vẹn chỉ 2 bàn thắng.

Sau khi lỡ hẹn với mùa hè nước Đức 2006, “bầy sư tử” trở lại tại Nam Phi, rồi một lần nữa bị khuất phục dễ dàng trước Hà Lan, Đan Mạch và Nhật Bản. Đó cũng là kỳ World Cup đầu tiên trong lịch sử Cameroon ra về mà không có điểm nào. Một nỗi hổ thẹn lớn của đội bóng được dẫn dắt bởi HLV lừng danh Paul Le Guen (Pháp, từng biến Lyon thành hiện tượng Ligue 1 và châu Âu, cũng như có dấu ấn với PSG).

Một lịch sử thất vọng ở các kỳ World Cup khiến Cameroon đến Brazil với rất nhiều hoài nghi. Từ sau thất bại ở Nam Phi, Javier Clemente rồi Denis Lavagne liên tục bị sa thải khỏi ghế HLV trưởng. Volker Finke là HLV thứ 3 trong vòng chưa đầy 3 năm, chưa kể Jean-Paul Akono có thời gian tạm quyền.

Vị HLV người Đức tiếp quản một Cameroon bạc nhược, không vào nổi VCK CAN hai kỳ gần nhất (2012 và 2013). Đội ngũ mà HLV Finke mang theo đến Brazil là những ngôi sao đã gắn bó với đội trong nhiều năm qua, nhưng phần lớn không còn đỉnh cao. Lứa trẻ kế thừa cũng chưa được kiểm chứng về năng lực, cũng như kinh nghiệm. Tất cả chỉ biết trông đợi vào Samuel Eto’o, người đội trưởng 33 tuổi đã qua thời đỉnh cao.

Đâu là vấn đề của Cameroon? Đội bóng ấy thiếu sự cống hiến tập thể. Cameroon có thể trình diễn nhiều bộ trang phục lạ mắt và khiến FIFA tức tối, chỉ để làm đẹp bên ngoài, nhưng không chiến đấu hết mình vì niềm kiêu hãnh màu cờ sắc áo. Những cái tôi quá lớn khiến đội bóng không có sự kết dính cần thiết. Một điểm nữa, Cameroon ảo tưởng vào sức mạnh bản thân, để rồi đánh mất mình khi bước vào trận đấu.

Trước khi đến Brazil, tập thể các cầu thủ Cameroon thậm chí có tranh cãi gay gắt với phía LĐBĐ, và khiến thời gian tập luyện bị gián đoạn. Tất cả chỉ vì chi phí sinh hoạt cho từng cầu thủ đến World Cup mà Liên đoàn đưa ra bị cho là quá ít. Với đội ngũ nghĩ quá nhiều đến lợi ích của cá nhân, không chiến đấu cho tập thể và hình ảnh quốc gia, “sư tử” Cameroon sẽ một lần nữa bị khuất phục? Điều đó là có thể, khi các đối thủ Brazil, Mexico và Croatia đều rất mạnh.

Ngọc Huy

Theo SGGP
MỚI - NÓNG