Hơn 300 người dân có mặt tại buổi đối thoại. |
Những câu chuyện chân tình
Mở đầu buổi đối thoại, Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền - Trưởng Công an quận Hà Đông trân trọng cảm ơn mọi người đã đến dự buổi đối thoại. “Hôm nay chúng ta sẽ cùng chia sẻ, mở lòng như người thân trong gia đình để cùng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của mọi người. Những khó khăn vướng mắc sẽ được trả lời thấu đáo” - Đại tá Quyền nói.
Anh N.T.H (trú tại phường Mộ Lao) từng bị xử phạt 12 tháng tù treo về tội gây rối trật tự công cộng, phát biểu luôn nhận được sự động viên, quan tâm của công an cơ sở đã thường xuyên đến thăm hỏi, tình cảm ấy rất quý báu và giúp tôi sớm vượt qua mặc cảm.
“Tôi xin nhắn nhủ đến những thanh niên trẻ hãy chăm chỉ học hành, kiếm sống để không phải hối tiếc vì lầm lỡ, không phải nhắc đến từ giá như đừng vi phạm pháp luật” - anh H. nói.
Còn anh P.T.T (trú tại phường Yên Nghĩa) cho biết trong thời gian điều tra, truy tố, xét xử vụ án của mình các cấp, ban, ngành đã cân nhắc đến những yếu tố giảm nhẹ cũng như hành vi vô ý phạm tội của bản thân để ra quyết định phạt cải tạo không giam giữ, tạo cơ hội được tiếp tục lao động, học tập đóng góp cho xã hội.
Đây là lần đầu tiên đơn vị trong Công an TP Hà Nội tổ chức buổi gặp gỡ, tư vấn hướng nghiệp lãnh đạo công an quận với những người lầm lỡ, tái hòa nhập cộng đồng với nhiều thông tin thiết thực.
“Tôi thi hành bản án được gần 2 năm và nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, cơ quan làm việc cũng như bạn bè, người thân để cố gắng học tập, làm việc, thực hiện tốt các quy định của pháp luật, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước” - anh T. nói.
Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền - Trưởng Công an quận Hà Đông. |
Giải tỏa tâm lý mặc cảm
Tại buổi đối thoại, anh T.V.P (trú tại phường Phúc La) gửi câu hỏi tới ban chỉ huy Công an quận Hà Đông về những băn khoăn khi trở về địa phương thì có giải pháp nào hỗ trợ những người như mình không?
Trực tiếp trả lời câu hỏi của anh P., Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền cho biết ở các phường, lực lượng cảnh sát khu vực được giao nhiệm vụ thường xuyên đến thăm, động viên người lầm lỡ. Tuy nhiên, tự cá nhân mỗi người phải bỏ qua mặc cảm. Chủ động tiếp xúc với người thân, hàng xóm, xã hội.
“Ở quê tôi cũng có trường hợp như vậy, khi trở về địa phương, không dám đi đâu, họp họ cũng không dám dự. Tâm lý sợ bị xã hội bỏ rơi. Cả họ phải chung tay, dần dần tháo gỡ khúc mắc, tiếp xúc nhiều. Sau đó tâm lý được giải tỏa, họ đã tìm được việc làm để duy trì cuộc sống” - Đại tá Quyền nói và cho biết, tự mình phải bước đi, khẳng định bản thân, không ai giúp được mình ngoài chính mình trong việc ấy.
Cũng tại buổi đối thoại, ông Đỗ Xuân Cát (nguyên là bảo vệ dân phố phường Phú La) kể, lúc phường mới thành lập, địa bàn có 28 người nghiện ma túy. Cùng với lực lượng công an cơ sở, bản thân ông đã tham gia tổ động viên, giúp đỡ người nghiện làm lại cuộc đời. “Lúc đầu đi đến gặp gỡ, người nghiện không ai thèm nghe tôi. Nhưng bằng sự kiên trì và tấm lòng, họ cũng trải lòng và hợp tác” - ông Cát cho biết.
Ông Cát đưa ra đề xuất kiến nghị trên địa bàn quận có 17 phường, do đó mỗi phường cần bố trí 2 nơi để làm cửa hàng sửa xe máy, bán rau... như vậy là thiết thực giúp cho người lầm lỡ ổn định cuộc sống, không tái phạm.
Nhiều kiến nghị, đề xuất đưa ra các giải pháp hỗ trợ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng. |
Tại buổi đối thoại, Công an quận Hà Đông đề nghị Phòng Lao động thương binh và xã hội nghiên cứu tham mưu UBND quận có chính sách đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ người chấp hành án phạt không có nơi nương tựa, hoàn cảnh khó khăn để tạo việc làm ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, UBND các phường phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và vận động nhân dân trong khu vực dân cư phối hợp chặt chẽ với gia đình giám sát, giúp đỡ người lầm lỡ; trợ giúp về tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý, giúp đỡ tạo việc làm...
Cam kết hỗ trợ tìm việc làm
Ông Vũ Quang Thành - Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đơn vị sẽ cùng Công an quận Hà Đông tiếp tục tổ chức những buổi tư vấn chuyên sâu cho người lầm lỡ; thu thập nguyện vọng của người lầm lỡ để xây dựng phương án tìm việc phù hợp. Bên cạnh đó, phiên giao dịch việc làm diễn ra hàng ngày, các cán bộ trung tâm sẵn sàng hộ trợ người lầm lỡ đến đăng ký. Nếu cần sẽ xuống tận phường hỗ trợ.