Đôi tay đẩy lùi số phận

Đôi tay đẩy lùi số phận
Dù được nghe kể từ trước, nhưng tôi vẫn sửng sốt khi thấy thân hình dị dạng của 3 anh em. Càng nể phục khi chứng kiến họ làm những việc mà xưa nay không ai nghĩ họ có thể làm được như chăn nuôi, cắt tóc…
Đôi tay đẩy lùi số phận ảnh 1

Mẹ Bích và 3 người con bị nhiễm chất độc da cam.

Tôi về thôn nhỏ Xuân Hồi nép mình bên dòng Kiến Giang của vùng chiêm trũng huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một trưa nắng gắt và tìm đến túp nhà nhỏ nơi có 3 anh em Phan Thanh Danh sinh năm 1961, Phan Thị Bi sinh 1963, Phan Thanh Giản sinh 1964, suốt cuộc đời đi bằng hai tay lê đôi chân teo tóp do chất độc da cam hủy hoại.

Nỗi đau cùng cực không vùi lấp ý chí

3 anh em họ Phan ấy là con của mẹ Nguyễn Thị Bích nay 75 tuổi, có chồng là Phan Văn Diêu đã mất do nhiễm chất độc da cam. Khi ông Diêu qua đời, để lại cho bà Bích một nách 9 người con, trong đó có 3 người con cẳng chân không bao giờ đứng được, chỉ trụ được bằng đôi tay của mình, với cái đầu to bất thường.

Trong nỗi đau ấy, may thay, họ sống được, biết được chữ nghĩa nên cuộc đời bớt hiu quạnh. Những tấm bằng khen, huy chương của cụ Phan Văn Diêu treo khắp nhà như gợi nhắc về những ngày tháng hào hùng nơi chiến trường ác liệt phía Nam.

Ông Diêu có với bà Bích 6 mặt con rồi lên đường đi chiến trường, những người con ấy bây giờ bình thường, nên gia thất đàng hoàng, còn 3 người sinh sau khi ông đi chiến trường về thì bị dị tật vĩnh viễn.

Khỏi phải nói ở gia đình những người bị nhiễm chất độc da cam, những khó khăn nhất cuộc đời cứ quấn riết lấy họ, nhưng 3 anh em họ Phan vẫn hàng ngày kiếm sống để nuôi người mẹ già. Những tháng ngày cùng cực ăn sắn nhiều hơn ăn cơm mà theo lời anh Danh: “Nó ôm riết gia đình lâu hơn cả “bao cấp”, mới thoát khỏi khoai sắn mấy năm nay thôi”.

Còn anh Phan Thanh Giản kể: “Ba mạ sinh ra thân hình này thì biết vậy thôi, than thở làm gì. Tui với chị Bi, anh Danh thời còn nhỏ đã tập tành nhiều để cố tới trường. Không có chân thì có tay.

“Bàn tay ta làm nên tất cả” mà anh. Hồi anh em tui mới 6 tuổi, sáng mô cũng dậy sớm để tập thể dục đôi tay. Lúc đầu hai tay tập nâng người khỏi mặt đất, sau đó tập đi, sau nữa tập chạy bằng tay. Bác thợ mộc xóm trên làm cho 6 cục gỗ để tay khỏi chống dưới đất bẩn.

Khi đi được tui đòi mạ cho đến trường. Mạ ưu tiên cho học vì chị Bi, anh Danh xung phong ở nhà. Nhà nghèo thì tiền mô học nổi. Rứa là tui chống tay đi học hết cấp 3 thì nghỉ. Một buổi học, một buổi về tui dạy lại anh chị. Học được chữ mô dạy lại cho anh chị hết, khi tôi xong lớp 12 thì anh chị cũng xong lớp 12. Lúc đó 3 anh em cũng lớn rồi, mạ cũng già, anh chị cũng khó khăn không lo được cả đời…”. Thế là 3 anh em bắt đầu công cuộc…

“...Có đôi tay mà đi ăn xin răng được”

Đôi tay đẩy lùi số phận ảnh 2

Danh với đôi mắt đượm buồn vì dịch cúm gia cầm cướp mất hết 100 con gà đẻ, chỉ còn chưa đầy chục con ngan.

Đang kể, Giản thoăn thoắt “đi” xuống bếp nói chị Bi mang nước lên tiếp khách. Thấy tôi ái ngại, Giản nhoẻn miệng cười: “Đi quen rồi. Mình không có chân thì đôi tay thay đôi chân thôi, anh Danh, chị Bi cũng vậy, không có chi phải lo mô”.

Nước được đưa lên, Giản tiếp tục câu chuyện: “Lúc đầu 3 anh em có cuộc họp nho nhỏ. Tui nhỏ nhất nhưng có ra ngoài xã hội 12 năm đèn sách, anh Danh phân công đi học cắt tóc, chị Bi thân gái ở nhà xắt chuối thay mạ nuôi heo, anh Danh cả đời không đi mô cũng ở nhà nuôi gà, vịt.

Lúc đầu mạ can ngăn, hàng xóm can ngại, có người khinh miệt, có người khuyên 3 anh em đi ăn xin, thân hình như ri ai không thương. Anh em tui không ưng, có đôi tay mà đi ăn xin răng được. Người thường làm một thì anh em tui làm mười.

Học cắt tóc, mạ vay được hơn ba chục ngàn dúi cho, tui đi biệt một tháng về mở tiệm, cả làng Xuân Hồi cười tưng tưng nhưng tui im lặng làm, rồi hôm nay anh thấy đấy, khách đến thường xuyên, một ngày cũng kiếm được chục ngàn. Ở quê như rứa là sống được rồi anh”.

Nhìn Giản cắt tóc thật ngọt, khách đến xếp hàng ngồi chờ thật nhộn. Tiệm cắt tóc của Giản nằm sâu trong hẻm, nhưng tiếng tăm lại vang xa khắp thị trấn Kiến Giang. Cái ghế ngồi cắt tóc cho khách được thiết kế cao hơn bình thường, ghế cho khách ngồi cứ xoay vòng theo bàn tay của Giản, những đường tông-đơ chuyên nghiệp Giản thực hiện cứ chạy ngon lành. Giản đã cắt đẹp hàng ngàn đầu tóc, cho nên những ai ở vùng đất này mỗi khi đi cắt tóc đều đến hiệu tóc Thanh Giản. Vừa cắt tóc, Giản vừa kể những chuyện mà tôi chưa bao giờ được chứng kiến ở bất kỳ “gia đình da cam” nào.

Danh và Bi ít nói hơn, cứ thinh lặng làm những phần việc đã vạch sẵn, thỉnh thoảng hát lên một câu hò khoan Lệ Thủy sâu lắng và ngọt ngào. Tôi ghé vào chuồng lợn, thật bất ngờ, chị Bi chăn nuôi quá mát tay, một đôi lợn gần xuất chuồng cứ phơn phởn vẫy đuôi, mẹ Bích nói không biết đây là đôi lợn thứ mấy do Bi nuôi.

Còn Danh nói đượm buồn: “Hai năm rồi con H5N1 vô làng, cướp mất của Danh 100 con gà mái đẻ, gần trăm con vịt, ngan. Chừ không có tiền để gầy lại đàn gà. Giá như có ai hỗ trợ 3 triệu đồng để tiếp tục nuôi thì tốt quá”.

Và làm thơ tình

Trong 3 anh em, Giản là người thông minh nhất nên luôn đàn hát, làm thơ. Những câu thơ tình rất hay, hay đến nỗi đám thanh niên muốn lấy lòng người yêu là đến nhờ Giản làm một vài bài. Những câu thơ ngân lên cứ xao xuyến khó tả: “Gặp em một lần thôi/Khi xa rồi thấy nhớ/Gọi thầm mãi tên em/Trong chiều hoàng hôn xuống/Nhìn dòng sông nước chảy/Thấp thoáng con đò trôi/Vẫn đôi bờ vắng lặng/Chỉ nghe gió ru hoài/Hoa tím chiều nhỏ dại/Như nhắc mãi một thời/Kỷ niệm ngày xưa ấy/Xin đừng quên em ơi”.

Tôi hỏi vì sao thích làm thơ tình, Giản trả lời: “Ngày xưa còn đi học, cuối năm 12 cũng có một “cái yêu” lãng mạn, biết phận mình nên chỉ dám đơn phương thôi. Vì đơn phương mà làm thơ. Làm xong đọc cho trai tráng trong làng nghe, chúng thích, xin chép lại trong sổ rồi chuyền tay nhau khắp làng, khắp xã”. Nay cứ đến mùa ra trường là nam nữ lớp 12 lại đến xin thơ tình của Giản tặng nhau. Những lúc như thế với Giản không gì vui bằng.

Chưa có chuyến đi thực tế nỗi đau da cam nào khi chia tay mà khách với chủ lưu luyến cười. Tôi đã không hoài công đi tìm niềm lạc quan trong nỗi đau. Tôi lầm lũi đi suốt dọc dài miền Trung, đến khi tưởng như không tìm được thì duyên may gặp được gia đình Giản, lạc quan đến khốc liệt. Tôi cứ mơ rằng, mai này nên dựng tượng những nạn nhân chất độc da cam, vì với họ việc có mặt trên cuộc đời này đã là hạnh phúc, bằng chứng là Giản có hẳn bài thơ với tựa: Cảm ơn người mẹ Việt Nam ơi! 

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.