Đối tác Nhật sở hữu 49% vốn tại FE Credit: Tương lai hứa hẹn!

“Với sự thấu hiểu thị trường Việt Nam trong 11 năm hoạt động, cộng thêm lợi thế về quản trị, các xu hướng, sản phẩm tài chính tiêu dùng của thế giới tới Việt Nam, tương lai của FE Credit có thể rất hứa hẹn”, chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long nhận định .

Dù không phải thương vụ đầu tiên liên quan tới các nhà đầu tư Nhật, việc Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMBC) mua 49% vốn điều lệ của FE Credit vẫn nhận được rất nhiều sự chú ý của dư luận và giới chuyên gia. Thưa ông, đâu là sức hút của thương vụ này? Điều này phải chăng đến từ việc FE Credit đang chiếm tới hơn 50% thị phần trên thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam?

Chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long: - Sự kiện một tập đoàn tài chính hàng đầu của Nhật Bản và thế giới đầu tư mua lại vốn điều lệ của công ty tài chính FE Credit có thể thấy sức hút rất lớn của thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam.

Việt Nam là đất nước đang phát triển, với dân số trẻ, thu nhập ngày càng tăng, kéo theo đó là nhu cầu mua sắm, tiêu dùng ngày càng lớn.

Cách tiêu dùng của người trẻ cũng dần đổi khác theo hướng tiếp cận thế giới. Thay vì một người phải tiết kiệm đủ 1 khoản tiền mới mua và trả 1 lần để sở hữu món hàng đó, người trẻ có xu hướng cùng 1 khoản tiền sẽ mua được nhiều món hàng hơn thông qua các khoản vay nhỏ không hoặc có tài sản đảm bảo và trả góp hàng tháng trong 6 tháng hoặc 1 năm.

Tuy nhiên, để vay vốn ngân hàng rất khó cả về thủ tục, điều kiện, tài sản đảm bảo. Trong khi đó, với tín dụng tiêu dùng (TDTD), bằng hình thức vay tín chấp, lãi suất hợp lý, hoạt động trong khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận khoản vay hơn để mua hàng và được bảo vệ bởi pháp luật, thay vì phải vay “tín dụng đen” với nhiều rủi ro và lãi suất rất cao.

Thậm chí, hiện đã có nhiều sản phẩm vay tiêu dùng của các công ty tài chính cho vay không lãi suất trong thời gian vài tháng để mua các sản phẩm gia dụng, điện tử, điện thoại, máy tính, xe máy…

Mức tăng trưởng của TDTD khoảng 20% mỗi năm là tương đối tích cực so với tín dụng toàn ngành (ở mức khoảng 14-15%). Dù vậy, hiện nay, tín dụng tiêu dùng chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn. Điều đó cho thấy dư địa cho tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam còn rất lớn. Với đất nước gần 98 triệu dân, đa số là dân số trẻ, rõ ràng Việt Nam đang là thị trường đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư tài chính tiêu dùng.

Tài chính tiêu dùng hướng tới chủ yếu là khách hàng cá nhân, các khoản vay nhỏ để phục vụ mua sắm, việc tiếp cận khách hàng cá nhân sẽ quyết định thành công của một nhà cho vay tiêu dùng. Hiện FE Credit với thị phần hơn 50% tại Việt Nam là một lợi thế rất lớn, đảm bảo lượng khách hàng ổn định, vì một người có thể vay mua nhiều món hàng, vay nhiều lần trong năm, và trong nhiều năm.

Cùng với đó, mạng lưới của FE Credit, doanh nghiệp tính tới ngày 2/11/2021 đã có mặt trên thị trường tròn 11 năm, hiện diện rộng khắp trên toàn quốc. Bạn dễ dàng thấy thương hiệu này khi tới bất kể cửa hàng, siêu thị, hệ thống bán lẻ hàng điện tử, xe máy nào. Để xây dựng được hệ thống như vậy mất rất nhiều thời gian và chi phí. Thêm vào đó, với lợi thế nắm thị phần lớn trên thị trường, FE Credit đã hiểu được tâm lý, nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam. Những điều đó tạo nên sức hút nhà đầu tư cho FE Credit.

Mô hình và con đường phát triển của FE Credit tương tự với nhiều công ty tài chính, xuất sinh từ các ngân hàng thương mại. Qua 11 năm tồn tại, FE Credit đã thể hiện được rằng, họ đã gặt hái được nhiều thành công hơn. Từ góc độ chuyên gia kinh tế - tài chính, ông lý giải như thế nào về hiện tượng này?

Chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long: - Thời gian qua có rất nhiều công ty tài chính tiêu dùng trên thị trường. Đa số xuất phát từ các ngân hàng thương mại, điều này đảm bảo nguồn tài chính cho các khoản vay tiêu dùng, hệ thống quản trị, quản lý rủi ro.

Trước khi FE Credit xuất hiện trên thị trường đã có những công ty tài chính nước ngoài khai phá thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam. Tuy vậy, FE Credit đã tận dụng được thế mạnh của mình là một phần của hệ sinh thái ngân hàng thương mại, đúc rút kinh nghiệm từ người đi trước, nhờ đó có các khoản vay tiêu dùng cạnh tranh, thủ tục đơn giản nhưng đảm bảo chặt chẽ.

Ngoài ra, vì là doanh nghiệp Việt nên FE Credit hiểu xu hướng, tâm lý người Việt, từ đó xây dựng thương hiệu và vị thế cho mình. Điều đó cho thấy, khi doanh nghiệp hiểu và đáp ứng tốt các nhu cầu của người tiêu dùng, xây dựng uy tín trong hoạt động, thì vẫn có thể thành công công và vươn lên thống lĩnh thị trường.

Dư địa của thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam được nhận định là còn rất lớn. Cơ hội cho những doanh nghiệp tài chính tiêu dùng như FE Credit như thế nào, thưa ông? Sự tham gia của SMBC có thể tạo nên một nhận diện tốt hơn, chuyên nghiệp hơn cho FE Credit hay không? Xin ông phân tích cụ thể?

Chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long: - Như đã phân tích ở trên, với cơ cấu dân số trẻ, thu nhập trung bình, nhu cầu tiêu dùng là rất lớn, đặc biệt là các sản phẩm phục vụ cá nhân và gia đình. Hiện tín dụng tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 8,7% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong khi đó, tại các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc..., tỷ lệ này từ 15-35%.

Theo số liệu từ cơ quan quản lý tài chính, các công ty tài chính tiêu dùng có hơn 30 triệu khách hàng, với mức dư nợ còn tương đối nhỏ. Trong bối cảnh này, còn rất nhiều dư địa cho lĩnh vực này phát triển. Đặc biệt, với người trẻ, họ có vốn hiểu biết, trên cơ sở các quy định pháp luật ngày càng đầy đủ hơn, vì vậy, trong thời gian tới chắc chắn thị trường này sẽ phát triển mạnh hơn nữa.

Việc SMBC tham gia đầu tư sẽ tạo lợi thế rất lớn cho FE Credit. Doanh nghiệp này sẽ có thêm nguồn vốn để mở rộng thị trường. Ngoài ra, đối tác nước ngoài chiếm 49% vốn điều lệ có thể tham gia vào công tác quản trị, từ đó đưa các tiêu chuẩn quản trị tài chính theo chuẩn mực thế giới để FE Credit tiệm cận với các tiêu chuẩn toàn cầu. Với sự thấu hiểu thị trường Việt Nam trong 11 năm hoạt động, cộng thêm lợi thế về quản trị, các xu hướng, sản phẩm tài chính tiêu dùng của thế giới tới Việt Nam, tương lai của FE Credit có thể rất hứa hẹn.

Câu hỏi cuối cùng, thưa ông, với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư ngoại, thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam trong thời gian tới sẽ như thế nào? Với sự thay đổi nói trên, người tiêu dùng nói riêng và cả nền kinh tế nói chung có thể được hưởng lợi ra sao?

Chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long: - Rõ ràng, khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, chứng tỏ thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam rất hứa hẹn. Xu hướng này cũng cho thấy thời gian tới thị trường tài chính tiêu dùng sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa tại Việt Nam.

Với người tiêu dùng, họ sẽ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận các sản phẩm tài chính tiêu dùng mới, đa dạng, đáp ứng đa dạng hơn nhu cầu của người dân, với việc tiếp cận dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, các công ty tài chính tiêu dùng hoạt động trong khuôn khổ pháp luật sẽ giảm các rủi ro cho người vay.

Với nền kinh tế, rõ ràng khi tài chính tiêu dùng phát triển, người dân dễ dàng tiếp cận, sẽ góp phần kích thích tiêu dùng nội địa, từ đó tác động phát triển sản xuất, kinh doanh. Như vậy, xét về tổng quan, nền kinh tế sẽ được hưởng lợi. Ngoài ra, khi tài chính tiêu dùng phát triển, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của người dân, sẽ từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”.