Đôi chân “thủy tinh” và tháng ngày lăn lộn kiếm sống
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà của anh Lê Văn Vũ – người được biết đến với căn bệnh “xương thủy tinh” ở thôn Mỹ Trạch (xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) - trong một ngày cuối năm rét buốt và mưa phùn. Sinh năm 1985 trong một gia đình có 7 anh chị em, Vũ là con trai út.
Trong khi các anh chị của Vũ đều lớn lên khỏe mạnh bình thường, Vũ lại phải chịu thiệt thòi quá lớn, từ nhỏ anh đã mang trong mình căn bệnh “xương thủy tinh” quái ác. Vũ tâm sự: “Mình sinh ra cũng lành lặn bình thường, khoảng 1 tuổi thì chân bỗng nhiên bị sưng tấy, ửng đỏ, đau nhức, thường xuyên bị gãy. Bác sĩ chẩn đoán, mình bị bệnh xương thủy tinh”.
Những bước đi chập chững kéo theo những cơn đau triền miên, song Vũ vẫn cố gắng vượt qua để theo bạn bè đến lớp. Tuy nhiên, Vũ chỉ theo được đến lớp 5 thì phải nghỉ học ở nhà vì đôi chân thường xuyên bị gãy. Kể từ đó, mọi sinh hoạt hằng ngày của anh vô cùng khó khăn vất vả, mỗi lần di chuyển đều phải có sự trợ giúp của đôi tay. Không muốn làm gánh nặng cho bố mẹ, năm 14 tuổi, Vũ quyết định theo anh chị vào miền Nam học nghề để có thể kiếm tiền nuôi sống bản thân.
Nơi anh đặt chân đến là tỉnh Đồng Nai. Với một chàng trai tật nguyền mới lớn, từ miền quê nghèo lên thành phố lập nghiệp, mọi thứ ở thành phố đều trở nên bỡ ngỡ và mới lạ. Với phương tiện di chuyển là chiếc nạng trên tay, anh đi nhiều nơi để xin học nghề nhưng đều nhận được những cái lắc đầu. Với ý chí và quyết tâm có được cái nghề nuôi sống bản thân, Vũ đến gõ cửa từng cơ sở dạy nghề xin theo học.
Rồi vận may cũng đến với anh, trong một lần lân la đi tìm kiếm, anh được một ông chủ tiệm giày da - cũng là người khuyết tật - nhận vào làm. Như cảm thông cho hoàn cảnh người cùng cảnh ngộ, ông chủ đã dạy nghề miễn phí và bao luôn chỗ ở cho Vũ, còn tiền ăn và sinh hoạt hằng ngày anh phải tự lo liệu. Để có tiền trang trải cuộc sống, Vũ phải chống đôi nạng gỗ đi bán vé số dạo khắp nơi.
“Hồi đó, để có cái ăn và sinh hoạt hằng ngày, ngoài thời gian học nghề, mình phải đi bán vé số dạo. Hàng ngày, cứ tầm 16-17h chiều là mình đến các đại lý vé số nhận vé rồi chống nạng đi bán, đến sáng hôm sau khoảng 6-7h sáng lại ra đổi vé lấy tiền. Có hôm, đi mệt lả người mà không bán được tấm vé nào đành trở về với cái bụng đói meo”, Vũ nhớ lại.
Có lần đi bán vé số dạo, không may bị gãy chân, Vũ phải nằm nghỉ cả mấy tháng trời. Có được cái nghề trong tay, Vũ quay ra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để làm giày dép, nhưng chỉ được một thời gian ngắn anh đã phải bỏ nghề vì không theo nổi. “Do đặc thù công việc, suốt ngày phải ngồi gò đế giày dép nên đôi chân tật nguyền của mình thường đau nhức, sưng tấy không thể trụ nổi, mình phải bỏ nghề để tìm công việc mới phù hợp với khả năng và sức khỏe hơn”, anh tâm sự.
Lại một lần nữa, Vũ vác nạng đi tìm công việc. Lần này, anh xin vào học nghề sửa chữa điện thoại tại Trung tâm người khuyết tật ở Vũng Tàu. Được 7 năm, anh trở về quê nhà ở Lệ Thủy và mở tiệm sửa chữa điện thoại. Tưởng đâu cuộc sống sẽ ổn định và có thể đỡ đần cha mẹ già yếu, nhưng rồi cái lận đận vẫn bám riết lấy anh.
Làm nghề sửa chữa điện thoại tại Lệ Thủy được 2 năm, nhưng không mấy khả quan, anh khăn gói trở lại Vũng Tàu kiếm sống. Tại đây, anh được nhận vào trung tâm khuyết tật tư nhân để dạy nghề sữa chữa điện thoại. “Tôi quyết tâm phải tự đứng vững trên đôi chân của mình, dù phải vất vả ngược xuôi kiếm sống, kiếm tiền, trước hết là để nuôi sống bản thân và không phải lệ thuộc vào ai”, Vũ chia sẻ.
Kỳ tích 25 huy chương vàng bơi lội
Mặc dù sinh ra với đôi chân xương thủy tinh nhưng bù lại Vũ có đôi tay khỏe mạnh. Vốn sinh ra ở miền quê sông nước, dòng sông Kiến Giang là nơi anh cùng bạn bè tung tăng bơi lội chơi đùa và cũng là nơi giúp anh giành được những thành tích cao trong bơi lội mà không phải ai cũng có được.
Năm 2003, tình cờ Vũ được huấn luyện viên bơi lội cho người khuyết tật tỉnh Quảng Bình gọi về tập trung chuẩn bị thi đấu. Sau 3 tháng tập luyện miệt mài, tại giải bơi lội toàn quốc dành cho người khuyết tật năm đó, Vũ đã mang về cho tỉnh Quảng Bình 3 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng.
“Khi giành được thành tích 3 huy chương vàng tại giải năm đó, mình và gia đình cảm thấy sung sướng và tự hào lắm, phần thưởng đó giúp mình có thêm động lực và niềm tin để vươn lên cho cuộc sống”, Vũ nói. Từ đó, mỗi lần có giải bơi lội dành cho người khuyết tật, Vũ đều tham gia và luôn giành được huy chương vàng. Mặc dù có những thời gian phải vào Vũng Tàu kiếm sống, nhưng đến kỳ thi đấu, anh đều về tham gia thi đấu cho tỉnh nhà.
“Việc thường xuyên tham dự giải bơi lội cho người khuyết tật vừa giúp mình có thể rèn luyện được sức khỏe, lại vừa có thể góp một phần nhỏ sức lực của mình mang lại thành tích cho quê hương”, Vũ tâm sự.
Trong 5 năm tham gia thi đấu cho tỉnh Quảng Bình, Vũ đã giành được tổng cộng 25 huy chương vàng, 7 huy chương bạc và 5 huy chương đồng. Đó là thành quả đáng tự hào của chàng trai tật nguyền nhưng giàu nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Và chuyện tình đẹp như truyện cổ tích
Kể về chuyện tình của mình, ánh mắt Vũ luôn ánh lên nụ cười hạnh phúc và mãn nguyện. Duyên số đến với anh trong một lần đi thi đấu cho Hội người khuyết tật tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Anh tình cờ quen chị Sầm Thị Hà, sinh năm 1983, một cô gái người dân tộc Thái và cũng là người cùng cảnh ngộ. Chị Hà quê ở huyện Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An), đôi chân chị cũng không lành lặn như người bình thường.
Sau khi học xong Đại học Ngữ văn Đà Lạt, chị không xin được việc làm theo đúng chuyên ngành học nên đành làm văn phòng cho một công ty nhôm kính tại thành phố Vũng Tàu. Sau đó, chị cũng tham gia thi đấu môn cờ vua tại trung tâm người khuyết tật của tỉnh. Sau những lần cùng nhau tham gia thi đấu, từ tình cảm của những người đồng đội, hai người quý mến, cảm thương, rồi họ đến với nhau như một định mệnh.
Đầu năm 2012, hai người tổ chức tiệc cưới trong niềm hân hoan của người thân và bạn bè. Sau đám cưới, hai người không dám nghĩ đến việc có con bởi họ sợ rằng, sau khi sinh ra đứa trẻ cũng phải chịu cảnh tàn tật như mình. Nhưng khát khao được làm bố làm mẹ đã giúp hai người gạt đi nỗi sợ hãi, lo âu. Sau hơn 2 tháng kết hôn, chị Hà mang thai. Khi mang bầu được 5 tháng, bác sĩ cho biết, thai nhi có dấu hiệu bị dị tật và cong xương đùi.
“Từ ngày nghe bác sĩ chẩn đoán, vợ chồng em luôn sống trong cảm giác lo lắng sợ hãi. Nhiều đêm không ngủ, em nằm khóc hết nước mắt vì sợ đứa bé sinh ra bị tật giống mình. Nhất là khi thai đến tháng thứ 8 thì bác sĩ buộc hai vợ chồng quyết định bỏ hay sinh đứa bé, lúc đó tụi em hoang mang thực sự”, chị Hà tâm sự.
Mặc dù vậy, anh chị vẫn quyết định giữ lại giọt máu thiêng liêng của mình. Ngày sinh đứa bé ra, nhìn thấy con bụ bẫm, lành lặn bình thường, một lần nữa, hai vợ chồng lại ôm nhau khóc, nhưng giờ đây là giọt nước mắt hạnh phúc, giọt nước mắt của niềm hy vọng vào một ngày mai tươi sáng. Con của anh chị được đặt tên là Bình An, đó là cái tên đầy ý nghĩa, một cái tên mang dòng máu của hai quê hương Quảng Bình quê cha và Nghệ An quê mẹ.
Sau khi sinh con được 6 tháng, hai anh chị chuyển về Lệ Thủy, mở một quán càphê và quầy tạp hóa nhỏ để ổn định cuộc sống. Giờ đây, trong ngôi nhà nhỏ của anh chị, nhìn thấy cháu Bình An nay đã 2 tuổi chạy cười đùa giữa sân với nét mặt hồn nhiên rạng rỡ, chúng tôi càng cảm phục hơn ý chí, nghị lực phi thường của đôi vợ chồng này. Trước khi chia tay, Vũ nói: “Cuộc sống luôn công bằng với những người có ý chí và quyết tâm. Hạnh phúc sẽ trọn vẹn khi được vun vén dù sinh ra không được trọn vẹn. Tôi tin là vậy”.