Dời nhà 3.000 tấn: Nhiều kỷ lục được xác lập

Dời nhà 3.000 tấn: Nhiều kỷ lục được xác lập
TP - Tính đến 17 giờ chiều ngày 2/1, “Thần đèn xứ Bắc” Đỗ Quốc Khánh và cộng sự đã đưa khu nhà 2 tầng có tổng diện tích sàn xây dựng3.800 m2 nặng 3.000 tấn tại khu công nghệ cao Phù Cát-Hà Tây rời khỏi vị trí móng cũ 7,65 m trên tổng khoảng cách cần di dời là 50 m!

>> Di dời công trình lớn nhất từ trước tới nay

Dời nhà 3.000 tấn: Nhiều kỷ lục được xác lập ảnh 1
Tập trung xử lý vướng mắc tại hiện trường vụ dời nhà

Kết quả đó đã đánh dấu bước phát triển mới của công nghệ di dời các công trình siêu trường, siêu trọng tại Việt Nam.

9 giờ sáng qua (2/1), sau tiếng còi hiệu, khu nhà nặng tới 3.000 tấn đã dần chuyển động trên hệ thống con lăn và thanh ray bằng thép trong tiếng reo hò, vỗ tay thán phục của hàng trăm người.

Cả chục phóng viên đua nhau bấm máy ghi lại những giây phút đáng nhớ. Có khá nhiều người dân địa phương cũng đến theo dõi chuyến di dời kỷ lục từ bên ngoài hàng rào.

Trong lúc đó, trên 40 thợ máy, cán bộ kỹ thuật của Cty xử lý lún nghiêng Việt Nam và 160 sinh viên, kỹ thuật viên Đại học Xây dựng căng mắt ra kiểm soát chặt chẽ từng chuyển động của hệ thống kỹ thuật, lắp đặt con lăn.

Sau những cú đẩy “tập dượt” đầu tiên, một số vướng mắc về kỹ thuật đã được phát hiện và khắc phục kịp thời như tình trạng con lăn nhỏ quá nên bị kẹt, bị treo hoặc bị xoay...

Trao đổi với Tiền phong, không giấu nổi vui mừng, thạc sỹ Đỗ Quốc Khánh - “Thần đèn xứ Bắc” - cho biết: “Trong vòng 3 ngày chúng tôi sẽ đến đích! Công trình sẽ được bàn giao đúng tiến độ với sai số nhiều nhất chỉ vào khoảng 1cm”.

Cũng theo ông Khánh, khi ông quyết định đứng ra nhận di dời căn nhà thì chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến hạn phải phá bỏ căn nhà để thi công đường ống dọc đường Láng-Hoà Lạc đưa nước từ nhà máy ở sông Đà về Hà Nội.

Ông Khánh đã quyết định mang những ấp ủ của mình từ nhiều năm qua về việc điều khiển di chuyển nhà nguyên khối vào áp dụng trong thực tiễn mà cá nhân ông chưa có điều kiện thử nghiệm, tham khảo từ bất kỳ mô hình nào.

Với trọng lượng 3.000 tấn, đây là công trình di dời lớn nhất trong lịch sử xây dựng tại Việt Nam và Đông Nam Á (tương đương với kỷ lục thế giới do Mỹ lập trước những năm 1999).

Công nghệ áp dụng là công nghệ hoàn toàn mới lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam: công nghệ kích đẩy thủy lực và không dùng đến hố thế. Khác với công nghệ của tất cả các “thần đèn” ở Việt Nam đã dùng từ trước đến nay là kéo và dùng pa lăng xích.

Công trình đạt kỷ lục về thời gian, tốc độ và độ chính xác so với việc di dời ở Việt Nam, tương đương đẳng cấp quốc tế hiện nay. Đạt kỷ lục về tiến độ ứng dụng khoa học kỹ thuật-thời gian từ lập phương án, thiết kế, chế tạo thiết bị mới, thử nghiệm, vận hành, tập huấn, áp dụng vào thực tiễn là đúng 30 ngày! Toàn bộ công nghệ và thiết bị do Cty xử lý lún nghiêng tự thực hiện từ ngày 28/11-28/12/2007.

Có thể di dời được nhà 15.000 tấn!

"Nếu di dời thành công, chúng tôi sẽ tiết kiệm được ít nhất khoảng 30% kinh phí so với việc xây dựng mới một công trình tương tự, đó là chưa kể đến việc phải trả tiền phá dỡ công trình cũ. Ngoài ra còn tiết kiệm thời gian"- Ông Võ Thanh Duận, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần phát triển công nghệ cao, đại diện chủ đầu tư cho biết

Mặc dù có nhiều kinh nghiệm về xử lý lún, nghiêng, nhưng ông Khánh thừa nhận chưa khi nào nhận di dời nhà! Ngay cả khi một “thần đèn” có tên tuổi ở phía Nam từng đến khảo sát rất kỹ hiện trường rồi “dứt áo ra đi” nhưng ông Khánh vẫn không nản.

“Tôi không có điều kiện để tham khảo bất kỳ đâu cả. Nhiệm vụ quá bức bách và không có con đường nào khác là phải sáng tạo. Trong thời điểm đặc biệt đó, tôi đã nghĩ ra công nghệ đẩy hoàn toàn bằng thủy lực.

Công nghệ này không cần dùng pa lăng xích giống như các “thần đèn” ở phía Nam đã kéo. Khi đẩy toàn bộ thiết bị thủy lực thì 6 quả xi lanh sẽ đi đều nhau. Chúng tôi có thể điều khiển 6 quả xi lanh đi với các tốc độ khác nhau để đảm bảo công trình đến đích chính xác. Công suất của máy có thể đi dời được cả tòa nhà nặng tới 15.000 tấn.

Hiện nay, khi đẩy nhà 3.000 tấn, máy mới phát huy được 20% công suất. Đây là nguyên lý điều khiển để tất cả năng lượng tập trung vào chính giữa để đi về đến đích. 4 quả xi lanh ở giữa có lực đẩy như nhau và 2 quả xi lanh ở hai đầu khoẻ hơn 6% và tất cả hệ thống pa lăng xích đều kéo vào tâm. Đây là mô hình năng lượng có véctơ tập trung vào tâm” – Ông Khánh giải thích.

Khác biệt lớn nhất là không dùng bất kỳ lực kéo nào, không dùng hố thế tức là không cần bám víu vào đâu cả. Đây là nguyên lý một ngôi nhà nằm trên con lăn và tự nó kéo nó, lực đẩy luôn nhỏ hơn trọng lượng ngôi nhà nên vật bị đẩy luôn tiến về phía trước.

Với công trình này, do quá gấp gáp về thời gian nên ông Khánh và cộng sự chưa kịp làm hồ sơ, chưa kịp làm bản vẽ, chưa kịp ký hợp đồng và thậm chí chưa kịp kiểm định. Ngay trong ngày đầu di dời các chuyên gia cũng có mặt để chứng kiến và chờ kết quả, kiểm định máy. 

Theo ông Khánh, khó khăn lớn nhất đây là việc làm chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Kể cả tính lực ma sát, xác định công suất máy rất khó tính toán chính xác, không có điều kiện đo đếm, kiểm nghiệm được. Lần đầu tiên thiết kế ra loại máy này và đây cũng là lần thử nghiệm thứ nhất của “Thần đèn xứ Bắc”.

“Thần đèn” cô đơn trong Khoa học

Trong cuộc đời, ông Khánh đã suy ngẫm rất dài về những liên quan đến công nghệ dời nhà. Ròng rã nhiều năm tháng và âm thầm một mình nghiên cứu, ông Khánh đã làm được công nghệ về điều khiển di chuyển nhà nguyên khối. Khi đó rất ít người biết. Đến năm 2003, “công nghệ xử lý lún-nghiêng-sập công trình xây dựng” được Nhà nước trao giải thưởng Vifotec.

Ông Khánh cho biết thêm, ngay sau khi hoàn tất công trình này, ông sẽ công bố công nghệ về di dời nhà và bước tiếp theo sẽ công bố công nghệ  đặc biệt mang tên “Công nghệ điều khiển nhà” với sự trợ giúp của máy tính và PNC. Hiện công trình được điều khiển bằng một hệ thống về cơ học đặc biệt, kể cả trong trường hợp người thợ gặp sai sót trong quá trình vận hành và di dời thì ngôi nhà vẫn đi thẳng hướng.

Từng lấy bằng thạc sỹ về mô phỏng hệ thống kỹ thuật số tại Tiệp Khắc (cũ), từng bị thất nghiệp do những gì ông học “đi trước” với thực tế phát triển của Việt nam vào những năm 80 của thế kỷ trước.

Năm 1984 ông Khánh xin vào làm việc tại Viện Khoa học xây dựng VN. Chỉ hơn 6 năm sau đó, ông xin nghỉ việc và xúc tiến thành lập Cty xây dựng Tân Mai. Năm 2003, ông Khánh thành lập Cty xử lý lún nghiêng VN. Công ty ngày càng phát triển và hiện đã có tới 85 nhân viên kỹ thuật.

Mặc dù có những thành công nhất định, nhưng mãi đến tuổi 53 ông Khánh vẫn than rằng mình rất cô đơn trong khoa học. Không có thầy, không có sách vở, nhiều băn khoăn không biết hỏi ai. Ngay như nhiều Viện, nhiều cơ quan nghiên cứu cũng không mấy quan tâm đến lĩnh vực này.

“Tôi là người đi trước nên thật sự không biết hỏi ai cả trong suốt 20 năm ròng về vấn đề này. Tôi là một cá nhân nên không ai cấp tiền cho tôi nghiên cứu cả”-“Thần đèn xứ Bắc” Đỗ Quốc Khánh nói.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.