Đội mưa trẩy hội chùa Hương

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ướt lướt thướt dù khoác tấm áo mưa giấy, nhiều người dân vẫn hăm hở ngồi thuyền dọc suối Yến vào chùa Hương. Không hội hè linh đình như thời chưa có dịch, nhưng có hề chi khi mà không khí hội luôn sẵn có trong tâm thức nhiều người dân.

Túc tắc đi lễ

Biết chùa Hương mở cửa đón khách sớm từ 11/2 nhưng bà Nguyễn Thị Thắm (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn quyết chờ ngày mở cửa chính thức 16/2. Kinh nghiệm đi lễ hàng chục năm nên bà Thắm luôn giắt lưng áo mưa giấy phòng hờ thời tiết xấu. Mưa gió không lay chuyển được mong mỏi hành hương đầu xuân. “Trời mưa gió rét mướt nhưng tâm đã nguyện đi lễ chùa nên tôi vẫn quyết tâm đi bằng được”, bà Thắm nói. Mẹ con bà Thắm xuất phát từ sớm, hơn 4h sáng đã có mặt ở bến Yến gọi đò vào đền Trình rồi vào khu vực Thiên Trù, động Hương Tích lễ sớm. “Tôi hay lo xa, sợ ngày đầu mở cửa đông người nên đi sớm cho đỡ ùn tắc”, bà nói.

Đội mưa trẩy hội chùa Hương ảnh 1

Khách đội mưa vãn cảnh chùa Hương. Ảnh: Trọng Tài

Anh Minh Chiến, 35 tuổi theo dõi sát trên truyền thông nên tin rằng không cần vội vàng. Túc tắc từ nhà xuất phát từ 7h sáng nên gần trưa gia đình anh đã yên vị ở khu vực Thiên Trù, khách về chùa Hương trong tuần còn thưa vắng. “Dù trời mưa gió nhưng đầu xuân mình đi chùa cầu may cho gia đình, mưa gió cũng không vấn đề gì. Mặc dù COVID-19 vẫn căng thẳng nhưng tôi vui khi có tin mở cửa chùa Hương”, anh Chiến nói. Thấy chúng tôi ái ngại nhìn đứa nhỏ đi cùng, anh trấn an rằng luôn để ý đeo khẩu trang cho con, sát khuẩn thường xuyên, hơn nữa giữa không gian thiên nhiên ở khu vực Hương Sơn có thể đảm bảo điều kiện phòng dịch. Anh Chiến cũng khoe đã tiêm đủ ba mũi vắc xin.

Chùa Hương là một trong những điểm hành hương đầu năm của anh Trịnh Đức Văn (Hà Nam) cho nên dịch bệnh chưa dứt nhưng anh vẫn về đây vãn cảnh. Không cầu mong gì cao xa, anh chỉ cốt cầu sức khỏe cho bản thân và gia đình. Niềm tin và ước vọng đầu năm này cũng là tâm lý chung của nhiều người trẩy hội. Anh Văn còn nhận ra năm nay hàng quán được chỉnh trang gọn ghẽ hơn, đặc biệt Ban Quản lý bố trí hệ thống chiếu sáng hai bên suối Yến để khách dễ dàng di chuyển trong đêm hay tờ mờ sáng.

Hội chùa Hương kéo dài hết mùa xuân, nhưng đông vui nhất vẫn dồn cả vào tháng Giêng. Không nghi lễ, trò rước nào rầm rộ độc đáo nhưng người dân vẫn đổ về chùa Hương để thỏa niềm tin tâm linh và trở về gần gũi thiên nhiên. Dù ở một vài điểm như ga cáp treo hay lối vào Nam Thiên đệ nhất động (Động đẹp nhất trời Nam-Hương Tích) vào một vài thời điểm có thể ùn tắc, nhưng cái thú nhất của du khách về chùa Hương là tâm trạng thảnh thơi trong suốt quãng đường sơn thủy hữu tình từ bến Yến thong thả xuôi vào khu vực Thiên Trù.

Di tích mở cửa trở lại, khách còn thưa vắng

Loạt di tích Hà Nội như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hỏa Lò, đền Ngọc Sơn được mở cửa trở lại đón khách từ 15/2. Hoàng thành Thăng Long 16/2 mới mở cổng cho du khách tham quan. Thời tiết mưa lạnh và thời gian trong tuần làm việc nên lượng khách về các di tích còn vắng. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa-Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, trong hai ngày đầu tiên khoảng 1 nghìn khách đến Văn Miếu. “Con số không lớn nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng, mang lại niềm vui cho chúng tôi, bởi di tích phải đóng cửa trong suốt gần một năm qua”, ông Kiêu nói.

Bảo Hân

Trong tầm kiểm soát

Quyết định mở cửa chùa Hương trễ hơn mốc khai hội truyền thống vào mùng 6 tháng Giêng phần nào khiến lượng khách thưa vắng hơn. Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban Quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (Mỹ Đức) cho biết, chỉ khoảng 3.700 du khách về chùa Hương vào ngày mở cửa chính thức đón 16/2. Từ 11-15/2 là khoảng thời gian tập dượt, vận hành thử, khoảng 1,5 vạn người đến chùa Hương. Con số chưa thấm tháp gì với ngày cao điểm hơn 5 vạn thời trước. Lượng khách hiện nay cũng dễ dàng cho địa phương phân luồng, phòng chống dịch COVID-19. Có khách về các chủ đò phấn khởi, thoăn thoắt khua mái chèo bất chấp mưa gió. Có chủ đò cả ngày chỉ chở 2 chuyến, nhưng có gia đình vào cầu được hẳn 5 chuyến.

“Ngay khi chuẩn bị xuống đò, chúng tôi được chị lái đò nhắc đeo khẩu trang trong suốt hành trình, tránh tiếp xúc tối đa và nên giữ khoảng cách với các đoàn khác”, anh Văn nêu. Khách đi lễ hội quá quen với các thông điệp 5K, dừng lại ít giây ở các khu vực sát khuẩn để thực hiện thao tác “bôi cồn vào tay”. “Trước đây đi hội luôn thấy được các gương mặt rạng rỡ của mọi người, nhưng năm nay ai cũng đeo khẩu trang kín mít để đảm bảo an toàn”, anh Đức Văn nói.

Vừa kết thúc hành trình vãn cảnh lễ chùa đứng chờ đò ở bến Thiên Trù để ngược ra bến Yến, anh Nguyễn Trung Kiên (22 tuổi, Hà Nội) bày tỏ khá hài lòng với chuyến đội mưa du xuân. Không tránh khỏi những lấn cấn trong lòng về nỗi lo dịch bệnh, nhưng anh Kiên yên tâm hơn nhờ các giải pháp phòng dịch khi đến chùa Hương. Anh nói, trước khi xuống đò, vào đền Trình đều được lực lượng quản lý nhắc nhở đeo khẩu trang, sát khuẩn. “Năm nay thuyền đò có vẻ chỉ chở một đoàn khách, không yêu cầu ghép đoàn như trước. Vì thế nên có xuồng đầy ắp khách nhưng xuồng của nhóm tôi chỉ có 5 người đi”, anh Kiên nói.

Đội mưa trẩy hội chùa Hương ảnh 2
Động Hương Tích luôn là nơi đông người hành lễ trong quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn. Ảnh: Trọng Tài

Số thuyền đò hạ thủy dịp đầu xuân Nhâm Dần lên tới hơn 3 nghìn chiếc, dư sức phục vụ nhu cầu du xuân của bà con. “Lượng khách dưới 2 vạn/ngày về chùa Hương chắc chắn không có hiện tượng đông đúc, ùn tắc, chúng tôi cũng chưa cần tăng cường quân số lực lượng trực chốt”, ông Hiển nói. Ở các điểm chốt kiểm soát dịch, địa phương và Ban Quản lý thường xuyên khuyến cáo du khách chưa tiêm đủ liều vắc xin thì không nên đến khu di tích để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Ông Đặng Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết: Tại ba cổng dẫn vào di tích, địa phương bố trí lực lượng nhắc nhở du khách về phòng chống dịch như yêu cầu đeo khẩu trang, bố trí bàn sát khuẩn, nhắc nhở khai báo y tế bằng mã QR. Huyện còn bố trí 8 chốt kiểm soát dịch, dựng ba lều bạt y tế lưu động để lấy mẫu trường hợp nghi ngờ và xử lý tình huống phát hiện ca bệnh. Ông Nguyễn Bá Hiển dự báo, dịp cuối tuần khách về chùa Hương có thể tăng cao hơn, tuy nhiên đều trong kịch bản và tầm kiểm soát.

MỚI - NÓNG