Đổi mới và tăng cường công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp

Đẩy mạnh truyền thông về giáo dục nghề nghiệp để thay đổi nhận thức xã hội. Ảnh minh họa
Đẩy mạnh truyền thông về giáo dục nghề nghiệp để thay đổi nhận thức xã hội. Ảnh minh họa
Ngày 18/7/2018, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định 928/QĐ-LĐTBXH về việc Ban hành kế hoạch truyền thông về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2018 - 2020.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm: Nâng cao nhận thức người dân, xã hội, doanh nghiệp và cải thiện hình ảnh về GDNN; Tạo sự chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh vào GDNN; Hỗ trợ công tác tuyển sinh - hướng nghiệp, lập nghiệp, khởi nghiệp...

Việc ban hành kế hoạch truyền thông cho GDNN sẽ giúp các đơn vị, các trường chủ động hơn trong hoạt động truyền thông, nội dung tập trung hơn theo thực tế hoạt động, “nhịp sống” của xã hội; đồng thời để công tác truyền thông bài bản, hiệu quả hơn.

Theo đó, sẽ đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo giấy, báo điện tử, báo hình, báo nói, mạng internet…) tất cả chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về GDNN; Hằng năm có ít nhất 500 tin/bài viết/chương trình để tôn vinh, tuyên dương và biểu dương những điển hình, tấm gương của người dạy, người học, mô hình khởi nghiệp thành công từ GDNN;

Thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN; gắn kết doanh nghiệp với cơ sở GDNN trong hoạt động đào tạo (đào tạo mới, cũng như đào tạo lại), tuyển dụng và sử dụng người học GDNN nhằm tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội trước yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Để thông tin, tuyên truyền được triển khai sâu rộng, toàn diện và tăng cường được nguồn lực thực hiện công tác truyền thông về GDNN, cần tập trung vào:

Nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về GDNN; Đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN; đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, gắn với giải quyết việc làm; chuyển đổi nghề nghiệp trước yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0;

Công tác đào tạo nghề nghiệp thường xuyên, vừa học vừa làm; đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người khuyết tật, người yếu thế; Về hoạt động cải cách hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực GDNN và các hoạt động khác liên quan.

Quảng bá hình ảnh về GDNN, hỗ trợ công tác tuyển sinh - hướng nghiệp GDNN; Về công tác đào tạo, hướng nghiệp và khởi nghiệp; Phối hợp, hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong hoạt động GDNN; Đánh giá kỹ năng nghề, kiểm định chất lượng GDNN, công tác học sinh, sinh viên...; Tuyên truyền qua các sự kiện: Kỳ thi tay nghề quốc gia, khu vực ASEAN và thế giới; Hội giảng nhà giáo GDNN...

Tôn vinh các cá nhân, tập thể điển hình về mô hình phối hợp hiệu quả giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN trong việc đào tạo, tuyển dụng, sử dụng học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp; Các mô hình, các cá nhân/tập thể điển hình tiên tiến… trong GDNN.

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Quân nhấn mạnh: Truyền thông để xã hội, các cơ sở GDNN, gia đình và người học biết quan điểm, định hướng đổi mới của GDNN, các mục tiêu dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, lộ trình và từng bước đi của quá trình đổi mới...

Theo ông Quân, khi cả xã hội đánh giá đúng thực trạng điểm mạnh và điểm yếu của hệ thống GDNN, xác định rõ hướng đi và bước đi, khi đó sẽ có sự đồng thuận và chúng ta sẽ đổi mới thành công.

Do đó, việc ban hành kế hoạch truyền thông cho GDNN sẽ giúp các đơn vị, các trường chủ động hơn trong hoạt động truyền thông, nội dung tập trung hơn theo thực tế hoạt động, “nhịp sống” của xã hội; đồng thời cũng là để công tác truyền thông bài bản hơn, hiệu quả hơn.

“Trong những năm tới, truyền thông có nhiệm vụ quan trọng là giúp thay đổi nhìn nhận của xã hội về học nghề. Bộ LĐTBXH mong rằng các cơ quan thông tấn, báo chí luôn đồng hành cùng các hoạt động của Bộ nói chung và GDNN nói riêng để kịp thời phản ánh, đưa thông tin và góp phần định hướng nhận thức của xã hội”, ông Quân nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG