Đổi mới tuyển sinh thế nào để tránh bi kịch điểm cao trượt đại học?

0:00 / 0:00
0:00
Điểm chuẩn quá cao năm nay khiến nhiều thí sinh bị "sốc"Ảnh: Như Ý
Điểm chuẩn quá cao năm nay khiến nhiều thí sinh bị "sốc"Ảnh: Như Ý
TP - Điểm chuẩn quá cao không chỉ khiến nhiều thí sinh năm nay sốc mà còn gây hoang mang cho những thí sinh năm tới. Nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ GD&ĐT và các cơ sở giáo dục ĐH cần sớm công bố đề án đổi mới thi, tuyển sinh.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT từ 10 cơ sở giáo dục ĐH lấy điểm chuẩn từ 29,5 điểm trở lên, có 61 thí sinh đạt 29,5 điểm mà không trúng tuyển ĐH đợt 1. Trong số này có tới 59 em chỉ đăng ký duy nhất 1 nguyện vọng vào trường công an. Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An trong mùa tuyển sinh năm 2021 có 36 em đỗ ĐH từ 30 điểm trở lên (sau khi tính điểm ưu tiên). Ngoài ra, nhiều học sinh đạt các mức điểm trên 28 đỗ vào các trường ĐH có mức điểm chuẩn thuộc tốp đầu.

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, đề thi tốt nghiệp THPT và kết quả điểm năm nay gióng lên hồi chuông về việc cần phải cấp thiết đổi mới tuyển sinh ĐH. Theo ông Đức, giải pháp là hình thành các trung tâm khảo thí đủ năng lực và kinh nghiệm để tổ chức các kỳ thi tuyển sinh vào ĐH như nhiều nước đã thực hiện. Việt Nam đang triển khai ở hai ĐH Quốc gia và một số trường ĐH khác.

Tuy nhiên, cần có sự kiểm soát chất lượng và cầm trịch của Bộ GD&ĐT, để có sự tương đương chuyển đổi phù hợp giữa các bài thi của các trung tâm khảo thí, không chỉ phục vụ tuyển sinh, mà còn để xử lý học vụ khi người học chuyển trường, chuyển ngành một cách khách quan và công bằng.

“Mặt khác, nói việc tuyển sinh là của các trường, nhưng khi trường còn đang lúng túng với các kỳ thi tuyển sinh ĐH riêng, thiết nghĩ Bộ có thể hỗ trợ các trường ĐH, điều chỉnh đề thi tốt nghiệp THPT hằng năm, để phục vụ tốt mục đích “hai trong một”. Có như thế mới giảm tốn kém cho các trường và đỡ vất vả cho thí sinh, đồng thời cũng hạn chế tình trạng thả nổi xét tuyển sinh ĐH bằng quá nhiều phương thức khác”, ông Đức nói.

Cần sớm công bố phương án

Nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT sớm công bố phương án thi cử, tuyển sinh năm nay để việc dạy và học có thời gian thích ứng. Đề xuất trên có cơ sở khi trong tháng 8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thông tin tinh thần là tuyển sinh ĐH năm 2022 sẽ có sự đổi mới để thích nghi với việc kỳ thi tốt nghiệp THPT phải năng động hơn và tăng cường phân cấp trước ảnh hưởng của dịch bệnh.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, cho rằng Bộ GD&ĐT chưa thể hiện rõ trách nhiệm, vai trò quản lý nhà nước nên dẫn đến tình trạng “mạnh trường nào trường đó làm” mà không vì quyền lợi của thí sinh.

Theo ông Vinh, Bộ GD&ĐT không có quyền can thiệp vào quyền tự chủ của các trường nhưng có nghĩa vụ ban hành các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng và đảm bảo quyền lợi của người học. Ông lấy ví dụ, Bộ có thể yêu cầu các trường ĐH bỏ các tổ hợp lạ trong tuyển sinh; quy định tiêu chuẩn đối với từng nhóm trường.

Việc tuyển sinh của các trường dựa theo cách lựa chọn khác nhau như theo học bạ, theo điểm thi THPT, xét tuyển kết hợp hoặc theo đánh giá năng lực nên ông Vinh khẳng định rất khó có khái niệm chuẩn theo nghĩa chung mặt bằng năng lực học vấn để xét trúng tuyển vào các trường ĐH như thi “3 chung” trước đây. Qua đây cho thấy sự bất cập của việc lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào học ĐH.

Với các thang đo tuyển đầu vào khác nhau thể hiện quyền tự chủ tuyển sinh của trường ĐH, không thể đảm bảo có sự công bằng tương đối giữa các trường vì không đồng nhất thước đo, ông nhận định.

Theo ông Vinh, nếu năm sau vẫn tiếp tục sử dụng kết quả thi THPT để tuyển sinh thì bộ phận thiết kế đề thi cần rút kinh nghiệm ra đề cần được chuẩn hóa (nhất là giao cho địa phương tổ chức thi) để có những câu hỏi thi giúp phân hóa học sinh khá, giỏi và trung bình. Mỗi trường có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT kết hợp với các hình thức khác để tuyển chọn được thí sinh phù hợp nhất.

165 thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên trượt ĐH đợt 1

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong đợt 1 xét tuyển ĐH, có 165 thí sinh đạt 27 điểm thực (cho tổng 3 môn, chưa tính điểm ưu tiên) trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng xét tuyển. Cụ thể, có 51 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường khối dân sự, 114 em xét tuyển vào các trường công an, quân đội. Trong số 114 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường công an, quân đội, có 97 em đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất; 10/51 em đăng ký xét tuyển vào các trường khối dân sự chỉ đăng ký 1 nguyện vọng. Bộ GD&ĐT đã trao đổi với một số trường đại học lớn, và các trường cho biết sẽ sẵn sàng xét tuyển bổ sung những thí sinh có kết quả thi tốt và thuộc đối tượng như trên.

MỚI - NÓNG