Đổi mới thi và tuyển sinh còn nhiều vướng mắc

Đổi mới thi và tuyển sinh còn nhiều vướng mắc
TP- Chưa thực sự giảm căng thẳng, lãng phí, tạo cơ chế xin - cho mới, lo lắng về chất lượng đề thi và số thí sinh ảo là những điều băn khoăn mà nhiều nhà giáo dục đặt ra với phiên bản số 10 của dự thảo “Đề án đổi mới công tác thi và tuyển sinh”.

Những điểm chính trong  phiên bản số 10 của dự thảo “Đề án đổi mới công tác thi và tuyển sinh” của Bộ GD&ĐT đã được thảo luận tại buổi làm việc (diễn ra hôm qua, 4/1) giữa Bộ GD&ĐT với Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (Uỷ ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên & Nhi đồng) và đại diện một số trường ĐH, CĐ; Sở GD&ĐT.

Có thực sự giảm căng thẳng, lãng phí?

Lý do các nhà thiết kế xây dựng đề án thi 2 kỳ thi trong 1 và thi trắc nghiệm (TN) đưa ra là giảm căng thẳng, giảm lãng phí.

Tuy nhiên, tại cuộc trao đổi, bà Trần Thị Bích Liễu, Giám đốc Trung tâm Đánh giá và Kiểm định chất lượng giáo dục (Học viện quản lý giáo dục) nêu ý kiến: “Chủ trương thi TN vừa qua đã nhận được nhiều phản ứng. Bản thân tôi đã trao đổi với các giáo viên và giảng viên, học sinh ở Mỹ. Họ đều cho rằng, ngay cả ở Mỹ, thi TN cũng gây rất nhiều áp lực với cả giáo viên và học sinh. Mặc dù việc thi TN ở  Mỹ có đưa thêm hình thức tự luận vào, nhưng vẫn rất nặng nề đối với cả người dạy và người học.

Giáo sư Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng Đại học Sư Phạm Hà Nội đặt câu hỏi: Một trong những mục tiêu của đề án là giảm lãng phí tiền của, thời gian, sức lực của xã hội. Nhưng nếu các trường ĐH, CĐ lại tổ chức thêm một kỳ thi phụ để tuyển thí sinh cho mình thêm chất lượng - điều chắc chắn sẽ xảy ra - thì có lãng phí hay không?

Cơ chế xin-cho mới!?

Trong phương án 3 của đề án có đề cập rất rõ là: Đối với những ngành có yêu cầu đặc biệt như sư phạm ngoại ngữ, báo chí, đối ngoại, đào tạo chất lượng cao…, sau khi có kết quả ở kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh phải thi tại trường ĐH, CĐ, TCCN bài thi tự luận, vấn đáp, thực hành... của 2 môn thi (tối đa) trong đó có 1 môn đặc thù ngoài 8 môn đã thi; số thí sinh được chọn dự thi tại trường tối đa bằng 1,5 lần số chỉ tiêu.

Như vậy, vô hình trung, nhiều trường sẽ phải tổ chức kỳ thi thứ 2  để tuyển thí sinh vào học đạt yêu cầu và chất lượng riêng của trường mình.

Điều này cũng được Hiệu trưởng Đại học Sư Phạm Hà Nội Nguyễn Viết Thịnh, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội Nguyễn Cảnh Lương khẳng định thêm.

Đề án còn nêu trường nào, ngành nào thuộc diện được thi tuyển thêm phải có sự đồng ý của Bộ GD&ĐT. Ông Nguyễn Cảnh Lương cho rằng, chính điều quy định này làm nảy sinh cơ chế xin-cho một lần nữa; đồng thời cũng làm nảy sinh mâu thuẫn là nếu không quy định như vậy thì cũng dẫn đến hiện tượng thêm một kỳ thi thứ 2 vì trường nào cũng muốn thi.

Ông Lương đề nghị: Cục Khảo thí  và Kiểm định chất lượng cần hỏi ý kiến các trường ĐH, CĐ xem trường nào, ngành nào cần thi đầu vào và thông báo cho thí sinh và xã hội được rõ.

Lo lắng về đề thi

Hiệu trưởng Đại học Sư Phạm Hà Nội đặt vấn đề, khi làm đề thi tốt nghiệp phổ thông chỉ cần chọn giảng viên tốt; đề thi ĐH thì  chọn những giáo sư đầu ngành, vậy đề thi 2 trong 1 thì chọn “đội hình” như thế nào?

Ông Thịnh nói: “Nếu làm đề thi TN như ta đang làm hiện nay thì tôi thấy lo lắm. Đội ngũ ra đề hiện nay không sàng lọc. Ta còn phụ thuộc vào SGK;  2 -3 năm sau thì tránh trùng lắp đề thế nào”.

Ông kết luận: “Chúng ta phải vượt ra khỏi điều chúng ta đang làm hiện nay mới có thể mong khâu làm đề được thỏa mãn”.

Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn Phạm Gia Lâm nói: Các môn xã hội không mặn mà lắm với thi TN. Ông đã tham khảo thi ở  CHLB Nga, nơi những câu hỏi thi TN môn Văn học rất công phu không chỉ dừng lại ở câu hỏi đúng sai như ở ta.

Thí sinh ảo sẽ nhiều như... “quân Nguyên”

Theo dự thảo đề án, mỗi  thí  sinh được trả 5 giấy chứng nhận điểm. Điều đó đồng nghĩa với việc mỗi thí sinh có  5 nguyện vọng và sẽ  tạo nên số ảo rất lớn vì có thí sinh không trúng nguyện vọng nào nhưng lại có những thí sinh trúng cả 5 nguyện vọng. Có trường gọi nhiều lên nhưng thí sinh đến nhập học có khi lại là không... Ông Đoàn Xuân Tiên đã dự báo một khung cảnh thí sinh ảo nhiều hơn trước rất nhiều.

Ngoài ra, còn những băn khoăn khác như cán bộ coi thi ĐH, CĐ có đủ để rải khắp 140.000 phòng thi hay không và sẽ tác chiến thế nào trong công tác coi thi vốn căng thẳng. Đây là khâu đáng lo ngại nhất để chống hiện tượng đưa bài ra vào phòng thi; việc thi cử phải làm thế nào để có tác động tích cực tới người học...

Những điểm mới của “Đề án đổi mới công tác thi và tuyển sinh”

Đổi mới thi và tuyển sinh còn nhiều vướng mắc ảnh 1

Học sinh luôn mong muốn việc tuyển sinh diễn ra nhẹ nhàng, thuận tiện. Ảnh: Phạm Yên

Phiên bản số 10 của Đề án đề ra 7 giải pháp khác nhau trong việc đổi mới tuyển sinh dài hạn từ 2009 đến năm 2012 và những năm tiếp theo.

Giải pháp 1 đề xuất  hàng năm, ngành GD&ĐT chỉ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một căn cứ quan trọng để xét tuyển vào ĐH, CĐ, TCCN; Tổ chức thi nhiều môn (Ngữ văn, Ngoại ngữ, Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí).

Ba trường hợp:

a) Tốt nghiệp THPT: thi 05 môn, (Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ) + 01 môn bắt buộc do Bộ GD&ĐT quy định từng năm + 01 môn do thí sinh tự chọn.

b) Vào ĐH, CĐ, TCCN: Chuyển việc tuyển sinh theo khối thi sang việc xét tuyển theo ngành học. Các yêu cầu tuyển sinh do trường đề ra đối với từng ngành đào tạo, theo 3 phương án:

Phương án 1: 3 môn văn hóa (ít nhất 1 trong các môn: Toán hoặc Ngữ văn hoặc Ngoại ngữ); môn thi có thể được nhân hệ số hoặc quy định điểm tối thiểu đối với môn quan trọng nhất.

Phương án 2: Đối với ngành năng khiếu, thí sinh phải thi 2 môn văn hóa (trong đó có ít nhất 01 trong các môn: Toán hoặc Ngữ văn hoặc Ngoại ngữ) và môn năng khiếu; môn thi có thể được nhân hệ số hoặc quy định điểm tối thiểu đối với môn quan trọng nhất.

Phương án 3: Đối với những ngành có yêu cầu đặc biệt như SP ngoại ngữ, báo chí, đối ngoại, chất lượng cao…, sau khi có kết quả ở kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh phải thi tại trường ĐH, CĐ, TCCN bài thi tự luận, vấn đáp, thực hành... của 2 môn thi (tối đa) trong đó có 01 môn đặc thù ngoài 08 môn đã thi; số thí sinh được chọn dự thi tại trường tối đa bằng 1,5 lần số chỉ tiêu;

c) Tốt nghiệp THPT + vào ĐH, CĐ, TCCN: đồng thời thỏa mãn các điều kiện (a) và (b). Theo đó, mỗi thí sinh không nhất thiết phải thi cả 8 môn trong kỳ thi.

Giải pháp 2 đề ra việc tổ chức thi tại địa phương, ở các địa điểm thi có đủ điều kiện mặt bằng, phòng thi, bàn ghế, tường rào,… để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc...

Giải pháp 3  quy định các trường ĐH, CĐ, TCCN có trách nhiệm tham gia làm công tác thanh tra trong các đoàn thanh tra ủy quyền, giám sát tất cả các khâu trong kỳ thi (91,66%).

Giải pháp 4 đề ra việc áp dụng Thi trắc nghiệm (TN) đối với các môn thi, trừ môn Ngữ văn phối hợp tự luận và TN.

Số phiên bản đề thi TN ít nhất bằng nửa số thí sinh trong phòng thi; thực hiện trừ điểm bài thi trắc nghiệm do thí sinh đoán mò; chấm thi trắc nghiệm bằng máy và công cụ tin học. 

Khoảng 70% số điểm ứng với nội dung ra theo chuẩn kiến thức, kỹ năng THPT để xét tốt nghiệp  và khoảng 30% số điểm ứng với các câu hỏi trong chương trình THPT nhưng khó hơn, để phân hóa trình độ, xét tuyển sinh.

Các giải pháp 5, 6, 7 tập trung vào giải quyết các vấn đề sử dụng công nghệ thông tin trong quy trình tổ chức thi; phân vùng trong kỳ thi để tổ chức thi theo các thời điểm khác nhau, ở các vùng, miền khác nhau, với các đề thi khác nhau, sao cho điểm thi ở các nơi đều có giá trị tương đương nhau và nâng cao chất lượng kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở các nhà trường.

Đề án đã vạch ra một lộ trình như sau: Năm 2008 vẫn tổ chức 2 kỳ thi riêng biệt. Từ 2009 đến 2011 chỉ tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia đồng loạt trên toàn quốc. Từ năm 2012 tổ chức thi theo các thời điểm khác nhau, ở các vùng, miền khác nhau, với các đề thi khác nhau.  H.T

Với mong muốn có được Đề án cải tiến thi và tuyển sinh tối ưu, báo Tiền phong rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc về vấn đề này. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: Nhóm  Phóng viên Giáo dục – 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội hoặc e-mail: hothubaotienphong@gmail.com

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.