Đổi mới thi tốt nghiệp và ĐH, CĐ: Chưa chín muồi!

Đổi mới thi tốt nghiệp và ĐH, CĐ: Chưa chín muồi!
TP - Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó GĐ ĐHQG TPHCM cho rằng nếu không có kế hoạch cụ thể và lộ trình chi tiết Đề án đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào trường ĐH, CĐ, TC sẽ không thể thực hiện vào năm 2009!
Đổi mới thi tốt nghiệp và ĐH, CĐ: Chưa chín muồi! ảnh 1
Ảnh minh họa

Hội nghị về Đề án đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào trường ĐH, CĐ, TC, diễn ra ngày 28/3 tại Hà Nội.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng GD&ĐT Bành Tiến Long cho biết, dự thảo (thứ 17) của Đề án nếu được Chính phủ thông qua, sẽ được cụ thể hóa vào khoảng tháng 9-10/2008, để kịp thực hiện Đề án vào năm 2009.

Không thể thực hiện vào 2009

Mở đầu phát biểu bằng việc “nhất trí” với Đề án, nhưng ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó GĐ ĐHQG TPHCM cho rằng nếu quyết tâm thực hiện Đề án vào năm 2009, thì phải có kế hoạch cụ thể và lộ trình chi tiết; nếu không không thể thực hiện vào 2009 được!

Theo ông Nghĩa, hiện số thí sinh tồn đọng hàng năm không thể vào được ĐH là quá lớn, như năm 2007 có gần 400.000  thí sinh trượt ĐH, nếu tổ chức cho số thí sinh tồn đọng này dự thi cùng học sinh sẽ tốt nghiệp THPT năm nay, mà không chuẩn bị chu đáo thì sẽ tạo ra căng thẳng và dễ xảy ra sai sót. 

Theo ông Nghĩa, ngoài việc tổ chức một kỳ thi chính cho lớp 12, các địa phương có thể tổ chức cho thí sinh tự do một kỳ thi tương tự. Điều này đòi hỏi phải có đề thi với độ khó dễ tương đương.

Như vậy, nếu một số trường ĐH lại tổ chức thêm một kỳ thi tuyển riêng cho mình vì chưa thực sự tin cậy vào kỳ thi chung, thì xã hội có thể phải chịu thêm một kỳ thi thứ 3 nữa.

Thi trắc nghiệm... khó khăn và mâu thuẫn

Đối với những tỉnh, thành phố lớn, trang thiết bị, nhân sự tốt và đầy đủ, thì thi trắc nghiệm (TN) có vẻ khả thi, nhưng với hiện thực là năng lực tổ chức của nhiều sở chưa đảm bảo, chưa đủ phương tiện KHKT thì có đảm bảo đồng bộ không? Câu hỏi này đã được một đại biểu nêu ra tại Hội nghị. 

“Các cuộc thi TN lớn ở cấp toàn quốc vừa qua do Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng tiến hành, do không có đủ CSVC, khả năng đánh giá bộ câu hỏi, con người..., nên nhiều giáo viên không đủ niềm tin vào thi TN”- Ông Nguyễn Tất Thắng, GĐ Sở GD&ĐT  Nam Định nói.

Chất lượng đề thi thế nào để có sự tương đương chất lượng thí sinh được tuyển giữa các năm tuyển sinh, tỷ lệ tuyển sinh giữa các tỉnh, thành phố làm ảnh hưởng đến cơ cấu vùng miền trong đào tạo ĐH (TPHCM tốt nghiệp gần 100% trong khi Bắc Cạn chỉ đạt hơn 20%) là ý kiến được đưa ra tại Hội nghị và dường như chưa có lời giải đáp.

Sự khác nhau giữa chất lượng trong 1 kỳ thi chung giữa thí sinh hệ bổ túc và hệ phổ thông, đặc biệt trong điều kiện thời gian đầu, 2 đối tượng thi 2  đề thi riêng, đã khiến một đại biểu đưa ra câu hỏi: Liệu thí sinh đỗ ĐH có toàn là học sinh bổ túc không?

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó GĐ ĐHQG TPHCM cho rằng: Nếu như việc cải tiến tuyển sinh là đúng đắn, phù hợp thì đề án cần làm rõ lộ trình, công tác tổ chức, các giải pháp kỹ thuật...,  và các vấn đề phải được giải quyết trong 1 quy chế tuyển sinh thì mới mong Đề án được thực hiện thành công.

Còn ông Nguyễn Tất Thắng, GĐ Sở GD&ĐT  Nam Định nói: “Cần có khảo sát nghiêm túc khẳng định độ tin cậy và chất lượng của kỳ thi, độ chính xác để tạo niềm tin  trong xã hội trước khi thực hiện 1 kỳ thi chung”.

Theo kết quả thăm dò về Đề án tại Hội nghị, chỉ có 37,9% đại biểu đồng ý, 62,31% đại biểu góp ý thêm, điều này cho thấy sự chưa chín muồi của Đề án.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.