Đổi mới giáo dục: Không có giải pháp nào hoàn hảo

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Như Ý.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Như Ý.
TP - Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học mới hôm qua (2/8), Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam cho rằng, trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục cần phải kiên định, phải theo xu thế thế giới. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh : “Không có giải pháp nào hoàn hảo, không có giải pháp nào 100% mọi người đều đáp ứng được nguyện vọng của mình”.

Ðổi mới là một quá trình

Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu những giải pháp cụ thể đối với một số vấn đề nóng như: tinh giản biên chế, chất lượng chuyên môn và đạo đức đội ngũ giáo viên, quy hoạch trường lớp, nhà vệ sinh trong trường học…

Dẫn vấn đề thi cử để nhìn lại các mặt trong đổi mới giáo dục, Phó Thủ tướng cho rằng, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phải là một quá trình. Giáo dục cũng như xây nhà, làm đường, xây phòng lớp học. Thi cử cũng phải có lộ trình, tính từ năm 2015 đến 2021 mới là lộ trình. Đổi mới sách giáo khoa cũng vậy, cần có lộ trình không phải giục một cái là xong. Trong quá trình ấy, không bao giờ có giải pháp nào hoàn hảo. Do vậy, đã làm rồi phải rất khoa học, cầu thị và kiên trì.

Cũng theo Phó Thủ tướng, trong quá trình đổi mới cần phải kiên định. Nhất định phải theo xu thế thế giới. Không thể vì đặc thù, đặc điểm, vì có điều gì mà mình lại đi ngược theo xu thế thế giới. Xu thế là giáo dục bớt thủ tục hành chính đi.

Quay trở lại chuyện thi cử, Phó Thủ tướng cho rằng, đó là một ví dụ rất cụ thể để chúng ta nhìn ra tất cả các mặt khác. “Tôi nghĩ, chúng ta cũng cần phải xem vì đây là những kinh nghiệm quý”, ông nói. Giáo dục là lĩnh vực nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, nhiều chuyên gia. Dựa vào những đặc điểm đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình ban hành chủ trương, chính sách dù là nhỏ nhất nhưng tác động đến toàn dân, vì vậy cần chú trọng mở diễn đàn để người dân góp ý, để có sự tranh luận. Và chọn cái nào sẽ có lý giải để tạo sự đồng thuận chung.

Cũng theo Phó Thủ tướng, không riêng kỳ thi vừa rồi, tất cả các việc như phong GS, PGS; dạy học lịch sử tích hợp hay không… ông đều lắng nghe chuyên gia góp ý. “Giáo dục quan trọng nhất là phải cởi mở, minh bạch hết mới tạo được sự đồng thuận. Giáo dục không chỉ thầy cô, mà phải có gia đình, xã hội”, ông nói. 

Không cắt giảm máy móc 10% giáo viên

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần xem xét nghiêm túc. Ví như, vấn đề thiếu trường lớp ở khu đô thị, khu công nghiệp. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho học sinh còn hạn chế. “Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, trong đó có một số địa phương để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong việc tuyển dụng giáo viên. Tình trạng lạm thu vẫn diễn ra ở các địa phương”, ông Nhạ thẳng thắn nói.

Ông Hà Kế San, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, địa phương đang băn khoăn về việc tinh giản biên chế. Từ nay đến 2021, địa phương sẽ tinh giảm 10%, tương đương 2.400 giáo viên. Tuy nhiên, trên thực tế, địa phương lại thiếu giáo viên mầm non gay gắt. Ở một số tỉnh như Cà Mau, Đắc Lắk cũng gặp khó trong việc tinh giản biên chế gây bức xúc trong dư luận. Ông San khẳng định: “ Lãnh đạo địa phương hết sức lúng túng, khó khăn. Không làm không được, làm thì vi phạm. Nhu cầu học sinh lớn thì tỉ lệ giáo viên trên lớp phải đông hơn mới đáp ứng được”.

Trong khi đó,  bà Vũ Thị Liên Oanh, giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết, địa phương đi đầu trong việc sắp xếp, tinh giản biên chế. Cụ thể, Quảng Ninh tập trung sắp xếp, dồn ghép các điểm trường nhỏ lẻ, chung nhân viên kế toán cho cụm trường gần nhau, đào tạo lại giáo viên dôi dư sắp xếp công việc mới, sắp xếp giáo viên dạy nhiều điểm trường gần nhau nhằm khắc phục tình trạng thừa giáo viên cục bộ...

Theo bà Oanh, cần rà soát kỹ trước khi thực hiện, không dồn ghép một cách cơ học dẫn đến nhiều hệ lụy.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng: “Nghị quyết T.Ư số 19 về tinh giản biên chế nêu, từ nay đến 2021 giảm 10% biên chế hưởng lương nhưng không phải cắt máy móc 10% biên chế giáo viên”. Theo Phó Thủ tướng, sẽ thực hiện từng thời kỳ một, chủ yếu tinh giản biên chế gián tiếp còn tinh thần chung là phải đủ giáo viên dạy học.  “Từ trước đến nay, Bộ GD&ĐT không nắm sát tình hình biên chế của giáo viên ở địa phương. Vào đầu nhiệm kỳ này, đây là một trong những việc tôi chỉ đạo Bộ trưởng phải làm ngay”, Phó Thủ tướng nói.

Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo các Sở GD&ÐT, lãnh đạo các địa phương báo cáo việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia tại địa phương an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Một số lãnh đạo các địa phương cho rằng, sự cố gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La là việc đáng tiếc tuy nhiên, trong năm tới, Bộ GD&ÐT không nên thay đổi phương thức thi, tránh gây tâm lý xáo trộn. Thay vào đó, Bộ nên có giải pháp kỹ thuật để tổ chức kỳ thi chặt chẽ hơn.

MỚI - NÓNG