Đổi mới để tận dụng hiệp định thương mại với EU

Đổi mới để tận dụng hiệp định thương mại với EU
TP - Dự kiến, năm nay, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA). Để FTA mang lại lợi ích thật sự cho nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần đổi mới toàn diện.

Tại Hội thảo “FTA Việt Nam - EU: Hàm ý với cải cách chính sách và thể chế” ngày 25/6 (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức), ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết: Lợi ích mang lại từ FTA Việt Nam - EU rất lớn, do hàng hóa từ Việt Nam có tính bổ sung cao với thị trường EU. Cụ thể, GDP Việt Nam có thể tăng thêm 7-8% vào năm 2025; xuất khẩu của Việt Nam sang EU cũng tăng khoảng 10%, đặc biệt với ngành có lợi thế như dệt may, da giày, thủy hải sản... Ngược lại, EU cũng có những lợi thế lớn trong nhóm ngành dịch vụ, dược và sản phẩm công nghệ cao.

Tuy vậy, theo ông Cung, FTA Việt Nam - EU là FTA thế hệ mới, nên sức ép về đổi mới toàn diện chính sách và thể chế trong nước là rất lớn, nhằm tối đa hóa tác động tích cực cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực với kinh tế. “Điều này đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải thích ứng để tái cơ cấu nền kinh tế, mở cửa thị trường, cải thiện môi trường đầu tư, lao động, môi trường…”, ông Cung nói. Đây cũng sẽ là thách thức lớn, buộc doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.

Ông Jonh Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, cho rằng, FTA sẽ đem đến nhiều cơ hội cũng như thách thức, đặc biệt đối với những nền kinh tế đang phát triển. Do vậy, ông lưu ý, khi FTA Việt Nam - EU được ký kết, Việt Nam cần chú trọng đến chính sách, thể chế kinh tế và chuẩn bị tốt cho việc thực thi FTA.

Các đại biểu tập trung thảo luận về sự sẵn sàng và nhu cầu điều chỉnh thể chê, chính sách của Việt Nam để thực hiện FTA. Ông Piergiuseppe Fortunato, chuyên gia kinh tế tại Tổ chức Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAC) nhận định, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi và FTA với EU có thể thúc đẩy quá trình này nhanh hơn. Dù vậy, Việt Nam cần duy trì linh hoạt chính sách và áp dụng cách tiếp cận “luật mềm” để thiết lập các hướng dẫn toàn diện dựa trên sự minh bạch và trách nhiệm.

FTA Việt Nam – EU được khởi động từ tháng 6/2012, tới nay đã trải qua 13 phiên đàm phán chính thức. Hai bên đang dần tiến tới kết thúc đàm phán và ký hiệp định này.

MỚI - NÓNG