Đổi mới chức năng quản lý kho bạc: Kết quả đạt được trong thời gian qua

Toàn cảnh Hội thảo Đối mới chức năng quản lý kho bạc (Hà Nội, ngày 11/3/2019)
Toàn cảnh Hội thảo Đối mới chức năng quản lý kho bạc (Hà Nội, ngày 11/3/2019)
Trong thập kỷ vừa qua, Kho bạc Nhà nước đã đạt được tiến bộ quan trọng trong việc xây dựng các năng lực quản lý tài chính công cốt lõi. Với nền tảng vững chắc đã được xây dựng, Kho bạc Nhà nước hiện đang ở trong điều kiện rất phù hợp để thực hiện những cải cách tiếp theo.

Về chấp hành ngân sách

Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong quản lý ngân sách. Đây là thành tựu không hề nhỏ trong bối cảnh xử lý giao dịch thủ công vẫn còn phổ biến và truyền thống duy trì kiểm soát ở nhiều cấp khác nhau thông qua nhiều cơ quan tham gia quản lý điều hành ngân sách. Có thể thấy những tiến bộ lớn trong ba trụ cột chính là nền tảng để củng cố quản lý tài chính công và quản trị nói chung: (i) tinh giản quy trình xử lý thu, chi; (ii) cải thiện kiểm soát ngân sách; và (iii) một hệ thống tổ hợp tài khoản (kế toán đồ) được cấu trúc với nhiều đoạn mã có khả năng tăng cường tính minh bạch thông qua cải thiện năng lực phân tích, báo cáo. Việc triển khai TABMIS - hệ thống hiện đã trở thành trung tâm của quy trình chấp hành, kiểm soát ngân sách của Việt Nam - đã giúp đạt được những tiến bộ này.

Quy trình thanh toán các khoản chi ngân sách lấy hệ thống TABMIS làm trung tâm và đã được đơn giản hoá đáng kể, mặc dù về cơ bản vẫn là một quy trình thủ công. Quy định về cam kết chi cho các khoản thanh toán giá trị cao được áp dụng lần đầu vào năm 2013 và được sửa đổi vào năm 2016 nhằm cải thiện công tác điều hành ngân quỹ và tăng cường kiểm soát đối với các khoản ngân sách đã phân bổ. Các quy trình tổ chức thu ngân sách cũng đã được cải thiện và chỉ còn khoảng 2% số thu ngân sách vẫn thực hiện bằng tiền mặt. Một hệ thống tổ hợp tài khoản mới với 12 phân đoạn mã gồm 43 ký tự đã được xây dựng năm 2007, gia tăng khả năng phân loại giao dịch theo nhiều tiêu chí khác nhau để phục vụ cho công tác báo cáo, phân tích của Chính phủ.

Quản lý ngân quỹ

Với định hướng tiến tới một tài khoản thanh toán tập trung, Kho bạc Nhà nước đã đạt được việc hợp nhất số dư ngân quỹ trên 6 tài khoản chính - mở tại Ngân hàng Nhà nước và 5 ngân hàng thương mại. Kho bạc Nhà nước lập dự báo luồng tiền trong năm, nhưng vẫn còn dư địa đáng kể cho việc cải thiện chất lượng dự báo. Quy trình dự báo về cơ bản là quy trình từ trên xuống; đã có những nỗ lực để kết hợp với dự báo từ dưới lên. Hàng quý, Kho bạc Nhà nước xây dựng phương án điều hành ngân quỹ cho quý tiếp theo, trong đó có đề xuất sử dụng ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi.

Kho bạc Nhà nước đã không phát hành tín phiếu kho bạc kể từ 2017 cho đến nay, nhưng vẫn còn dư địa để đầu tư ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi. Ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi có thể được sử dụng để tạm ứng cho ngân sách trung ương và ngân sách cấp tỉnh; gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại có độ an toàn cao; hoặc mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ.

Báo cáo ngân sách và tài chính

Với việc triển khai TABMIS, hiệu quả và tính chính xác trong lập báo cáo chấp hành ngân sách đã cải thiện đáng kể. Kho bạc Nhà nước có thể chiết xuất các báo cáo chấp hành ngân sách trực tiếp từ hệ thống. Sau khi Luật Kế toán năm 2015 được ban hành, các cơ quan chức năng đang triển khai những đổi mới trong kế toán dồn tích và báo cáo tài chính.

Các hệ thống thông tin

TABMIS là hệ thống thông tin cốt lõi về chấp hành ngân sách, hạch toán kế toán và báo cáo, phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ của Kho bạc Nhà nước trên cả nước kể từ 2012. Hiện nay, TABMIS được sử dụng bởi khoảng 8.000 người dùng đồng thời (11.500 người dùng được cấp quyền) từ một số Bộ, ngành, cơ quan trung ương, Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước (Trung ương), cũng như từ cơ quan Tài chính và Kho bạc các địa phương. Ngoài ra, một số ứng dụng tập trung ngoài TABMIS, như hệ thống quản lý thu ngân sách, hệ thống thanh toán điện tử tập trung, cổng dịch vụ công điện tử,... đã được xây dựng và kết nối với TABMIS.

Kể từ khi triển khai TABMIS cho đến nay đã có những tiến bộ lớn trong các nghiệp vụ kho bạc, phù hợp với yêu cầu của Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020. Một số bước tiến quan trọng kể từ khi triển khai TABMIS bao gồm:

+ Mọi giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước đều được ghi nhận và đối chiếu ngân hàng được thực hiện qua TABMIS hàng ngày.

+ Mọi khoản chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản (bao gồm cả tạm ứng theo chế độ quy định về hợp đồng và ứng trước dự toán năm sau) và các khoản cam kết chi vượt ngưỡng quy định đều được ghi nhận trong TABMIS.

•   Phần lớn các khoản thanh toán chi ngân sách nhà nước được thực hiện qua phương thức điện tử, thông qua kết nối tài khoản thanh toán tập trung với TABMIS và hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng cũng như các hệ thống thanh toán điện tử song phương.

•   Một cổng dịch vụ công đã được xây dựng năm 2018, qua đó các đơn vị sử dụng ngân sách có thể truy cập để sử dụng một số tính năng quản lý tài chính công như đề nghị thanh toán và giao nhận hồ sơ qua mạng.

•   Việc thiết lập Kho Dữ liệu (DataWarehouse - DW) và sử dụng các công cụ phân tích dữliệu phục vụ cho quản trị (Business Intelligence - BI) đã giúp cải thiện công tác cung cấp thông tin của Kho bạc Nhà nước để phục vụ cho việc ra quyết định, báo cáo, cũng như trao đổi dữ liệu với Bộ Tài chính về số thu, chi ngân sách nhà nước. Số lượng bình quân báo cáo được tạo ra thông qua Kho Dữ liệu là khoảng 10.000 - 15.000 mỗi ngày.

•   Năng lực của Cục Công nghệ thông tin thuộc Kho bạc Nhà nước đã được tăng cường để hỗ trợ các hoạt động TABMIS.

•   Từ năm 2017 đến nay, Kho bạc Nhà nước đã cung cấp trực tuyến báo cáo thu, chi ngân sách nhà nước hàng ngày cho Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính.

MỚI - NÓNG