“Đổi MobiFone thành Tổng công ty không phải để oai“

Ông Mai Văn Bình khẳng định, điều kiện, quy mô và tầm hoạt động của MobiFone còn hơn rất nhiều tổng công ty khác, nên việc chuyển đổi mô hình tổ chức thành Tổng công ty là hợp lý.
“Đổi MobiFone thành Tổng công ty không phải để oai“ ảnh 1

Ông Mai Văn Bình, Chủ tịch MobiFone.

Trước đó, trong cuộc trao đổi hôm 27/10 vừa qua với PV, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, Bộ đã trình Chính phủ mô hình tổ chức và đổi tên công ty Thông tin Di động VMS - MobiFone thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone.

Có nhiều cơ sở pháp lý để giải thích cho việc tổ chức lại ông ty VMS thành mô hình Tổng công ty, nhưng quan trọng nhất là theo Quy hoạch phát triển viễn thông Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu của việc tái cơ cấu thị trường viễn thông là phải "Hình thành được 3 - 4 tập đoàn, tổng công ty mạnh" để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh trên thị trường.

Hiện tại, thị trường trong nước đang có 2 tập đoàn lớn là Viettel và VNPT. Do đó, Bộ TT&TT nhận thấy cần phải hình thành MobiFone thành một tổng công ty để đảm bảo đúng Quy hoạch thị trường của Chính phủ. Nếu để một công ty đấu với hai tập đoàn lớn thì sẽ không thể có sự cạnh tranh lành mạnh và hình thành thế chân vạc cho thị trường viễn thông.

Thứ hai, vốn điều lệ của MobiFone hiện trên 12.000 tỷ đồng, liên tục có lãi 3 năm gần đây, hội đủ điều kiện để thành lập tổng công ty đúng như quy định hiện hành. Nếu để quy mô MobiFone chỉ là công ty thì sẽ không tương xứng với vai trò, vị trí của doanh nghiệp này. Một chiếc áo quá chật sẽ gây khó khăn cho hoạt động, kinh doanh của MobiFone, Thứ trưởng Thắng chỉ rõ.

Bản thân Chủ tịch MobiFone, trong cuộc chia sẻ mới đây với báo giới, cũng xác nhận mô hình hoạt động hiện tại của MobiFone, thực chất về quy mô, công nghệ, thị trường đã là một tổng công ty. Việc điều chỉnh tên là để đáp ứng yêu cầu nội tại của doanh nghiệp, cũng như để tạo điều kiện cho MobiFone có thể phát triển, cạnh tranh bình đẳng với các tập đoàn viễn thông khác trong nước.

Hơn nữa, rõ ràng một công ty trách nhiệm hữu hạn sẽ không thể cạnh tranh bình đẳng với các Tập đoàn được, ông Bình khẳng định. Vì vậy, "bản thân doanh nghiệp phải tự mình xây dựng lớn lên, cũng phải trở thành như các tập đoàn viễn thông khác. Trong bước quá độ lên tập đoàn thì mô hình tổng công ty là hợp lý nhất". Nói cách khác, hướng của MobiFone là cũng sẽ phát triển lên tập đoàn để cạnh tranh ngang bằng với Viettel và VNPT. Tất nhiên, khoảng thời gian quá độ này kéo dài bao lâu thì còn phải tùy thuộc vào thực tế hoạt động của doanh nghiệp.

Nhưng trước một số ý kiến nghi ngại về việc có cần thiết hay không phải "đôn" MobiFone lên thành Tổng công ty, gây cồng kềnh bộ máy, tốn kém hơn mà hiệu quả chưa chắc đã cao hơn, ông Bình nhấn mạnh rằng việc lên tập đoàn hay tổng công ty không phải là để "cho oai", mà mấu chốt vấn đề là phải xem "bản chất hoạt động bên trong có đúng như một tập đoàn hay không". Nếu đang hoạt động như một Tổng công ty mà ép phải gò mình trong "cái áo" công ty thì chẳng khác gì bó tay, bó chân doanh nghiệp.

Hơn nữa, mục tiêu hàng đầu của Chính phủ khi tiến hành tái cơ cấu VNPT và MobiFone là để cổ phần hóa doanh nghiệp. Các nhà đầu tư chiến lược là những người bỏ tiền ra, họ có cách định giá rất thực tế chứ không dễ bị đánh lừa bởi tên gọi hay hình thức công ty. Nếu quy mô, tầm vóc doanh nghiệp chỉ xứng đáng là Công ty trách nhiệm hữu hạn thì dù có đặt tên là Tổng công ty "cho oai" thì cũng không thu hút được đối tác.

Theo ông Bình, cái mà nhà đầu tư chiến lược quan tâm ở công ty là "nội dung bên trong" của công ty, từ báo cáo tài chính có minh bạch không, hiệu quả kinh doanh có cao không, mô hình, cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp có hợp lý, khoa học và quan trọng là xu thế, khả năng phát triển, tăng trưởng tiếp theo trong tương lai như thế nào. "Đó chính là những điều đang tạo ra giá trị, tạo ra thương hiệu cho MobiFone", ông kết luận.

Theo Trọng Cầm

Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.