Đối lập Syria ‘đổ thêm dầu vào lửa’

TPO – Trong bối cảnh biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng căng thẳng, lực lượng đối lập chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al – Assad chủ trương đẩy mạnh hoạt động quân sự sát biên giới giữa hai nước.
Lực lượng đối lập Syria tại một căn cứ trên đường biên Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.

Thành phố Azmarin, vùng giáp ranh giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ trong hai ngày cuối tuần qua đã trở thành điểm nóng mới với những cuộc giao tranh ác liệt giữa quân nổi dậy và quân đội Syria.

VOR dẫn nguồn tin khu vực cho biết, lực lượng đối lập khơi mào cho cuộc đối đầu khi chủ trương phát động bắt giữ một chiếc xe tăng và nã đạn vào lực lượng quân đội chính phủ Syria từ trên không. Quân chính phủ nhanh chóng điều động máy bay, xe tăng với sự hỗ trợ của pháo binh đáp trả.

Ngay lập tức, trong một động thái được cho là “cảnh giác trước nguy cơ về một cuộc vi phạm đường biên có khả năng xảy ra”, Thổ Nhĩ Kỳ cho hai máy bay chiến đấu tới không phận sát với Syria, đồng thời báo động lực lượng quân đội đồn trú sát biên giới cảnh giác cao độ.

Trước đó, ngày 13-10, Ankara cho biết lực lượng quân đội nước này phát hiện xe tăng của quân đội Syria di chuyển dọc trên các tuyến đường nối các ngôi làng ở khu vực gần biên giới của hai nước.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia. Ngoại trưởng Ahmet Davutoglu tuyên bố. Đài truyền hình NTV, dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định: "Nếu trên biên giới của chúng tôi có ít nhất một vụ vi phạm nữa, thì chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết".

Trên thực tế, việc thiết lập vùng cấm bay sát biên giới với Syria đã nằm trong “ý tưởng” của Ankara. Hồi đầu tháng 9-2012, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập vùng cấm bay ở khu vực biên giới với láng giềng Syria, khi cho rằng: “Nếu bước đi này không được thực hiện, thì ở Syria trong tương lai có thể xảy ra cảnh giết người hàng loạt. Chính phủ Syria hiện tại đang thực hiện các vụ tấn công phe đối lập bằng máy bay. Sau khi lập xong vùng cấm bay, có thể tiến tới thành lập vùng đệm”.

Có thể hiểu, việc thiết lập vùng cấm bay cũng như vùng đệm sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria thực chất là Ankara tạo một hành lang cho lực lượng đối lập hoạt động chống lại chính quyền Damascus từ bên kia biên giới.

Trong thời gian 16 tháng diễn ra khủng hoảng chính trị tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ chính là quốc gia hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho lực lượng đối lập nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al – Assad.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng được cho là nơi đặt căn cứ của Mỹ và phương Tây để hỗ trợ và chỉ đạo hoạt động của lực lượng đối lập chống Syria.

Truyền thông nước ngoài mới đây tiết lộ, đầu năm 2012, Tổng thống Barack Obama ký sắc lệnh cho phép lực lượng tình báo nước này trực tiếp tham gia cung cấp hỗ trợ "quân sự và thông tin liên lạc" cho lực lượng đối lập từ căn cứ bí mật có tên “Indjirlik” trong khu vực thành phố Adana ở miền Nam - Thổ Nhĩ Kỳ. Căn cứ này do Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi và Qatar lập ra, và là nơi các phiến quân Syria đồn trú.

Hoạt động quân sự vẫn hiện diện tại vùng đệm an toàn giữa biên giới hai nước.

Sự cố quân đội hai nước tổ chức đấu pháo qua lại biên giới, và mới đây là việc Ankara chặn một máy bay trở khách của Syria khi đang trên đường từ Moscow tới Damascus hôm 10-10 là “những lý do không thể tốt hơn để giúp Ankara sớm thực hiện kế hoạch vùng cấm bay và vùng đệm trên biên giới với Damascus”, chuyên gia phân tích Boris Dolgov, nhận định.

Theo ông Boris Dolgov, khái niệm vùng cấm bay và vùng đệm là sự tiếp nối của chính sách mà Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện nhằm chống Syria. “Đó là việc hỗ trợ các nhóm vũ trang bất hợp pháp hoạt động khủng bố tại Syria, chống lại chính quyền và khủng bố nhân dân Syria. Ở Thổ Nhĩ Kỳ có các trại huấn luyện cho quân nổi dậy do cán bộ Thổ Nhĩ Kỳ phụ trách vũ khí bất hợp pháp được nhập lậu từ Thổ Nhĩ Kỳ chuyển tới Syria cho các nhóm vũ trang. Đó còn là tiếp tục chính sách nhằm lật đổ chế độ Bashar al-Assad. Đây là nguyên nhân chính làm cho tình hình biên giới thêm căng thẳng, bao gồm cả sự cố máy bay”, ông Boris Dlogov, phân tích.

Boris Dlogov cho rằng, vụ bùng phát giữa quân đội chính phủ Syria với phe đối lập tại thành phố Azmarin, vùng giáp ranh giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, là bước thử đầu tiên cho kế hoạch phát triển vùng cấm bay và vùng đệm của Ankara, và lực lượng đối lập chính được xem là “kẻ đóng thể hoàn hảo”.

Trong trường hợp này, thêm một vụ “đạn lạc” của quân đội Syria dội sang biên giới Thổ Nhĩ Kỳ như hôm 10-10, một cuộc chiến tranh giữa hai nước ngay lập tức sẽ nổ ra. Hiện nay, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường sự hiện diện ở đường biên giới kéo dài 900km với Syria.

Khi xảy ra đụng độ, chắc chắn không chỉ dừng lại trong phạm vi giữa hai nước, bởi như tuyên bố của Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen, NATO đã lên sẵn những kế hoạch bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ vì quốc gia này là thành viên của NATO và sẽ có phản ứng nếu Thổ Nhĩ Kỹ yêu cầu được hỗ trợ.

Trên bình diện ngoại giao, trong tuần, ông Lakhdar Brahimi, đặc phái viên Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả Rập sẽ đến Syria và Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện nỗ lực cấp tốc hòa giải hai bên, nhằm ngăn ngừa một cuộc chiến tranh có thể bùng phát ở khu vực.

Theo Viết