Chiều 9/3, UBND thành phố Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2023. Đây là lần đầu tiên cuộc họp tổ chức trực tuyến đến 30 điểm cầu quận, huyện, thị xã trên địa bàn.
Tại cuộc họp, trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong về "chiến dịch" giành lại vỉa hè, lòng đường trên địa bàn, Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, theo kế hoạch đã công bố, Ban chỉ đạo 197 thành phố sẽ chia ra các giai đoạn, lộ trình thực hiện.
Theo ông Hải, sau giai đoạn điều tra cơ bản về lòng đường, vỉa hè, tuyên truyền, lực lượng chức năng kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm. "Điều quan trọng nhất là làm sao duy trì được, tránh tình trạng bắt cóc bỏ đĩa. Sau tập trung xử lý thì phải nâng cao ý thức của người dân, hình thành lại khái niệm về vỉa hè không phải là nơi kinh doanh, buôn bán. Vỉa hè là không gian công cộng, chỉ phục vụ người đi bộ, không phải nơi trông giữ phương tiện. Chúng tôi có kế hoạch cụ thể, đi đến đâu tuyên truyền đến đó, làm bền bỉ", ông Hải nói.
Cụ thể, về các giải pháp, ông Hải nêu, cùng với việc xử lý cứng rắn với người vi phạm, thành phố sẽ có giải pháp liên quan đến quy hoạch, sắp xếp lại các chợ cóc. Cùng với đó, với các hộ kinh doanh trà đá vỉa hè, sẽ có khảo sát, đánh giá, đề xuất giải toả các điểm ở các tuyến đường lớn, sắp xếp gọn gàng vào trong ngõ. Lực lượng chức năng cũng sẽ đề xuất thành phố sắp xếp, quy hoạch lại các điểm dừng, đỗ phương tiện.
"Thành phố sẽ làm thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ", ông Hải nói, đồng thời cho biết, đến nay, nhiều quận, huyện đã làm tốt, nhưng một số quận, huyện chưa vào cuộc một cách quyết liệt, có nơi còn bỏ trống, thụ động. Báo chí đã phản ánh, cần có chấn chỉnh để cùng vào cuộc thực hiện.
Theo ông Hải, trong "chiến dịch" đòi lại vỉa hè, công an thành phố có vai trò chính, tham mưu công tác thực hiện, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Thành phố cũng thành lập các đoàn kiểm tra, trực tiếp xuống các địa bàn kiểm tra, quay phim, chụp ảnh về đánh giá, xem xét trách nhiệm.
Về việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, có ảnh hưởng đến cuộc sống, mưu sinh của người lao động bám vỉa hè, lòng đường, ông Hải cho biết, qua đánh giá thực tế, số lượng người bám vỉa hè mưu sinh không nhiều. Hầu hết các cửa hàng kinh doanh lớn sẽ phải thực hiện gọn gàng vào phía trong; một số cửa hàng tạp vụ gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị thì phải quyết liệt xử lý, yêu cầu để hàng hoá gọn gàng, đúng quy định.
"Các trường hợp kinh doanh nhỏ lẻ, bán trà đá đang có tính toán tại các khu vực các ngõ để sắp xếp. Tuỳ thực tế các phường, các địa phương, nếu sắp xếp được thì thực hiện luôn", ông Hải nêu thêm.
Ông Hải cũng nêu, công an thành phố đã tham mưu lãnh đạo thành phố đề nghị nhiều sở, ngành cùng vào cuộc thực hiện nhiệm vụ này. Để tập trung cho việc chấn chỉnh, lấy lại lòng đường, vỉa hè, cần thiết, thành phố ban hành một Nghị quyết để thực hiện xuyên suốt, có lộ trình, thực hiện từng bước để đạt kết quả.
Theo Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, khi triển khai kế hoạch này, lãnh đạo Công an thành phố đã họp nhiều, đánh giá là phải "đối đầu" rất quyết liệt với hoạt động kinh doanh vỉa hè. "Nhưng khi kế hoạch ban hành ra, xác định phải làm. Có thể ngay lập tức thì chưa thành công, nhưng bền bỉ thực hiện công việc này thì sẽ thành công", ông Hải nói.