Từ khách sạn năm sao đến xóm chạy thận
Một quản lý của khách sạn De L’opera kể, khi lần đầu gặp các học sinh cấp ba đề cập được xin thức ăn thừa trong bữa buffet của khách sạn để đi làm từ thiện anh từ chối ngay. Thứ nhất vì sự “trẻ măng” của đối tác khiến anh ái ngại. Nhưng lý do quan trọng hơn, tất cả vấn đề liên quan đến thực phẩm của một bếp năm sao đều được kiểm soát rất gắt gao, thừa là bỏ. Chưa từng có trường hợp tái sử dụng bởi không ai biết trong quá trình đóng gói, vận chuyển có xảy ra sơ sót gì không, và do đó có thể gây ngộ độc thức ăn, ảnh hưởng đến uy tín của khách sạn.
Thông tin này được Trần Ánh Dương - học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Chủ tịch Hanoi Food Recused (HFR) thừa nhận. Không chỉ De L’opera, đa số các nhà hàng, khách sạn đều thẳng thừng từ chối khi nhóm học sinh đến “xin thức ăn”. “Cũng không phải vì họ tiếc. Sau đó chúng em phải mất một thời gian dài vận động, thuyết phục các nhà hàng này mới chịu cung cấp đồ ăn, với điều kiện có người của nhà hàng giám sát” - Dương cho biết.
Thế là bắt đầu từ cuối năm 2012, rất nhiều nhà hàng, khách sạn lớn ở Hà Nội như De L’opera, Handico, Dân Chủ, Sofitel Plaza, Trong Dong Palace… bắt đầu không bỏ thức ăn thừa mà đóng gói cẩn thận thành từng suất để trong ngày, những học sinh của nhóm HFR đem tặng đến tận tay những người nghèo ở xóm chạy thận Lê Thanh Nghị, Bạch Mai, Viện Nhi trung ương, Viện Bỏng quốc gia, Làng trẻ em Hòa Bình, Làng trẻ em SOS, Làng người nghèo ở Cống Vị, Vạn Phúc, Long Biên… Những suất ăn tưởng “bỏ đi” này lại trở thành món quà được mong đợi ở một nơi khác.
Nguyễn Thị Thanh Huyền (Thanh Hóa) kể: Khi đó em điều trị ở Viện Bỏng, nhận được một suất ăn năm sao mà nhớ mãi. Nó khác hẳn những thức ăn em từng biết. Hình thức cũng rất đẹp. Các cô ở đây hôm nào cũng chờ, vì đúng là đồ ăn khách sạn thì ngon hơn đồ ăn mua ở căng tin, hơn nữa lại miễn phí! Đỡ hẳn một khoản chi tiêu cho bệnh nhân nghèo.
Bà Nguyễn Thị Hà (Phú Thọ, bệnh nhân của xóm chạy thận) cho biết: Tuần nào tôi cũng mong mấy đứa đến. Được tặng suất ăn miễn phí đương nhiên là tốt, nhưng mà tôi còn mong trông thấy chúng nó nói cười vui vẻ. Xa nhà ở đây một mình, thấy các học sinh như thấy cháu mình, vui lắm!
Hanoi Food Rescue là tổ chức đầu tiên ở Hà Nội hoạt động về cứu trợ thực phẩm với mục đích tận dụng nguồn thức ăn không sử dụng còn nguyên về hình thức, chất lượng từ các nhà hàng, khách sạn... để giúp đỡ những người khó khăn đồng thời nâng cao ý thức cộng đồng về tiết kiệm lương thực, thực phẩm. Thành viên của nhóm là các học sinh THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội. Qua 7 năm hoạt động, HFR đã chuyển khoảng 70.000 suất ăn lấy từ các nhà hàng, khách sạn tới tay hơn 25.000 người nghèo.
Giảm lãng phí và bảo vệ môi trường
Cô Lê Thị Thảo (Hà Nội) cho biết: Khi con gái nói với chúng tôi muốn tham gia HFR tôi đồng ý song vẫn hơi lo vì việc trao tặng đồ ăn khá nhạy cảm. Mình có ý tốt nhưng nếu lỡ xảy ra vấn đề ngộ độc thực phẩm sẽ rất rắc rối. Cũng may, suốt hai năm cháu hoạt động ở HFR tôi chưa nghe có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra. Chúng tôi, những phụ huynh cũng bị các cháu ảnh hưởng, bớt lãng phí thức ăn, và nếu cần sẽ đi thay con gom và phát đồ ăn. Việc này nghe đơn giản nhưng khá mất thời gian, vào giai đoạn cuối kỳ, nhiều cháu vừa đi gom thức ăn vừa cầm theo sách giáo khoa để tiện trao đổi bài vở.
Một cựu thành viên của HFR chia sẻ, nhóm được thành lập từ năm 2012, đầu tiên không suôn sẻ. Phải đến năm 2013, với sự bảo trợ của REACH, một tổ chức phi Chính phủ và phi lợi nhuận chuyên đào tạo nghề và hướng nghiệp cho thanh niên Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn nhất, HFR mới được chính thức hoạt động như một dự án độc lập, chuyên nghiệp. Từ chỗ chỉ đi xin, phát cơm hai lần mỗi tuần, hiện HFR hoạt động 5 lần mỗi tuần. Từ việc phát thức ăn, hiện nay nhóm đã gây dựng được nhiều hoạt động từ thiện khác như: bán hàng gây quỹ để giúp trẻ em vùng cao, tổ chức Tết cho trẻ em nghèo hàng năm, tổ chức Trung thu cho trẻ em nghèo... dựa trên nguyên lý “lấy nơi thừa bù nơi thiếu”.
Hiện nay, một chương trình dài hơi hơn đang được các thành viên HFR theo đuổi là gây quỹ để mua hộp bã mía thay thế hộp xốp khi đựng đồ ăn.
Đại diện của HFR cho biết: Trước đây HFR sử dụng hộp xốp để đựng thức ăn vì hộp xốp rất tiện lợi, giá thành lại rẻ. Nhưng hộp xốp có rất nhiều tác hại tới sức khỏe, hơn nữa vì lâu phân huỷ nên tác hại của nó vô cùng lớn đối với môi trường và hệ sinh thái trên Trái đất. Bởi vậy từ cuối tháng 3 năm nay, Hanoi Food Rescue đã chính thức chuyển sang sử dụng hộp bã mía made in Vietnam. Hộp bã mía được chứng minh an toàn ngay cả khi đựng thức ăn nóng hoặc dầu trên 100°C, hơn nữa thời gian phân hủy nhanh. Nhưng giá thành hộp bã mía đắt gấp 3-4 lần so với một hộp xốp thông thường nên HFR cần sự đóng góp từ cộng đồng để việc đưa đồ ăn thường ngày được duy trì một cách thuận lợi nhất.
Hoạt động truyền cảm hứng
Từ hành động thu gom thức ăn thừa của nhóm HFR, rất nhiều tập thể, cá nhân đã tự đứng ra thu gom “đồ không dùng đến” để tặng người cần, nâng cao ý thức 3R (reduce- reuse- recycle; tiết giảm, tái sử dụng, tái chế) để bảo vệ môi trường.
Chị Nguyễn Thu Hồng (sáng lập nhóm Kẹo) chuyên thu gom bánh kẹo “ế”, bánh trung thu “ế” để đóng gói tặng trẻ em nghèo cho biết: mấy năm trước HFR có hoạt động này nhưng sau không làm nữa nên tôi kế nghiệp. Năm đầu chỉ riêng gom trong nhóm người thân, bạn bè chúng tôi đã thu được 300 gói kẹo, bánh sau Tết. Năm nay mở rộng hơn, số kẹo, bánh chúng tôi gom được gấp tám lần năm trước, phải dùng xe bán tải mới đủ chở đi. Kẹo bánh ở thành phố để chảy nước nhưng với trẻ em nghèo, nó là món quà xa xỉ.
Anh Trần Văn Tuấn (nhóm Tặng em niềm vui) cũng lấy ý tưởng từ HFR, theo đó, anh Tuấn lập fanpage thu gom sách, truyện, đồ chơi cũ của trẻ em thành phố, đem về phân chia, làm sạch và đem tặng trẻ em vùng núi. Hiện nay, hoạt động của anh Tuấn mở rộng đến cả việc thu gom đồ dùng trẻ em như: cũi, nôi, xe đẩy, giầy dép, ba lô... để tặng những bà mẹ nghèo. Nhóm ban đầu chỉ có hai người, hiện nay thu hút khoảng 40 tình nguyện viên với hơn 10 điểm nhận đồ quyên góp.
Tác giả Nguyễn Thị Lan (nhóm Được học) thì đứng ra “xin” giáo trình, sách giáo khoa, sách tham khảo, máy tính cũ để tặng lại học sinh nghèo. Dự án của chị Lan chạy được hai năm đã thu gom và tặng được 2.300 bộ giáo trình, 120 máy tính cũ, 345 bộ kim từ điển... Đáng nói, trong số những học sinh được “giúp sách” này, có nhiều em đã đỗ Đại học, Cao đẳng với số điểm cao. Hiện chị Lan cũng gây quỹ học bổng để giúp đỡ những học sinh này tiếp tục đến trường.
Mỗi năm, khoảng 1,3 tỷ tấn thức ăn bị lãng phí trên toàn thế giới. Số lượng này đủ nuôi sống cả 3 châu lục là châu Phi, châu Âu và châu Mỹ trong vòng 1 năm. Trái cây, rau củ, cá, ngũ cốc, trứng và sữa là các loại thực phẩm bị vứt bỏ nhiều nhất.
Việc lãng phí thực phẩm gây thiệt hại về kinh tế ước tính gần 100 tỷ USD, đồng thời lãng phí khoảng 250km3 nước để sản xuất số thực phẩm bị vứt bỏ này. Số nước này đủ lấp đầy 3 lần hồ Geneva, hồ nước ngọt lớn thứ 2 tại Trung Âu.
Ở các nước đang phát triển, lãng phí chủ yếu xảy ra trong quá trình sản xuất và lưu trữ thực phẩm, chiếm 54% lượng thức ăn bị lãng phí trên toàn thế giới. Con số này ở các nước phát triển là 46%. Sự lãng phí này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến môi trường.
(Thống kê của tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc FAO)