Đổi đời nhờ khoai lang

Đổi đời nhờ khoai lang
TP- Sự lan tràn của cơn bão tuột giá nông sản đang làm choáng váng thất vọng hàng triệu người trồng cao su, tiêu, điều, sắn, nhưng lại chưa hề hấn gì với nông dân vùng chuyên canh khoai lang.

Dăm năm trở lại đây, khoai lang không chỉ nổi lên như một loại sản phẩm xóa đói giảm nghèo, mà còn tạo ra nhiều triệu phú, tỉ phú nông dân mới.

Đổi đời nhờ khoai lang ảnh 1
Kiều Văn Sửu trên ruộng khoai

Những tỷ phú khoai lang

Nhân chuyến tham quan Đà Lạt tết năm 2002, kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Ngọc Quyền và chủ nhiệm HTX 19/5 Bùi Văn Lâm  đem bó hom khoai lang Ben Ni Azu Ma đầu tiên từ xã Phú Hội- Đức Trọng- Lâm Đồng về trồng thử trên đất Buk So (Tuy Đức, Đăk Nông).

Hóa ra giống khoai vỏ tím ruột vàng đặc biệt phù hợp khí hậu thổ nhưỡng nơi này, cho năng suất cao và chất lượng thơm ngon hơn hẳn khoai trồng ở nhiều nơi khác.

Nhóm chuyên gia nhà máy chế biến của Cty D.J.F (Nhật Bản) đặt tại Lâm Đồng sang khảo sát, đánh giá, nhất trí đầu tư và bao tiêu trọn gói cho các vườn khoai Đăk Buk So. Từ đó diện tích khoai lang trên cao nguyên bình độ 800 mét này không ngừng lan rộng.

Trưởng phòng kinh tế huyện Tuy Đức Nguyễn Ngọc Quyền đưa tôi đi thăm cánh đồng khoai của anh Kiều Văn Sửu, quê Hà Tây ở thôn 7 xã Quảng Tân.

Chống cán cuốc gạt mồ hôi, anh Sửu vui vẻ kể: “4 chú cháu nhà tôi mới từ huyện Ea Kar- Đăk Lăk sang đây thuê 3,2 ha đất của đồng bào M’Nông trồng khoai. Giá thuê 2 triệu đồng/ mẫu/ năm.

Trừ phân bón chi phí linh tinh, mỗi vụ đồng khoai cho lãi hơn 130 triệu đồng, chỉ vào hạng “tép riu” so với những triệu phú, tỉ phú khoai ở xã Đăk Buk So như Bùi Văn Lâm, Nguyễn Văn Khiển, Lê Văn Bình, Nguyễn Đông biết cách thâm canh khoai 3 vụ/ năm, có khi năng suất đạt tới 35-40tấn/vụ/ha.

Song thời buổi kinh tế khó khăn, trồng khoai chỉ 3 tháng 20 ngày đã thu về ngần ấy cũng đáng phấn khởi, ấm túi lắm rồi!”. 

Đăk Nông, số hộ trồng khoai thu tiền tỉ bây giờ lên đến hàng chục, số hộ trồng khoai thu tiền triệu lên đến hàng nghìn, và nhiều xã vùng sâu thuộc 2 huyện trọng điểm khoai lang Tuy Đức, Đăk Song đã giảm rất nhanh số hộ cần xóa đói giảm nghèo nhờ khoai lang.

Với một tỉnh còn đầy khó khăn do mới thành lập từ xuất phát điểm rất thấp như Đăk Nông, hiệu quả kinh tế đem lại từ khoai lang mấy năm qua thật đáng kể. Trong một hội thảo khoa học tầm quốc gia tổ chức mới đây tại thị xã Gia Nghĩa, UBND tỉnh Đăk Nông đổi món bồi dưỡng giữa giờ bằng đặc sản khoai lang luộc.

Hiệu quả bất ngờ. Tất cả đại biểu đều hào hứng thưởng thức vị khoai dân dã đậm bùi thơm ngọt, ấn tượng đẹp thêm về tình đất tình người Đăk Nông…

Cần được đầu tư bền vững

Ông Trần Đình Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, cho biết lãnh đạo địa phương đã giành không ít thời gian, công sức vào việc xây dựng thương hiệu cho khoai.

Khoai lang Đăk Buk So đã chọn được logo và đang trên đường xây dựng thương hiệu sáng giá đại diện cho khoai lang toàn tỉnh Đăk Nông, tương tự như cà phê Buôn Ma Thuột đã là thương hiệu uy tín đại diện cho cà phê tỉnh Đăk Lăk trên toàn thế giới.

Năm 2008, diện tích khoai lang huyện Tuy Đức có 718 ha với sản lượng khoảng 8,1 nghìn tấn. Thế nhưng từ huyện này mỗi năm trên dưới sáu vạn tấn khoai được bán qua Lâm Đồng, xuất sang Nhật, Singapore và Trung Quốc, bởi gần 36 nghìn tấn khoai trồng trên 3.213 hecta đất của huyện Đăk Song và hàng vạn tấn khoai trồng ở các huyện lân cận đều phải qua “ cửa” Đăk Buk So để xuất khẩu.

Không phải nơi nào cũng trồng được khoai lang. Khoai luôn cần đất mới ! Người xưa bảo: “Khoai đất lạ, mạ đất quen”, nếu khai thác quá mức, đất trồng khoai rất nhanh chóng bạc màu.

Số liệu khoai lang cung cấp từ phòng Trồng trọt sở NN&PTNT Đăk Nông cho thấy: năm 2008 toàn tỉnh trồng được 4.492 ha. Nơi diện tích khoai tăng nhanh đều là những vùng đất mới khai phá.

Ra đồng với nông dân, kỹ sư Quyền không quên dặn đừng trồng nhiều vụ khoai liên tiếp trên một chân ruộng, nên xoay vòng khoai- bắp- đậu để vừa có nguồn đạm bổ sung cho đất, vừa tận dụng được thân bắp thân đậu làm cốt vun giồng.

Một số tỉ phú khoai huyện biên giới Tuy Đức chịu khó rong ruổi đường xa tìm hiểu thị trường đã nhận ra thời của khoai không chỉ rực rỡ trên cao nguyên này. Dăm năm trở lại đây, khoai lang trở nên đắt hàng và được trồng đại trà ở nhiều tỉnh thành từ Nam ra Bắc.

Các tỉnh đồng bằng phía Nam có những đồng khoai cò bay thẳng cánh nhờ lợi thế phù sa đắp bồi làm mới đất sau từng vụ lũ. Chỉ riêng một huyện Bình Tân tỉnh Vĩnh Long- nơi có diện tích khoai lang lớn nhất ĐBSCL, đã trồng tới 3.500 ha khoai, sản lượng lên đến khoảng 50.000 tấn/năm. Trên cả nước, tổng diện tích trồng khoai lang gần ba mươi vạn hecta.

Điều đáng suy nghĩ: trồng nhiều như vậy nhưng phần lớn sản lượng khoai Việt Nam chỉ để xuất thô cho nước ngoài, vừa “ rụng rơi” lợi nhuận vừa bấp bênh đầu ra. Nông dân mình một nắng hai sương bán được mỗi ký khoai tuyển giá từ bốn đến sáu nghìn đồng tùy thuận hay trái vụ đã mừng lắm, có biết đâu qua công nghệ chế biến xuất khẩu, trị giá mỗi ký khoai vọt lên gấp hai mươi lần.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc  (FAO) gần đây đã nhận định:  Khoai lang là nguồn cung cấp tinh bột, đường, protein và vitamin cho con người. Trong củ khoai lang còn chứa một lượng đáng kể carroten là chất tiền vitamin A có tác dụng chống lại các bệnh về mắt… Do nhiều đặc tính ưu việt, khoai lang có vai trò đáng kể trong cuộc đấu tranh đẩy lùi sự thiếu hụt lương thực và suy dinh dưỡng, hai vấn đề cấp thiết trên thế giới hiện nay.

Đã có chủ trương tìm đối tác tin cậy để xây dựng nhà máy chế biến khoai lang xuất khẩu tại Tuy Đức, được như vậy nghề trồng khoai nơi đây sẽ thật sự bền vững, ngân sách sẽ có thêm nguồn thu. Nhưng bao giờ nhà máy mọc lên thì lãnh đạo địa phương còn dè dặt, chưa dám hứa chắc với nông dân…

MỚI - NÓNG