'Đổi đời' cho dân từ dạy chữ

TP - Chuyến công tác dọc tuyến biên giới Đắk Lắk mang lại cho chúng tôi cảm nhận rõ nét về sự hiện hữu của những người lính biên phòng trong từng nhịp thở của vùng biên cương “đa sắc tộc” này. Đó là sự trợ giúp nhiệt thành của họ khi đến với dân, cùng đồng bào xây dựng “luỹ thép biên cương”.
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea H’leo giúp dân xóa mù chữ. Ảnh: B.N

Biết con chữ nhờ Bộ đội Biên phòng

Ông Lang Văn Xuân(56 tuổi, ở xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) hồ hởi khoe với chúng tôi rằng nhờ có Bộ đội Biên phòng (BĐBP), ông đã biết con chữ. Ông Xuân là người dân tộc Thái, quê ở Thanh Hóa vào Đắk Lắk lập nghiệp từ đầu những năm 2000. Thuở nhỏ, gia cảnh nghèo khó, ông không được đi học. Bởi vậy, 54 năm qua, ông bị mù chữ. “Năm 2018, Đồn Biên phòng Ea H’leo mở lớp dạy học, nhờ vậy mà tôi biết chữ, tự tin hơn khi đi làm giấy tờ”, ông Xuân nói

Việc mở lớp xóa mù chữ xuất phát từ những lần người lính biên phòng gần gũi với dân. Xuống với dân, các anh phát hiện nhiều người phải điểm chỉ vào các loại giấy tờ do không biết chữ; một số người đi làm thuê bị tính sai tiền công hoặc bị trả thiếu tiền khi bán nông sản mà không biết. Ngay sau đó, BĐBP Đắk Lắk tổ chức mở các lớp xóa mù chữ. Sau 7 lần mở lớp, vùng biên có thêm 225 người dân biết chữ.

“Trước kia, tôi không được học đến đầu đến đũa, không biết tính toán. Nhờ lớp học của BĐBP tôi đã biết chữ, biết tính toán. Chúng tôi ở đây luôn quý mến tấm lòng và sự nhiệt tình của cán bộ biên phòng”.


Anh Hà Văn Bằng (ở xã Ia Lốp, huyện Ea Súp)

Khu vực biên giới Đắk Lắk có 4 xã thuộc 2 huyện Ea Súp và Buôn Đôn với hơn 22.000 người dân sinh sống, thuộc 24 thành phần dân tộc khác nhau. Hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, đất rừng chiếm diện tích lớn. Vào mùa khô, thời tiết nắng nóng, đất đai cằn cỗi, canh tác năng suất thấp. Tỉ lệ hộ nghèo còn hơn 53%. Đứng chân trên địa bàn có xuất phát điểm còn thấp như vậy, những người lính biên phòng Đắk Lắk luôn trăn trở, tìm cách giúp đỡ người dân gây dựng cuộc sống no đủ hơn.

Gặp và trò chuyện với nhiều người dân trên tuyến biên giới gian khó này, họ đều dành tình cảm trìu mến đối với những người lính quân hàm xanh. Suốt những năm qua họ được hỗ trợ sinh kế, làm nhà… Và cũng chính BĐBP trích tiền lương chăm sóc, nuôi dưỡng con em họ. Nhắc tới những người lính biên phòng, chị Lang Thị Sách (xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) không giấu được niềm vui kép của mình. Bà mẹ đơn thân này được cán bộ Đồn Biên phòng Ea H’Leo dạy cho biết chữ, giúp láng nền nhà xi măng. Không chỉ vậy, cô con gái của chị còn được các anh nhận đỡ đầu. “Mấy chục năm trời, bây giờ tôi mới biết viết được tên mình. Nhờ các chú biên phòng, tôi thêm vững vàng và tự tin”, chị Sách chia sẻ.

Xây dựng biên cương giàu mạnh

Những năm qua BĐBP Đắk Lắk đã triển khai nhiều dự án mang tính chiến lược, hiệu quả lâu dài trong việc giúp dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Nổi bật là việc huy động các nguồn lực xây dựng đập nước, làm đường với tổng trị giá gần 82 tỷ đồng nhằm phục vụ công tác giãn dân, di dân ra sát biên giới. Cùng với đó, BĐBP Đắk Lắk xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế như chăn nuôi nhím, vịt trời, bò, kỳ nhông, trồng gừng, xoài lai trái vụ, đu đủ Thái Lan, thanh long ruột đỏ… Điều mà nhiều người dân nơi đây biết ơn nhất là BĐBP giúp họ thực hiện mô hình trồng cây lúa nước, từ sản xuất 1 vụ thành 2 vụ trên cánh đồng 30ha tại buôn Drang Phốt, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.

Xã Ia Rvê, huyện Ea Súp được ví như là “hợp chủng quốc” bởi có tới 21 thành phần dân tộc trong khi dân số chỉ gần 6.300 người. Ông Cao Minh Lự, Chủ tịch UBND xã Ia Rvê cho biết: “Ia Rvê được thành lập từ năm 2006 với 14 thôn, bản. Từ khi thành lập đến nay, chúng tôi luôn nhận được sự giúp đỡ của BĐBP nên đã xây dựng và củng cố được hệ thống chính trị cơ sở. Đồn Biên phòng Ia Rvê đã bố trí 10 đảng viên về tham gia sinh hoạt tại các chi bộ, góp phần củng cố các tổ chức quần chúng, xây dựng nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế.Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đã ổn định”.

Theo đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy BĐBP Đắk Lắk, 20 năm qua, lực lượng biên phòng tỉnh đã  huy động các nguồn lực xây dựng 24 công trình dân sinh, một nhà văn hóa cộng đồng, 102 “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”; đỡ đầu 42 học sinh, nhận nuôi 4 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và tặng 102 xe đạp cho học sinh nghèo; phối hợp xây dựng và bàn giao 64 căn nhà tình nghĩa thuộc chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” cho các hộ gia đình chính sách. Các đồn biên phòng còn làm hàng chục giếng khoan cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, phối hợp với địa phương sửa sang, làm mới gần 60km đường giao thông liên thôn…