> 'Đặc nhiệm' ở Trường Sa
> Cận cảnh đặc nhiệm diễn tập chống khủng bố
BIỆT ĐỘI “NGƯỜI NHÁI”
Khuất lấp trong rừng phi lao ven bờ vịnh biển Phan Rang (Ninh Thuận), các tổ đội chiến đấu viên đội chống khủng bố (đội 12) hăng say luyện tập. Đánh đối kháng, phòng ngự, tấn công nhanh, luồn sâu vào các vị trí địch tập kích, bất ngờ áp đảo địch đổ bộ lên bờ... Từng thế võ đặc công được áp dụng thành thạo, tạo thành bài quyền thế mang tính sát thương cao nhất. Thiếu úy Nguyễn Đức Mạnh, Đội trưởng đội 12 (Lữ đoàn ĐC 5) bảo: Đặc thù thế đánh vùng biển cát, đòi hỏi chiến đấu viên phải có thể lực dẻo dai, bền bỉ, rắn rỏi, bản lĩnh. Trên con thuyền giữa vịnh, các tổ tốp thao diễn bài chống khủng bố, cướp biển, đánh chiếm mục tiêu. Sóng lớn, tàu chòng chành, bước chân người lính vẫn dẻo dai, trụ vững, ra đòn đầy uy lực.
“Chủm”, một đặc công nước cùng khí tài xé màn nước biển, nhanh chóng lặn sâu xuống, mất hút dưới chân sóng. Vịnh biển Phan Rang yên ả, bỗng xuất hiện hàng chục mái đầu nhấp nhô, đội mũ bảo hộ đen xì “lổm nhổm” mặt nước. Bằng vài dây dẫn, buộc phao tự chế, cả đội đi thành hàng dọc, hoàn toàn không sử dụng bất kỳ thiết bị dưỡng khí nào. “Họ mới bơi được gần chục km, còn 5-6km nữa mới hoàn thành một bài tập ngắn” - Thiếu tá Lê Quốc Ngự, Liên đội trưởng Liên đội 3 (Lữ đoàn ĐC 5) nói. 39 tuổi, thiếu tá Ngự rắn rỏi, khuôn mặt sạm đen, ánh mắt anh đăm đắm chỉ đạo thao luyện. Quê Hải Phòng, năm 1994, Ngự nhập ngũ Quân khu 3, học lên lớp sĩ quan ĐC. Gần 15 năm về Lữ đoàn ĐC 5, qua nhiều vị trí, thiếu tá Ngự trở thành người đặc biệt của lực lượng đặc biệt “người nhái”. Sở hữu thế võ đặc công vào loại “thượng thừa”, thiếu tá Ngự còn nổi tiếng nhờ khả năng bơi không biết mệt. Giữa đêm, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, Ngự như “thanh thép nguội” ngâm mình hàng chục giờ đồng hồ, bơi gần 20 cây số. “Chưa có cuộc thi nào để tính khả năng bơi xa nhất của mỗi chiến sĩ, nhưng tôi tin không chỉ mình mà nhiều người có thể bơi hàng chục cây số”, thiếu tá Ngự nói.
Theo thiếu tá Ngự, vào đặc công đã khó, vào “người nhái” càng khó hơn. Không chỉ thành thạo thế võ đặc công, sức khỏe bền, chạy dài, chạy vũ trang, mỗi chiến sĩ đặc công nước phải qua bài khổ luyện khắc nghiệt, hỗ trợ tiền đình. “Hàng trăm ứng viên, nhưng chỉ lựa chọn cho được trên dưới chục người cho đội đặc nhiệm “người nhái”.
“Quý hồ tinh, bất quý hồ đa” - Thượng tá Hoàng Văn Kiên, Phó chính ủy Lữ đoàn 5 chia sẻ.
VƯỢT SÓNG TRƯỜNG SA
Đêm, biển trời Trường Sa đen kịt. Thấp thoáng ánh đèn leo lắt từ phía quần đảo đang bị địch đánh chiếm trái phép. Trung úy Hoàng Nghĩa Sỹ (quê Nghĩa Đàn, Nghệ An)- Mũi trưởng đội 3, cùng đội người nhái âm thầm bơi vượt sóng tiếp cận mục tiêu. Các trụ gác đều có địch canh phòng cẩn trọng. Cả biệt đội “người nhái” kiên trì chờ thời cơ suốt 20 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau. Lợi dụng sự sơ hở, Trung úy Sỹ như một con rái cá thoát trườn vào bờ rồi mất hút vào lùm cây. Chỉ tích tắc, anh đào được hố cát, chui mình lọt thỏm, lộ 2 con mắt theo dõi. Tình thế thuận lợi, anh ám hiệu để đội người nhái cùng tập kích, bí mật tuyệt đối hoàn thành nhiệm vụ.
Đây chỉ là một trong hàng loạt tình huống “thử lửa” người nhái ngay trên thao trường thực tế Trường Sa. Hơn một tuần trở về sau lần diễn tập Trường Sa, toàn thân anh Sỹ đỏ rực, nhiều vết da bong tróc. “Ngâm dưới nước hay nằm trong cát nóng cả ngày, da như bị “nấu chín”, dễ bị tổn thương”, Trung úy Sỹ nói.
Lần tổng diễn tập cùng Hải quân Vùng 4 bảo vệ Trường Sa mới đây, Lữ đoàn ĐC 5 được giao nhiệm vụ khó nhằn: ngay trong đêm đột kích được lên đảo. Thiếu tá Lê Quốc Ngự kể: Cả đêm, anh em ngâm mình dưới nước lạnh tái, kiên trì nghe ngóng tình hình. Mọi sinh hoạt phải thích nghi thời gian dài nhằm thám thính để đổ bộ. Dù “đối phương” nêu cao cảnh giác nhưng với khả năng xuất quỷ nhập thần, 6 “người nhái” đột nhập lên đảo, được chỉ huy Bộ Quốc phòng khen thưởng “nóng”. 4 lần tham gia trực tiếp huấn luyện ngoài Trường Sa, lần nào với thiếu tá Ngự cũng là sự trải nghiệm quý giá: “Thời tiết, sản vật biển (nhím, sứa lửa), địa hình, thủy triều... là mối nguy hại thường trực, khiến anh em dễ bị thương. Nếu bị sứa lửa đốt, cả tuần chưa hết bỏng rát”. Nhớ lần diễn tập 2009, đội hành quân trong điều kiện sóng giật cấp 5-6, biển động mạnh. Theo thiếu tá Ngự, sóng càng to, lặn càng sâu vừa dễ đi, không lộ bí mật, lại an toàn.
Lần đầu huấn luyện Trường Sa 2006, Đại úy Nhữ Văn Chính (Chính trị viên Liên đội 3) lúc đó đang là Mũi trưởng Người nhái không quên ám ảnh màn biển đêm Trường Sa đen kịt, mặt nước khi bị tác động tạo thành lân tinh xô dồn như bị bao vây tứ phía bởi thủy quái. Một mình giữa biển nước mênh mông, tâm sinh lý bị đảo lộn. “Đặc công đòi hỏi bản lĩnh riêng của cán bộ chiến sĩ, và Trường Sa là nơi thể hiện bản lĩnh đó”, Đại úy Chính nói. Tác chiến vùng biển lạ, lặn dưới độ sâu hàng chục mét, khiến “người nhái” dễ bị san hô, vật cản đâm. Trường hợp đứt tay chảy máu, cá mập sẽ ngửi được mùi tanh và tìm tới. Điều đáng ngại nhất là sự thay đổi đột ngột về áp suất và nhiệt độ nước ở vùng biển lạ khiến huyết áp của người nhái bất thường... Mỗi lần đến với Trường Sa, anh Chính càng thêm ấn tượng về tuyến đảo tiền tiêu ngày một khang trang, vững vàng nơi đầu sóng. Khác Trường Sa, đặc thù vùng nhà giàn DK dòng chảy lớn, luồng lạch phức tạp, ví trị tiếp cận mục tiêu hạn hẹp... gây khó khăn cho bài diễn tập. Đại úy Chính kể: chân nhà dàn dài 1m, nếu không tập trung thì khó tiếp cận và dễ bị đánh trả. Qua nhiều lần thao luyện, hiện thế đánh DK đã hoàn hảo, hiệu quả cao nhất. “Gặp anh em cán bộ chiến sĩ nhà giàn, ai cũng vui vẻ nồng ấm. Mình thấy ở đơn vị huấn luyện vất vả, ở nhà giàn mọi người còn vất vả hy sinh hơn. Ai cũng thêm quyết tâm vì vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc”, Đại úy Chính nói.
Từng là cán bộ hải quân “biên chế” sang đặc công, thiếu tá Nguyễn Hồng Song (Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn ĐC 5) thông thạo mọi luồng lạch Trường Sa. Tốt nghiệp học viện Hải quân, năm 1994, Song được giao trọng trách Phó thuyền trưởng tàu HQ936 (vùng 4 Hải quân), tàu vận tải Trường Sa. Những chuyến ngược xuôi khắp các đảo được thiếu tá Song tích lũy kinh nghiệm ít ai có được. Khi Binh chủng ĐC có tàu ngầm, thiếu tá Song chuyển sang đoàn 126 ĐC nhận tàu ngầm, giữ chức thuyền phó. Kinh qua nhiều vị trí, đơn vị, vị cán bộ ĐC đặc biệt này luôn gắn đời mình với những con tàu trinh sát, vận tải bảo vệ Trường Sa. Gần chục năm trước, đảm trách Hải đội phó, rồi giữ chức Hải đội trưởng Hải đội 4 (lữ đoàn ĐC 5), thiếu tá Song trực tiếp tổ chức biên đội tàu thần tốc tham gia diễn tập Trường Sa. “Phần lớn đợt diễn tập ngoài Trường Sa vào cuối năm, thời tiết hay mưa bão, lạnh để thử sức chiến đấu anh em trong mọi tình huống. Điều đáng tự hào là tinh thần, khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển đảo luôn trực giác, cơ động ở mỗi cán bộ, chiến sĩ”, Thiếu tá Song nói.
Xuống nước để “thử lửa” ý chí
Ở đơn vị đặc công nước nhưng “đầu vào” Lữ đoàn 5 lại có đến 80% chiến sĩ chưa biết bơi. Theo thượng tá Hoàng Văn Kiên, kỹ thuật có thể luyện được, nhưng ý chí, bản lĩnh là điều quyết định. Cứ xuống nước sẽ biết ý chí anh đến đâu. Môi trường huấn luyện ở đây khắc nghiệt nhất trong bất kì đặc công nào. Đại úy Nguyễn Tiến Dũng, Đội trưởng Đội 11 “Người nhái” kể: Hết tập bơi trên cạn bằng việc đắp ụ cát, luyện thao tác bơi giữa cái nắng rát, chiến sĩ luyện bơi 3-5 tiếng đằm mình dưới nước mỗi ngày. Phải trải qua khổ luyện “ép nhái”, tăng, giảm áp suất tạo nên khí nén cực lớn sẽ tác động lên toàn bộ cơ thể. Thương tích không còn là điều hiếm. Đặc biệt, trường hợp Trung úy Lê Văn Cu (sinh năm 1984, quê huyện Ninh Hải, Ninh Thuận), huấn luyện diễn tập mang mật danh BV12, thực hiện nhiệm vụ lặn sâu nhiều giờ liền trong thời tiết giá lạnh. Lúc hoàn thành nhiệm vụ, anh Cu bất ngờ ngất lịm và hy sinh sau đó. Cuối tháng 6/2013, anh được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là liệt sĩ.