Đời chó đua

Đời chó đua
TPX -  Ở Việt Nam trường đua chó duy nhất là ở TP Vũng Tàu. Chó đua ở Vũng Tàu là loại hình thể thao thi đấu giải trí do Cty Dịch vụ thi đấu thể thao giải trí (SES) tổ chức kinh doanh.
Đời chó đua ảnh 1

Giống chó đua Greyhound không có ở Việt Nam mà được nhập về từ Úc với giá khoảng 2.000 USD/con. Sân vận động Lam Sơn (TP Vũng Tàu) là nơi diễn ra các trận đua chó vào tối thứ Bảy hàng tuần.

Tiêu chuẩn ăn cao hơn cả HLV

Theo tài liệu, cuộc đua chó chính thức đầu tiên được tổ chức tại Norfolk Anh năm 1776. Hiện môn thể thao đua chó đã tương đối phổ biến. Chó đua được huấn luyện rất kỹ và chuyên nghiệp.

Trung tâm (TT) huấn luyện chó đua BR-VT ở TX Bà Rịa của SES được xếp vào loại lớn (10ha) thiết kế để có thể phục vụ đến 1.500 chó đua. Chuồng trại ở đây được xây dựng theo từng dãy, các dãy ngăn ra nhiều chuồng riêng biệt nhốt từng con.

Mỗi chuồng có diện tích rộng 4m2 được chia làm hai, một nửa ngoài trời để chó tắm nắng và vệ sinh. TT có bếp ăn riêng cho chó, hồ bơi tạo dòng, đường tập chạy thẳng, đường tập chạy tròn, khu vật lý trị liệu và “vui chơi giải trí”… dành cho chó.

Từ chỗ chỉ nhập khẩu, tới nay SES đã tự gây giống đàn chó đua (từ 90 con tới nay đã có gần 700 con). Chó con được chăm sóc đặc biệt tới tháng thứ 10 đạt trọng lượng trên 20kg, chó được ở biệt lập và bắt đầu bước vào cuộc sống “vận động viên” với chế độ luyện tập nghiêm ngặt.

Chó 12-13 tháng tuổi phải luyện chạy theo giáo án. Tháng thứ 14-15 là chó chính thức ra đấu trường.

Khi chó có dấu hiệu bị bệnh, HLV đưa ngay lên phòng y tế cho bác sĩ kiểm tra sức khỏe. Khẩu phần ăn của chó đua mỗi ngày có hai bữa chính và phụ. Bữa phụ ăn vào buổi sáng gồm thực phẩm khô, chuối trái và 100gr thịt Kangaroo nhập từ Úc.

Bữa chính ăn vào buổi chiều, gồm 500gr thịt Kangaroo và 350gr thực phẩm khô trộn bằng nước xương bò. Tiền ăn hàng ngày của chó đua cao hơn cả khẩu phần và tiền ăn của HLV.

Chế độ ăn uống và chăm sóc y tế rất tốt nhưng giữa năm 2004, hàng loạt chó đua ở đây đã bị chết vì bệnh sỏi thận, nguyên nhân được xác định là do thức ăn khô nhập về từ Thái Lan không đảm bảo chất lượng, khiến trường đua Vũng Tàu phải đóng cửa 8 tháng liền.

Vinh quang và nghiệt ngã

Đời chó đua ảnh 2

Trước ngày đưa lên xe chở đến trường đua, chó được các bác sỹ tuyển chọn chỉ lấy 90 con vào đội tuyển. Những con chọn đi thi đấu được massage tối đa, được kiểm tra bằng siêu âm, laser, được chích vitamin tổng hợp, băng móng chân và chỉ cho ăn bữa phụ.

Ra tới trường đua, chó được đưa vào phòng lạnh chờ đến lượt, mỗi vòng đua như vậy có 8 con tranh tài.

Không giống như đua ngựa, đua chó không chia theo hạng cân, tùy theo thành tích của vòng đua trước, người ta sắp xếp những con chó có thành tích ngang nhau để đua với nhau.

Đầu tiên chó đua ở hạng C, sau đó sẽ lên hạng B, rồi đến hạng A, rồi AA, và rồi đến AAA… Mỗi khi một con chó lên hạng có nghĩa là nó sẽ đua ở một vòng đua nhanh hơn và ngược lại, sau một vài thành tích kém cỏi nó sẽ bị đẩy xuống hạng, sự cổ vũ của khán giả dành cho nó cũng bị giảm theo.

Ông Tạ Quốc Việt, Thư ký Phó TGĐ Cty và ông Nguyễn Văn Linh, huấn luyện viên trưởng cho biết, TT huấn luyện chó đua BR-VT có 70 nhân viên, 2/3 trong số này là HLV. Chó và huấn luyện viên rất gắn bó với nhau.

Đặc biệt giống chó Greyhound rất thân thiện với con người. Những nhân viên TT huấn luyện chó đua đều không ăn thịt chó. Những con chó không có khả năng trở thành VĐV không bị giết thịt, mà TT biếu có điều kiện cho những hộ dân quanh khu vực sau khi chó đã hoạn nhằm tránh việc lai và nhân giống.

Nhưng trong vòng hai năm trở lại đây không hiểu sao không có người dân nào vào TT “xin” chó  Greyhound nữa?!

Do không ăn thịt, cũng không bán thịt chó và cũng không thể nuôi “báo cô” những chú chó không đạt tiêu chuẩn VĐV, TT huấn luyện đành cho chúng một mũi Putsleep - một loại thuốc mê cực mạnh để hóa kiếp cho chúng.

Đối với những VĐV chó đua thì nghiệt ngã hơn. Trong quá trình đua bị gãy chân hay bị thương, bác sĩ thú y dùng băng ca đưa chó vào phòng lạnh, có những VĐV chó bị Putsleep ngay nhưng cũng có những VĐV được đưa về TT huấn luyện.

VĐV chó nào bị kết luận: Không có khả năng trở lại đường đua coi như cũng là bản án tử hình được thi hành tức thì dù chúng chẳng tội tình gì.

Đối với những VĐV chó đang trên bục vinh quang cũng vậy, chúng được đặt cho những cái tên thật đẹp như “Chim Ưng, Dũng Mãnh, Khổng Tước, Cát Linh” nhưng khi đã tụt hạng không còn khán giả ủng hộ sẽ không được đưa ra đường đua.

Những con chó gắn bó với HLV nhiều năm không được ra đua, chúng rất buồn. Khi HLV dẫn chúng đi, chúng không hiểu rằng sẽ phải nhận án tử hình… Nhiều HLV không cầm nổi nước mắt khi con chó mà mình dày công chăm sóc, huấn luyện bị đối xử như vậy nhưng không thể nào khác.

Những con chó sau khi chết đi, “quan tài” của chúng là những bao bố đựng thức ăn hàng ngày cho chính nó. Chúng được chôn khu nghĩa địa chó nằm cuối TT huấn luyện nơi chúng sinh ra và trưởng thành.

Cũng có HLV vì yêu thương con chó của mình đã làm cho nó một tấm bia, rồi cỏ dại mau chóng mọc trùm lên và người ta cũng mau chóng quên lãng nó.

Nghĩa địa chó đua ở TT huấn luyện chó Bà Rịa là nơi yên nghỉ của trên 300 VĐV chó đua từng góp vui cho nhiều du  khách tới TP Vũng Tàu vào chiều thứ 7 và nghĩa địa này sẽ còn là cõi yên nghỉ của nhiều VĐV chó đua khác.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.