Đồi Capitol bối rối trước kế hoạch của hải quân Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
Hải quân Mỹ mới đây công bố kế hoạch mới nhất về phát triển hạm đội tàu chiến của lực lượng này đến năm 2045, khiến nhiều nghị sĩ tại Đồi Capitol không khỏi bối rối.

Theo trang mạng Breaking Defense, kế hoạch xác định đến năm 2045, hải quân Mỹ sẽ phát triển “lực lượng lai” gồm hơn 350 tàu có người lái, khoảng 150 tàu không người lái và gần 3.000 máy bay. Trên cơ sở số lượng cụ thể từng loại tàu chiến mà hải quân Mỹ muốn sở hữu vào năm 2045 theo kế hoạch, trang mạng USNI News cho biết, con số hơn 350 tàu có người lái chính xác phải là 373 chiếc, trong đó có 12 tàu ngầm hạt nhân lớp Columbia, 12 tàu sân bay, 66 tàu ngầm tấn công lớp Virginia. Đối với khoảng 150 tàu không người lái, hải quân Mỹ “vẫn đang định hình”.

Trong khi đó, gần 3.000 máy bay sẽ là sự kết hợp của 1.300 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 với các máy bay tiêm kích thuộc Chương trình "Chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo" (NGAD-được cho là có thể bao gồm máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 có người lái kết hợp với các biến thể không người lái khác), 900 máy bay trực thăng, máy bay tuần tra biển, máy bay trinh sát cùng 750 máy bay hỗ trợ.

Đồi Capitol bối rối trước kế hoạch của hải quân Mỹ ảnh 1

Các tàu chiến của hải quân Mỹ tham gia một cuộc tập trận hồi tháng 6/2022. Ảnh: defense.gov

Trang mạng The Maritime Executive đánh giá kế hoạch mới nhất nói trên tương tự như kế hoạch “Lực lượng chiến đấu 2045” mà Lầu Năm Góc dưới thời Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper từng đề ra cho hải quân nước này. Theo đó, cần tới khoảng 150 tàu không người lái để đạt con số hơn 500 tàu vào năm 2045 so với con số hơn 290 chiếc như hiện nay.

“Việc tập trung vào cơ cấu lực lượng tới năm 2045 sẽ tác động tới những quyết định và khoản đầu tư quan trọng nhất của hải quân trong thập niên sắp tới. Tôi cho rằng sẽ mất một, hai thập niên chúng ta mới có được “lực lượng lai” cần thiết để tác chiến theo cách chúng ta muốn. Ngành công nghiệp đóng tàu của chúng ta không có khả năng đóng số lượng tàu nói trên trong một khoảng thời gian ngắn”, trang mạng USNI News dẫn lời Đô đốc Mike Gilday, Tham mưu trưởng hải quân Mỹ nhấn mạnh.

Theo kế hoạch mới nhất, hải quân Mỹ muốn loại biên “những di sản” được cho là “không còn vai trò tại những vùng biển cạnh tranh”. Trang mạng The Maritime Executive cho rằng, trong “những di sản” ấy có các tàu tác chiến ven bờ lớp Freedom và các tàu tuần dương lớp Ticonderoga.

“Hải quân Mỹ giờ đây phải đề ra một con đường phát triển bền vững để bảo đảm chúng ta vẫn là lực lượng tác chiến trên biển đáng tin cậy mà đất nước cần trong tương lai. Cho “những di sản” không còn vai trò tại những vùng biển cạnh tranh “về vườn” và đầu tư vào những năng lực chúng ta cần cho tương lai là vấn đề rất quan trọng đối với an ninh quốc gia”, kế hoạch nêu rõ.

Kế hoạch của hải quân Mỹ dự kiến sẽ rất tốn kém. Theo Đô đốc Gilday, việc vừa hiện đại hóa vừa tăng quy mô lực lượng đòi hỏi ngân sách dành cho hải quân Mỹ phải tăng thường xuyên khoảng 3-5% trên cơ sở điều chỉnh theo mức lạm phát thực tế.

Trong trường hợp Quốc hội Mỹ “không tìm thấy nguồn tài chính để bảo đảm ngân sách thực sự tăng”, hải quân Mỹ cũng đã có “kế hoạch B”. Đó là “ưu tiên hiện đại hóa hơn so với duy trì cơ cấu lực lượng”. Nói cách khác, theo trang mạng The Maritime Executive, hải quân Mỹ khi đó có thể một mặt phải nâng cấp nhưng mặt khác lại phải giảm quy mô hạm đội tàu chiến.

Không lâu sau khi kế hoạch được công bố, các nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng chỉ trích hải quân nước này vì liên tục thay đổi số liệu về hạm đội tàu chiến tương lai. Theo Hạ nghị sĩ Mike Gallagher thuộc Ủy ban Quân vụ của Hạ viện Mỹ, câu hỏi “hải quân Mỹ cần bao nhiêu tàu để ngăn chặn và trong trường hợp cần thiết là giành chiến thắng một cuộc chiến” vốn rất đơn giản.

Thế nhưng, hải quân Mỹ lại không thể đưa ra một câu trả lời “trực tiếp và nhất quán” cho Đồi Capitol. “Việc hải quân Mỹ gửi cho Quốc hội tới 4 câu trả lời khác nhau chỉ riêng trong 3 tháng vừa qua gây bối rối và điều quan trọng là chỉ khiến họ nhận được ít sự ủng hộ hơn”, Hạ nghị sĩ Gallagher viết trên trang mạng xã hội Twitter.

Phản ứng của Hạ nghị sĩ Gallagher không khỏi khiến dư luận liên hệ tới báo cáo thường niên mà hải quân Mỹ gửi Đồi Capitol hồi tháng 4/2022. Trong báo cáo, hải quân Mỹ đưa ra tới 3 kịch bản phát triển hạm đội tàu chiến trong tương lai.

Theo đó, đến tài khóa 2052, hải quân Mỹ sẽ sở hữu tổng cộng 316 tàu theo kịch bản thứ nhất, 327 tàu theo kịch bản thứ hai và 367 tàu theo kịch bản thứ ba. Báo cáo nhận định rằng hai kịch bản đầu tiên là dành cho trường hợp “ngân sách không thực sự tăng” và kịch bản thứ ba xảy ra khi “ngân sách thực sự tăng thêm 75 tỷ USD”.

Trang mạng Breaking Defense cho biết, trả lời báo chí, Đô đốc Gilday đã giải thích sự khác biệt giữa kế hoạch mới công bố và báo cáo gửi Quốc hội Mỹ hồi tháng 4/2022. Đô đốc Gilday khẳng định kế hoạch nhằm cho Đồi Capitol thấy được “những yêu cầu tác chiến” của hải quân trong khi báo cáo “là để xem xét năng lực của ngành đóng tàu và ngân sách của chính phủ”!

Theo Quân đội Nhân dân
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.