Đốc thúc phía Trung Quốc cung cấp lai lịch tàu cá Trung Quốc 11209

TP - Chiều 6/7, Luật sư Đỗ Pháp- Trưởng văn phòng Luật sư Đỗ Pháp (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) - đại diện pháp lý vụ khởi kiện tàu cá Trung Quốc 11209 đâm chìm tàu cá ĐNa 90152TS của bà Huỳnh Thị Như Hoa (Thanh Khê, Đà Nẵng), cho hay: Hơn 1 tuần qua văn phòng ông gửi văn bản đề nghị đại sứ quán Trung Quốc phối hợp cung cấp lai lịch tàu cá Trung Quốc 11209, nhưng nước này vẫn chưa có hồi âm.

Ông Pháp gửi văn bản đến Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị hỗ trợ. Dự kiến tháng 7 này, luật sư Pháp trực tiếp làm việc với cơ quan hữu trách tại Hà Nội để đốc thúc việc truy tìm lai lịch tàu cá Trung Quốc 11209, hoàn chỉnh hồ sơ khởi kiện ra TAND TP Đà Nẵng.

Theo ông Pháp, Việt Nam và Trung Quốc đã có Hiệp định tương trợ tư pháp, hiệp định nghề cá. Chiếu theo điều khoản này, Trung Quốc phải có trách nhiệm cung cấp thông tin lai lịch tàu cá 11209 của nước mình; đồng thời có biện pháp đưa bị đơn tới TAND TP Đà Nẵng. Nếu tống đạt hợp lệ mà bị đơn vẫn vắng mặt, theo quy định Luật Tố tụng, trên 2 lần vắng mặt không lí do, tòa án sẽ quyết định đưa vụ án ra xét xử vắng mặt. Khi đó, bị đơn sẽ phải chấp nhận những phán quyết của tòa án.

Theo Luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) – Việc đâm chìm tàu cá Đà Nẵng, tông hư hại hàng loạt tàu Quảng Ngãi, Đà Nẵng, bắt giữ 6 thuyền viên Quảng Ngãi... liên tiếp thời gian gần đây của phía Trung Quốc, cho thấy Trung Quốc đang bất chấp và phớt lờ thiện chí giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình của Việt Nam; vừa ngang ngược xâm chiếm vùng biển Việt Nam, vừa leo thang, cổ súy cho các hành vi “cướp biển” thô bạo đối với các ngư dân Việt Nam.

Theo Luật sư Lê Cao, các hành vi này ở khía cạnh dân sự có thể coi là hành động cướp biển, khủng bố, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, giết người… Theo pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà chúng ta đã tham gia thì các cá nhân thực hiện hành vi có dấu hiệu phạm tội hình sự nêu trên sẽ được bắt giữ và xử lý.

Hiện nay, chúng ta có cơ sở pháp lý là các văn bản như: UNCLOS, Luật Biển Việt Nam (có hiệu lực từ 1/1/2013) cho đến Hiệp định Hợp tác Khu vực về chống nạn cướp biển và cướp có vũ trang các tàu thuyền ở châu Á năm 2004 (ReCAAP). Do đó, chúng ta có quyền thực thi các quyền của mình đối với các hành vi ngang ngược gây hại cho ngư dân Việt Nam. Đồng thời, buộc Trung Quốc bồi thường các thiệt hại đã gây ra.

MỚI - NÓNG