> K+ sẽ chia sẻ bản quyền Ngoại hạng Anh cho các đài khác?
Các cổ động viên phản đối K+ độc quyền Ngoại hạng Anh tại trận đấu giữa ĐTQG Việt Nam và Arsenal trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình tối ngày 17/7/2013. Ảnh: Nhật Minh (ICT News). |
Phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng của Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC sáng 18/7/2013, ông Hoàng Lê Sơn – Giám đốc công ty VTC Digital kiến nghị, Bộ TT&TT cần xem xét ban hành quy định quản lý giá dịch vụ truyền hình. Quy định này nhằm đảm bảo các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền phải hạch toán độc lập, kiểm soát việc bù chéo, phá giá dịch vụ. Đồng thời quy định việc mua bán bản quyền sự kiện, nội dung truyền hình của nước ngoài, chống độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh.
Theo phân tích của ông Sơn, hiện nay trên thị trường truyền hình trả tiền đang xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Biểu hiện rõ nét nhất, một số đơn vị truyền hình trả tiền đã có chính sách bán thiết bị dưới giá vốn, bán dưới giá dịch vụ. Đặc biệt hơn là có một số đơn vị lớn mua độc quyền nhiều chương trình truyền hình của nước ngoài, đã đẩy giá bản quyền lên cao hơn rất nhiều so với giá trị thực trong bối cảnh kinh doanh của họ lại thua lỗ nặng.
Cụ thể, ông Sơn nhấn mạnh tới việc K+ mới thông báo tiếp tục độc quyền bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh trong 3 mùa giải tới. Nếu độc quyền mà kinh doanh có lãi thì không vấn đề gì, nhưng K+ đang lỗ rất nặng (theo thông tin trên báo chí là lên tới trên 1.400 tỷ đồng), nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mua bản quyền ngoại hạng Anh lên tới gần 40 triệu USD, trong khi K+ cũng chỉ đang phục vụ một nhóm nhỏ khách hàng mà thôi. Và nếu nhà nước không can thiệp cứ để các đài mua bán tự do bản quyền thì giá bản quyền những mùa giải sau không biết sẽ đẩy lên đến đâu.
Điểm quan trọng nữa, vấn đề bản quyền truyền hình ở Việt Nam lại không do người Việt Nam quyết định. Việc các đơn vị lớn mua độc quyền các sự kiện, chương trình truyền hình với giá cao, chấp nhận thua lỗ kéo dài làm cho môi trường kinh doanh dịch vụ truyền hình có xu hướng xấu đi, ảnh hưởng đến toàn xã hội.
"Việc độc quyền nhìn dưới nhiều góc độ đều" hỏng". Doanh nghiệp phải chấp nhận mức giá rất cao để mua bản quyền và chịu thua lỗ, Nhà nước khó quản lý và điều tiết được vấn đề bản quyền, đa số người dân không được hưởng lợi. Các nhà báo thể thao của các đài không có bản quyền sẽ không có vật tư để sản xuất các chương trình. Và vấn đề độc quyền đang có dấu hiệu ngày càng leo thang", ông Sơn nói. Vì vậy ông Sơn đề nghị, nhà nước cần sớm ban hành quy định để điều tiết thị trường truyền hình trả tiền, chống độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh.
Liên quan đến vấn đề K+ độc quyền phát sóng Ngoại hạng Anh mùa giải tới, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho rằng "đây là bức xúc của cả xã hội". Hiện Bộ TT&TT đã nhận được rất nhiều đơn thư, ý kiến của người dân, của các bộ, ngành và các bậc lão thành phản ánh về vấn đề này. Bộ TT&TT đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu để đảm bảo có cơ chế cạnh tranh lành mạnh trong việc mua bản quyền phát sóng truyền hình nói chung và Ngoại hạng Anh mùa giải tới nói riêng.
"Về mặt quản lý nhà nước sẽ có điều tiết để đảm bảo vị thế của Việt Nam trên "sân nhà". Bởi nếu không cẩn thận sẽ có tình trạng vì lợi ích nhóm, một số người để cho người nước ngoài quyết định hoàn toàn vấn đề bản quyền ở nước ta. Họ chấp nhận thua lỗ mua bản quyền với giá cao, trong khi người dân không được hưởng thụ, gây bức xúc cho toàn xã hội", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu.
Theo Minh Quyên
ICT News