Dọc miền chân sóng - Kỳ cuối: Chồng chất nỗi niềm

Mặc dù thuyền bè phải gác bờ, nhưng ngư dân vẫn không muốn bỏ biển, hay chuyển nghề.
Mặc dù thuyền bè phải gác bờ, nhưng ngư dân vẫn không muốn bỏ biển, hay chuyển nghề.
TP - Sau niềm vui ban đầu khi tội ác đối với môi trường biển được phơi bày ra ánh sáng, ngư dân lại đối mặt với sự thật tàn nhẫn: Biển đã bị nhiễm những hóa chất cực độc, hệ sinh thái biển gần bờ đã bị tổn hại nặng nề. Điều đó cũng có nghĩa sẽ kéo theo vô số hệ lụy, nỗi lo chồng chất khi mà cuộc sống của họ phải đối mặt với những ngày dài đầy khó khăn phía trước.

Canh cánh nỗi lo về sức khỏe

Ngay sau ngày công bố nguyên nhân cá biển chết dạt bờ hàng loạt, người dân xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đã yêu cầu lãnh đạo xã này tổ chức hội nghị để người dân đề đạt ý kiến, nguyện vọng của mình lên các cấp chính quyền. Trong 7 đề xuất của người dân Cảnh Dương được lãnh đạo xã này tổng hợp lại, thì đề xuất được khám sức khỏe cho nhân dân, xem họ có bị nhiễm độc do ăn cá, lặn biển hay không được nhiều ý kiến đề đạt nhất.

Theo ông Phạm Đình Tiến, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, đề nghị được khám sức khỏe của người dân là chính đáng. Vì những ngày đầu cá chết, người dân không hề hay biết cá nhiễm độc nên vẫn vô tư thu gom, vô tư đánh bắt, vô tư ăn cá, vô tư lặn biển. Giờ biết được đích xác nguyên nhân cá chết nên mọi người lo lắng, liệu có bị nhiễm độc, nhiễm kim loại nặng? Nếu có thì điều trị ra sao, ở đâu, có ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe hay không? Tổn hại khó đo đếm ấy ai phải chịu trách nhiệm?

Không chỉ xã Cảnh Dương mà người dân nhiều địa phương khác ở Quảng Bình, khi biết đích xác nguyên nhân cá chết, cũng là lúc họ biết chắc, tự mình đã vô tình đưa chất độc vào cơ thể khi lỡ ăn phải cá nhiễm độc trong những ngày đầu thiếu thông tin. Em Nguyễn Thị Hồng, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch kể: “Thấy cá tấp vô bờ cứ tưởng là cá động nên gia đình cháu cứ ăn, sau mới biết cá bị nhiễm độc. Bọn cháu ăn cả tháng rưỡi rồi nên giờ rất lo”.

Rơm rớm nước mắt, anh Trần Xuân Phúc, xã Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy lo lắng cho mấy đứa nhỏ con anh: “Đây thuộc vùng sâu vùng xa, mãi sau mới biết tin cá nhiễm độc thì mấy đứa nhỏ lỡ ăn cá hết rồi, giờ không biết như thế nào nữa. Người lớn thì sao cũng được, chứ mấy đứa nhỏ, không biết có ảnh hưởng lâu dài hay không? Chúng tôi đang rất hoang mang”.

Bà Nguyễn Thị Lài, Bí thư chi bộ thôn Đồng Dương, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, cho biết: “Những ngày đầu cá mới chết, không ai là không ăn cá, mọi người còn chọn cá rạn (cá tầng đáy) để ăn cho ngon, rồi còn mang biếu. Tôi nghe nói, ăn cá nhiễm kim loại nặng, có thể không chết ngay nhưng ảnh hưởng sức khỏe về lâu dài. Ngành y tế cần có sự vào cuộc, tiến hành khám, kiểm tra sức khỏe cho người dân miền biển xem lỡ ăn cá bị nhiễm độc trong một thời gian như vậy có ảnh hưởng gì không để dân đỡ hoang mang, lo lắng”.

Dọc miền chân sóng - Kỳ cuối: Chồng chất nỗi niềm ảnh 1

Ngư dân đối mặt với hệ sinh thái gần bờ bị hủy diệt.

Sinh kế lâu dài mờ mịt

Là tỉnh nằm ngay đầu nguồn xả thải của Formosa, với bờ biển dài 116 km, Quảng Bình chịu thiệt hại nặng nề do thảm họa môi trường gây ra. Sự cố môi trường biển đã làm cho hoạt động khai thác thủy hải sản, du lịch, dịch vụ đình trệ, đời sống, việc làm, thu nhập của nhân dân sống dựa vào biển hết sức khó khăn. Người dân đang bế tắc cho hướng làm ăn mới. Theo thống kê sơ bộ, Quảng Bình thiệt hại 4.000 tỷ đồng và hệ lụy do môi trường biển bị ô nhiễm vẫn còn tiếp tục kéo dài.

Là địa phường chịu thiệt hại nặng nề nhất, Quảng Bình đã mở nhiều hội nghị bàn giải pháp khắc phục hậu quả của sự cố môi trường biển, trong đó tính đến chuyện chuyển đổi nghề nghiệp, sinh kế cho người dân, nhưng xem ra khó khả thi. Hầu hết ngư dân cho rằng, biển không chỉ là nơi để kiếm kế sinh nhai mà đã trở thành một phần máu thịt trong đời sống văn hóa tâm linh của những người dân miền biển.

 Để rời xa biển, với họ là điều khó có thể chấp nhận. Chị Đào Thị Tám, ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới khẳng định: “Chúng tôi không muốn nhận bồi thường để chuyển đổi nghề nghiệp. Chúng tôi muốn biển sạch, bản thân tôi và người dân muốn tự mình làm ăn bằng nghề truyền thống của cha ông”.

Ngư dân Trần Đức Nghĩa ở xã Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy cho rằng: Việc hỗ trợ chuyển nghề từ lộng sang khơi cho các xã bãi ngang có 3 điều bất khả thi. Một là, người dân đã quen với phương thức đánh bắt gần bờ, giờ mà ra khơi đánh bắt không có kinh nghiệm sẽ không hiệu quả, thậm chí đánh đổi cả tính mạng. Hai là, ngư dân bãi ngang thường nghèo, ít vốn, trong lúc để đóng thuyền bè vươn khơi, tối thiểu phải mất 5 tỷ đồng. Nếu cho không cả 5 tỷ chưa chắc ngư dân đã dám làm chứ đừng nói đến vay ngân hàng? Ba là, người dân bãi ngang ra biển bằng đường bộ, do không có sông lạch, nay đóng tàu to thì neo đậu ở đâu?

Dọc miền chân sóng - Kỳ cuối: Chồng chất nỗi niềm ảnh 2

Ông Trần Đức Nghĩa và con trai (Ngư Thủy Nam) lo lắng cho sinh kế lâu dài khi biết biển đã bị nhiễm độc.

Không chỉ bất khả thi chuyển từ lộng sang khơi đối với các xã bãi ngang, mà ngay cả các địa phương có cửa sông, cửa lạch cũng khó chuyển đổi. Ông Nguyễn Trường Sơn, xã Bảo Ninh, một trong những địa phương có nghề biển mạnh nhất Quảng Bình cho biết: Nghề đánh bắt xa bờ rất vất vả và khắc nghiệt, ngoài kinh nghiệm ngư trường, kinh nghiệm đánh bắt…, không có sức khỏe thì không làm được.

Theo ông Sơn, tuổi nghề cho đánh bắt xa bờ chỉ dưới 50 tuổi, còn trên 50 là hi hữu.“Ngư dân làm nghề biển là gắn bó cả đời, trẻ có việc của trẻ, già có việc của già, ai cũng phải nai lưng ra mà làm để duy trì cuộc sống. Như tui đây, thời trai trẻ đánh bắt xa bờ, khi không còn đủ sức thì cùng anh em bạn già sắm chiếc thuyền đi lộng. Cứ chiều này đi thì sáng mai về, bình thường kiếm ngày vài ba trăm, lúc trúng thì cũng vài ba triệu. Giờ mà nói chuyển nghề khơi, quá hơn đánh đố chúng tôi” - ông Sơn nói.

“Chúng tôi không muốn nhận bồi thường để chuyển đổi nghề nghiệp. Chúng tôi muốn biển sạch, bản thân tôi và người dân muốn tự mình làm ăn bằng nghề truyền thống của cha ông”. 

Chị Đào Thị Tám

Bà Nguyễn Thị Diến, chủ vựa muối lớn nhất xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch lo lắng về việc chuyển đổi nghề nghiệp: “Dân làng tui bao đời làm muối, giờ biết chuyển nghề chi cho phù hợp đây. Chẳng qua đói thì đầu gối phải bò đi làm thuê làm mướn thôi, nhưng ai cũng mong biển sạch trở lại để quay về nghề cũ”.

Ông Phạm Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho rằng việc chuyển đổi nghề cho người dân cũng phải làm nhưng thực sự khó khăn. Người dân bao đời quen với nghề nghiệp của mình rồi, giờ bảo họ đi làm một nghề khác thì rất khó. Không chỉ khó đối với ý thức người dân mà ngay cả nguồn lực để chuyển đổi nghề cũng khó.Theo ông Dũng, nếu nói đến chuyện chuyển nghề thì người trẻ còn có hi vọng, chứ trung niên trở lên là rất khó. Đi biển xa cũng cần người trẻ, xuất khẩu lao động cũng cần người trẻ, có tay nghề. Còn như diêm dân, nghề biển họ không quen, xuất khẩu lao động làm muối thì không ai nhận, ruộng đồng thì không còn để chuyển sang sản xuất nông nghiệp.

Hầu hết ngư dân đều mong muốn cần có giải pháp quyết liệt và cấp bách để biển sạch trở lại cho họ quay về nghề cũ. Tuy nhiên, khi Formosa còn đó thì ẩn họa ô nhiễm biển luôn cận kề. Bởi ngư dân không tin vào cái cúi đầu xin lỗi và các cam kết bảo vệ môi trường của lãnh đạo doanh nghiệp này.

Ông Nguyễn Văn Tý, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới nói: “Chúng tôi không tin Formosa. Nếu họ thực tâm thì họ đã nhận ngay từ đầu việc cá chết là do họ, chứ không đợi các cơ quan chức năng điều tra ra, họ mới nhận. Nếu cầu thị, thì họ đã không đổ chất thải rắn khắp Hà Tĩnh và bị phát giác như những ngày vừa qua. Sự gian dối của Formosa, kết hợp với những cán bộ tắc trách, hám lợi như cái ông giám đốc công ty môi trường Kỳ Anh thì khó dám bảo biển, rừng sẽ sạch. Chúng tôi lo cho mình một lo cho tương lai con cháu mười...”.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.