Độc lập và Chủ quyền

Độc lập và Chủ quyền
TP - Nhân ngày Quốc khánh đánh dấu Tết Độc lập lần thứ 66, các nhà nghiên cứu cùng Tiền Phong trao đổi về độc lập và chủ quyền dân tộc trên cả 3 lĩnh vực lãnh thổ - lãnh hải, kinh tế và văn hóa.

> Việt Nam không bao giờ nhượng bộ vô nguyên tắc về chủ quyền

“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” - Tuyên ngôn độc lập, đọc tại lễ Quốc khánh 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” - Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại lễ Quốc khánh 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình.

Nhà sử học Bùi Thiết:

“Không được im lặng khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm”

Nhà sử học Bùi Thiết, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu lịch sử giá trị, suy ngẫm về độc lập chủ quyền đất nước xưa và nay:

Ngày Quốc khánh 2-9 gợi nhớ đến câu nói bất hủ của chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đó là một chân lý, xét từ góc độ của mỗi con người, mỗi gia đình. Nhà mình không thể để hàng xóm vào làm chủ được, mỗi người phải có không gian sinh tồn riêng độc lập. (Dĩ nhiên độc lập phải đi kèm với tự do hạnh phúc mới có ý nghĩa). Một quốc gia cũng thế. Thời đại ngày nay, vấn đề chủ quyền lãnh thổ cần được quốc tế hóa, minh bạch hóa, công luận hóa, công khai hóa sự việc.

Nhà sử học Bùi Thiết.
Nhà sử học Bùi Thiết. .
 

Nhưng làm thế nào để không mất độc lập, chủ quyền? Bởi khi mất mới đòi thì phức tạp hơn nhiều.

Theo tôi giữ độc lập chủ quyền dân tộc là vấn đề sống còn, dĩ nhiên lại là vấn đề khó. Lịch sử Việt Nam luôn đặt ra câu hỏi làm thế nào để giải quyết mối quan hệ giữa mình với mình và mình với người bạn láng giềng phương Bắc. Muốn giữ được mình, muốn bảo vệ chủ quyền và độc lập dân tộc thì phải có lập trường và những biện pháp cần thiết.

Các triều đại lịch sử, vua chúa Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền rõ ràng, không úp mở. Khẳng định chủ quyền một cách kiên quyết, nhưng quan trọng là trong cách ứng xử phải dĩ bất biến ứng vạn biến. Dù bất luận thế nào, khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm thì không được im lặng. Về hành động, phải cương quyết. Giữa hành động và cách ứng xử luôn phải có sự kết nối.

Trong lịch sử một khi trên dưới một lòng, cả dân tộc chung một ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền thì đất nước sẽ đánh bại bất cứ kẻ thù xâm lược nào. Theo ông, nếu một khi độc lập, chủ quyền bị đe doạ thì có cần một Hội nghị Diên Hồng?

Tôi nghĩ Hội nghị Diên Hồng là cần thiết nhưng nên thay bằng một hình thức khác, đó là công luận. Hãy thăm dò, điều tra dư luận xem người dân bày tỏ thái độ như thế nào, cách ứng xử thế nào khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm. Tại sao có thể tổ chức để cả nước bình chọn ca sỹ nào hát hay nhất mà những việc quốc gia đại sự như thế, mình lại không làm được?

TS Nguyễn Sĩ Dũng
TS Nguyễn Sĩ Dũng.

TS Nguyễn Sĩ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:

“Bảo vệ chủ quyền và độc lập dân tộc- cần sự chung sức, chung lòng”

Ngẫm về chủ quyền và độc lập dân tộc trong bối cảnh đất nước hiện nay và thời đại toàn cầu hóa, tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng nói:

Muốn bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia, cái chúng ta cần có đầu tiên là sự chung sức, chung lòng. Trong một xã hội ngày càng dân chủ hơn, thì những chính kiến khác nhau là chuyện khó tránh khỏi. Điều quan trọng là chúng ta phải ngồi lại được với nhau để bàn bạc và thống nhất ý kiến, thống nhất ý chí và hành động. Không gì bất hạnh hơn bàn về tình yêu đất nước lại chia rẽ chúng ta!

Ngoài ra, kết hợp sự cháy bỏng của con tim với sự tỉnh táo của khối óc là rất cần thiết. Chúng ta sẽ hùng mạnh hơn nếu tận dụng được các xu thế của thời đại, các lợi ích đan xen nhau trong thế giới ngày nay.

Thưa tiến sỹ, chủ quyền và độc lập dân tộc được bảo vệ còn bằng sức mạnh kinh tế. Trong thời đại toàn cầu hóa, Việt Nam phải làm gì để có được sức mạnh đó?

Chúng ta cần có một chiến lược phát triển đúng đắn, bắt đầu bằng việc phát huy thế mạnh và khắc phục những điểm yếu của con người Việt Nam. Những việc sau đây rất cần thiết: cải cách thể chế để có một nền quản trị quốc gia minh bạch, hiệu quả; cải cách giáo dục và y tế để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước để có một nền kinh tế ổn định.

Suy cho cùng, trong thế giới toàn cầu hóa, chúng ta cạnh tranh với thế giới là cạnh tranh về phẩm chất, tri thức và kỹ năng của con người. Không đầu tư cho con người, chúng ta không bao giờ thắng cuộc.

Làm chủ ngư trường, ngư dân được mùa cá ngừ đại dương. Ảnh: Xuân Trường
Làm chủ ngư trường, ngư dân được mùa cá ngừ đại dương. Ảnh: Xuân Trường.
 

Chúng ta muốn độc lập trong kinh tế, nhưng thực tế cho thấy trên sân toàn cầu, Việt Nam vẫn chưa phải là người quyết định luật chơi, mà thường bị lệ thuộc và o ép?

Độc lập trong kinh tế chỉ là một khái niệm tương đối. Vấn đề là chúng ta phải tham gia vào sự phân công lao động quốc tế và phải vươn lên giành lấy những mắt xích có giá trị cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Chúng ta chưa phải là người quyết định luật chơi, nhưng sau khi gia nhập WTO, chúng ta có thể góp phần hình thành nên những luật chơi mới công bằng hơn. Ngoài ra, điều quan trọng là phải học hỏi và tập luyện để thành thạo những luật chơi đã hình thành từ trước.

GS Phạm Đức Dương
GS Phạm Đức Dương.
 

GS Phạm Đức Dương - Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hoá phương Đông:

“Phải đề cao chủ quyền về văn hóa: Phải có GDP trong văn hóa"

Giáo sư Phạm Đức Dương - Viện trưởng Viện nghiên cứu Phương Đông cho hay bảo vệ chủ quyền và độc lập trong văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế là điều mang tính chất sống còn. Giáo sư Dương nói:

Ngày 2-9 là một mốc son lớn trong lịch sử, chúng ta đã giành được độc lập với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Trong hai cuộc kháng chiến chống Mỹ, ý thức về chủ quyền và độc lập dân tộc được nung nấu và thể hiện rất rõ.

Tôi nghĩ trước đó và sau này, không ai có thể xây dựng được mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc như Bác Hồ. Tiếp nối truyền thống ngoại giao của cha ông, Bác Hồ đã ứng xử với phương châm: Xây dựng quan hệ hoà hiếu; Giữ vững tinh thần độc lập. Bác Hồ đã làm cho người Trung Quốc chấp nhận cách ứng xử của Bác.

Không những khẳng định độc lập chủ quyền về mặt lãnh thổ, Bác Hồ cũng đặc biệt quan tâm đến chủ quyền và độc lập trong lĩnh vực văn hóa, xây dựng một nền văn hóa, một lối sống của thời đại Hồ Chí Minh. Hầu hết các thành viên Chính phủ lúc ấy đều là những nhà văn hóa.

Nội các ấy, với những nhà văn hóa ấy cũng đã làm cho văn hóa lan tỏa. Cho dù có những người giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Tư pháp, nhưng họ làm theo động lực của văn hóa và giúp cho xã hội phát triển cân bằng…

Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, văn hóa Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị xâm lấn, nhưng chúng ta dường như chưa đề cao vấn đề bảo vệ chủ quyền và độc lập trong lĩnh vực văn hóa?

Chúng ta mới đặt vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ chứ chưa nói đến chủ quyền văn hóa. Phải đề cao chủ quyền về văn hóa. Trong khi đó mất văn hóa là mất tất cả. Một nghìn năm Bắc thuộc, người Việt không bị đồng hóa vì giữ được nền văn hóa của mình. Tôi tham gia Ban lý luận của Trung ương Đảng về văn hóa và nhận thấy rằng chúng ta chưa có kinh nghiệm giao lưu và phát triển văn hóa trong hòa bình, hội nhập.

Trong hoàn cảnh đối đầu thì ý thức về chủ quyền rất rõ, nhưng khi chuyển sang đối thoại, cùng tồn tại hòa bình, đa phương, đa chiều, người Việt Nam có cơ hội tiếp xúc với tất cả các nền văn hóa, thì đó là một vấn đề mới chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Khi mở cửa sẽ có cả gió lành lẫn gió độc tràn vào nhưng tôi nhận thấy sức đề kháng văn hóa của chúng ta đang yếu đi mà chưa được đánh giá đúng, chưa được quan tâm đúng mức.

Bây giờ người ta quá đề cao những giá trị vật chất mà ít coi trọng những giá trị tinh thần. Việt Nam lại lâm vào nghịch cảnh của xu thế chung: Khoa học phát triển, đời sống vật chất ngày càng cao thì đạo đức xuống cấp. Chúng ta có GDP trong kinh tế, nhưng không có GDP trong văn hóa.

Tăng trưởng đầu người về văn hóa rất khó lượng hóa, nhưng những chỉ số về tội phạm, về tệ nạn xã hội, về những lối hành xử thiếu văn hóa thì thống kê được, và cho thấy một sự đi xuống về văn hóa. Như thế làm sao chúng ta chống đỡ nổi những cuộc “ngoại xâm” về văn hóa?

Thưa giáo sư, để chống lại cuộc ngoại xâm về văn hóa, cần phải làm gì?

Văn hóa không phải là một cái xe hiện đại, đổ đầy xăng, lặp sẵn lộ trình và cứ thế tiến vào tương lai mà là cả một cuộc tranh đấu. Văn hóa cần sự vun trồng, tưới tắm, cần có những bộ lọc cho sự bồi đắp lắng đọng. Khi giao lưu văn hóa dễ hỗn loạn nhưng cần bình tâm, tôi cho rằng người Việt Nam dẫu có thay đổi vẫn là người Việt Nam.

Điều quan trọng là người Việt phải hình thành được một bản lĩnh văn hóa, lòng tự tôn, tự hào dân tộc. Ông cha ta đã phải đối diện với những cuộc ngoại xâm văn hóa phương Bắc, nhưng nhờ bản lĩnh văn hóa đã tiếp thu những điểm phù hợp của văn hóa nước người, làm giàu cho văn hóa dân tộc mà vẫn giữ được bản sắc.

Trong tư duy phát triển, phải luôn xem văn hóa là động lực, điều tiết sự phát triển của xã hội. Như thế, những giá trị nhân văn sẽ được, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc sẽ bồi đắp, xã hội phát triển cân bằng giữa vật chất và tinh thần, chúng ta hoàn toàn hóa giải được những cuộc xâm lăng về văn hóa.

“Ba bài học về độc lập và chủ quyền của ngày 2-9”

Tôi nhận thấy có ba bài học về chủ quyền và độc lập dân tộc của ngày Quốc khánh 2.9. Bài học thứ nhất chính là phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Độc lập, tự do là cái bất biến, còn để bảo vệ được độc lập, tự do, thì phải vạn biến.

Bài học thứ hai là phải tập hợp được đồng minh, phải phân loại được kẻ thù, loại bỏ được kẻ thù nguy hiểm bằng những sách lược ngoại giao khôn khéo, để không phải cùng một lúc phải đối mặt với quá nhiều kẻ thù.

Bài học thứ ba là phải phát huy được tinh thần yêu nước, giữ nước của người dân. Vì hai chữ “độc lập” có sức khơi dậy lòng yêu nước và tập hợp người dân lớn nhất”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG