Độc, lạ ở Israel

Binh sĩ Israel ở Jerusalem. Ảnh: Minh Trang.
Binh sĩ Israel ở Jerusalem. Ảnh: Minh Trang.
TP - Trên nền trang trại cam năm nào mọc lên gần chục ngôi nhà 1 tầng bằng đá đơn sơ, nhỏ nhắn, bên trong dán, vẽ đủ hình đầy vẻ hù dọa như ninja, mặt nạ phòng độc, còng số 8, tội phạm bị FBI truy nã… Các chuyên viên, nhà quản lý công nghệ thông tin ở nhiều nước phải bỏ ra cả núi tiền mới được vào đây “nhập trại”, giam mình trong những căn phòng đầy tranh ảnh xì-tin, màn hình máy tính…

Tấn công - phòng thủ mạng

Ở Tel Aviv, trước khi đi xe buýt vượt 45km tới thành phố Hadera để thăm một startup (doanh nghiệp khởi nghiệp) công nghệ thông tin (CNTT) được thành lập năm 2013 với tên gọi CyberGym, chúng tôi cứ nghĩ đó phải là một cơ sở hoành tráng với trang thiết bị hiện đại. Đến nơi, thấy cỏ xanh mơn man, bạch đàn cao vút khắp nơi, dăm bảy ngôi nhà nhỏ nằm rải rác. Cô gái tròn trịa phụ trách đối ngoại của CyberGym giới thiệu, khu đất cây cối xanh um này xưa kia trồng cam, giờ đây “trồng người” chuyên về bảo mật hệ thống.

Độc, lạ ở Israel ảnh 1 Ông Rami Efrati hiện làm chủ 3 doanh nghiệp khởi nghiệp. Ảnh: Minh Trang.

Ông Ofir Hason, người sáng lập, giám đốc điều hành Công ty CyberGym, dẫn chúng tôi vào từng ngôi nhà có gắn biển xanh, biển đỏ trên tường để tận mắt chứng kiến sự nghiệp “trồng người” nơi đây. Cơ sở vật chất và nhân lực được chia làm 3 đội: xanh, đỏ và trắng. Đội xanh (khách hàng), gồm các nhà quản lý, chuyên viên CNTT của cơ quan chính phủ, doanh nghiệp học cách bảo vệ hệ thống của mình bằng cách xác định, khống chế các cuộc tấn công mạng, phản ứng theo thời gian thực, áp dụng chiến lược phòng thủ mới để chống các đợt tấn công trong tương lai, thay đổi chính sách và thủ tục bảo mật để giảm thiểu thiệt hại tiềm năng… Đội đỏ gồm, các thành viên kỳ cựu của đơn vị tình báo mạng 8200 thuộc Lực lượng Phòng vệ Israel – IDF (tức Bộ Quốc phòng). Họ có nhiệm vụ tổ chức các cuộc tấn công mạng trong đời thực, phù hợp với nguy cơ cụ thể hệ thống của khách hàng như hệ thống cung cấp điện, dịch vụ thẻ tín dụng, mạng lưới tàu điện ngầm… Đội đỏ, Đội xanh tấn công, phòng thủ như thật dưới sự giám sát của Đội trắng (trọng tài) gồm, các cựu binh của IDF và Cơ quan An ninh Quốc gia Israel. Cuộc rượt đuổi trên mạng như vậy (có sự phân tích, phân xử của Đội trắng) thường kéo dài một tuần và khách hàng phải trả cho CyberGym 100.000-300.000 USD.

Ông Hason nói, các cơ sở huấn luyện của CyberGym đã có mặt ở Trung Đông, châu Âu và ông ấn tượng với thị trường CNTT phát triển nhanh của Việt Nam. “Tôi đã đến thăm Việt Nam mấy năm trước. Hy vọng sắp tới sẽ trở lại đất nước các bạn với nhiều điều mới”, ông nói.

Độc, lạ ở Israel ảnh 2 Ngôi nhà dành cho Đội xanh của CyberGym (ảnh lớn); Ông Ofir Hason - người sáng lập CyberGym (ảnh nhỏ). Ảnh: Minh Trang.

Kết nối nhà đầu tư và startup

Một ngày sau khi thăm CyberGym, chúng tôi lên đường tới thánh địa Jerusalem - nơi tất cả nhà ở, văn phòng, cửa hàng… được xây bằng đá trắng ngà hoặc bằng các vật liệu khác nhưng đều có đá ốp ngoài. Xe dừng trước một tòa nhà ốp đá không có điểm gì nổi bật so với những công trình kiến trúc xung quanh, nhưng bước vào bên trong, chúng tôi “ồ” lên thích thú. Tuy là trụ sở công ty, nơi làm việc 2 tầng, nhưng chúng tôi có cảm giác thật gần gũi, thân thiện. Cây xanh trên bàn,vạn niên thanh bò trên tường. Nếu không có máy tính, máy chiếu trong phòng thì nơi đây trông khá giống quán café.

Ông Josh Wolff, Phó chủ tịch Công ty OurCrowd phụ trách các hoạt động toàn cầu, đưa danh thiếp cho khách đến thăm. Chúng tôi ấn tượng với mặt sau của danh thiếp. Trên nền xanh dịu mắt nổi bật hàng chữ trắng – một câu nói của huyền thoại công nghệ Steve Jobs. “Không phải là lòng tin vào công nghệ. Đó là lòng tin vào con người”. OurCrowd ra đời năm 2013 nhờ một ý tưởng rằng, việc xây dựng các startup sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn khi cộng đồng có được cơ hội đầu tư ở cấp độ vốn đầu tư mạo hiểm. Hiện nay, OurCrowd là nền tảng gọi vốn từ cộng đồng (crowdfunding) hàng đầu Israel. Thông qua OurCrowd, các nhà đầu tư cá nhân tiếp sức cho những đổi mới, sáng tạo làm thay đổi phương cách con người làm việc, đi lại, mua sắm, chữa bệnh, kinh doanh…

OurCrowd phân loại, đánh giá chi tiết từng dự án khởi nghiệp, biến mình thành cầu nối trực tuyến giữa chủ startup và nhà đầu tư. Đến nay, OurCrowd có 9 chi nhánh ở 4 châu lục và cộng đồng OurCrowd gồm hơn 20.000 nhà đầu tư đến từ 112 nước, ông Wolff giới thiệu.

Quốc gia khởi nghiệp

Mỗi năm có hơn 1.000 startup ra đời ở Israel. Những năm gần đây, nhiều công ty nước ngoài (chủ yếu có trụ sở ở Mỹ) rót vốn và mua các startup của Israel với tổng số tiền hàng chục tỷ đô la. Theo nhiều quan chức và chuyên gia CNTT của Israel, sự hấp dẫn của ngành công nghệ cao nước này đến từ 6 yếu tố chính, gồm đổi mới, sáng tạo bắt nguồn từ IDF; chủ nghĩa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp; sự hiện diện của hãng công nghệ toàn cầu; nhiều nhà đầu tư mạo hiểm năng động; hệ sinh thái tư vấn tăng trưởng mạnh và chính sách ưu đãi của chính phủ. Thông qua Cơ quan Sáng tạo Israel, chính phủ hỗ trợ chi phí nghiên cứu phát triển (R&D) của mỗi startup với tỷ lệ từ 20% đến 50%, thêm 10% đối với các dự án R&D được thực hiện ở một số khu vực nhất định. Dù có dân số tương đối nhỏ (khoảng 8,8 triệu), nhưng Israel có mức chi cho R&D cao thứ nhì thế giới, chỉ sau Hàn Quốc.

Trao đổi với một số quan chức cấp cao của IDF và nhiều tướng tá đã nghỉ hưu (trong đó có giáo sư Issac Ben Israel -Giám đốc Trung tâm nghiên cứu mạng liên ngành Blavatnik, ĐH Tel Aviv, ông Rami Efrati - cựu lãnh đạo bộ phận dân sự-tư nhân thuộc Cơ quan An ninh mạng Israel), chúng tôi được biết, để có đội ngũ chuyên gia CNTT hùng hậu, Israel rất chú trọng công tác đào tạo từ trên ghế nhà trường và trong môi trường quân ngũ. Học sinh phổ thông được khuyến khích theo học môn an ninh mạng và môn này là một trong các môn thi tự chọn khi thi tốt nghiệp cấp ba. Israel có chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc, cứ đủ 18 tuổi trở lên là phải đi lính. Trong đám tân binh đông đảo ấy, Israel chọn ra những người giỏi hoặc có tố chất về an ninh mạng để đào tạo, nâng cao tay nghề.

Khi đã đào tạo, bồi dưỡng tương đối, các đơn vị liên quan trực thuộc IDF sẽ hỏi học viên giờ thích làm gì, thích học cao lên nữa, lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ hay thích ra ngoài làm cho khu vực tư nhân, hoặc mở công ty riêng? Học viên có thể ra ngoài làm một vài năm rồi trở lại lực lượng. Khi tích lũy đủ kinh nghiệm, một số ra ngoài ngành, khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT, đặc biệt là an ninh mạng. Chủ  startup có thể đầu vẫn xanh mướt hoặc râu tóc đã bạc phơ. Đại tá (đã nghỉ hưu) Rami Efrati, cựu quan chức Cơ quan Không gian mạng Israel, hiện làm chủ 3 doanh nghiệp khởi nghiệp ở tuổi ngoài 70, thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, sử dụng điện thoại di động Israel được mã hóa, có độ bảo mật cao, giá 17.000 USD.

“Không phải là lòng tin vào công nghệ. Ðó là lòng tin vào con người”

                 Steve Jobs

 

Theo giáo sư Issac, yếu tố giáo dục-đào tạo quan trọng hơn cả trong việc phát triển hệ sinh thái an ninh mạng. “Việt Nam có dân số đông, trong đó hơn một nửa dân số là người dùng Internet. Các bạn cần phát triển nguồn nhân lực an ninh mạng, cần đào tạo những người trẻ, không chỉ ở bậc học đại học mà cả cấp phổ thông”, ông nói.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.