Dọc đường cứu trợ: Mì tôm nuốt vội, áo ướt không thay

TP - Giữa nước lũ cuộn xiết, đoàn viên thanh niên căng mình cứu hộ, đưa người dân khỏi vùng nguy hiểm. Chỉ trong hai ngày, hai bí thư chi đoàn thôn ở Hà Tĩnh đã cứu được hơn 100 người. Sau lũ, họ lại miệt mài hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai.  
Sau lũ, lực lượng thanh niên tích cực dọn dẹp giúp người dân, trường học

Vì dân

Bão số 7 vừa dứt, bão số 8 ập vào, Hà Tĩnh có lúc mưa xối xả, nước ngập đồng ruộng, đường làng ngõ xóm. Ao hồ no nước lênh láng, mênh mông. Mưa suốt đêm ngày, mây đen vần vũ, bầu trời như sập xuống. Hồ Kẻ Gỗ thông báo xả lũ, nước ào ào tràn về nhấn chìm nhà cửa, người dân hoảng loạn tìm đường thoát thân. Dòng lũ dữ cuốn trôi gia súc, gia cầm, bẻ gãy cây cối, đập vỡ bờ tường, tiếng kêu cứu vang vọng khắp nơi... Nhớ lại cảnh tượng ấy, anh Nguyễn Thế Anh (SN 1995, Bí thư Chi đoàn thôn Kênh, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn chưa hết bàng hoàng.

Theo Thế Anh, nằm ở hạ lưu hồ chứa nước Kẻ Gỗ nên Cẩm Xuyên là huyện ngập sâu nhất trong đợt lũ vừa qua. Có những vùng như xã Cẩm Duệ, Cẩm Thạch, Cẩm Thành, Cẩm Vịnh của huyện này nước ngập đến 4,2m, vượt đỉnh lũ năm 2010 khoảng 0,7-1m. Đây không phải là vùng rốn lũ nên kinh nghiệm, phương tiện đối phó lũ của cư dân hầu như không có. Tâm lý chủ quan cộng thêm nước lũ tràn về quá nhanh khiến người dân hoàn toàn bị động.

“Đêm 18/10, tôi chủ động đưa bố mẹ, vợ con sang nhà hàng xóm ở cao hơn để tránh trú, còn bản thân theo đoàn lên thuyền đi cứu dân. Tôi rời nhà nhưng tài sản, đồ đạc vẫn chưa cất dọn xong. Nằm trong nhóm lực lượng cứu hộ của xã nên điện thoại đổ chuông liên tục, tiếng cầu cứu của người dân khẩn thiết, khốn nỗi, thời điểm đó, xã chỉ có 2 chiếc thuyền cứu hộ. Trong lúc cấp bách, xã phải huy động nhân lực từ các thôn, phân phia ra các nhóm nhỏ tiến vào các điểm ngập nặng cứu dân mắc kẹt”, Thế Anh kể.

Nhóm cứu hộ của anh Nguyễn Đình Đồng và anh Nguyễn Thế Anh cứu dân trong lũ lịch sử

Lũ liên tục tràn về, bằng mắt thường có thể nhìn thấy mực nước lên. Cả xã Cẩm Thành chìm trong biển nước. Bí thư Chi đoàn thôn Kênh cùng các đoàn viên thanh niên khác vẫn rẽ sóng, phá ngói trên mái nhà để cứu người. “Lúc tôi còn căng mình giữa lũ thì ngôi nhà hàng xóm mà gia đình tôi đang tránh trú cũng bị ngập. Mọi người hoảng loạn nhưng may mắn được tổ đội khác ứng cứu đưa đến một nhà cao tầng nên an toàn. Tài sản mất mát thì không nói nữa, chăm chỉ rồi làm ra nhưng mất người thân thì không gì bù đắp được. Tâm trí tôi chỉ có một suy nghĩ: Cứu người”, Thế Anh tâm sự.

Nhìn xung quanh ngôi nhà cấp bốn của Bí thư Chi đoàn thôn Kênh thấy sự tàn phá của lũ lụt vẫn còn hiện hữu. Cây cối nghiêng ngả, vật dụng trong nhà hư hỏng, lấm lem bùn đất. Chiếc gương vỡ úa vàng nước lũ nằm lăn lóc ở góc sân. Vợ Thế Anh ngậm ngùi nhặt từng con gà trong chuồng ra bỏ sọt rác để mang đi vứt. Công chăm bẵm lâu nay giờ trôi theo dòng nước. “Tôi là thanh niên, mang trên mình chiếc áo màu xanh, tiên phong đi đầu là nhiệm vụ. Sau khi tổng dọn vệ sinh, tôi sẽ chăm thêm một đàn gà khác nhiều hơn”, chàng trai bày tỏ.

“Đêm đó là cuộc chạy đua giữa sức người và thiên tai. Tiếng nước chảy, tiếng kêu cứu lẫn tiếng khóc của con trẻ trong đêm tối. Chúng tôi rối bời. Mọi người tự nhủ với nhau, không được hành động theo cảm tính mà cần nhất lúc này là bình tĩnh, đoàn kết”.

Anh Nguyễn Thế Anh, Bí thư Chi đoàn thôn Kênh, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh

Mì tôm nuốt vội, áo ướt không thay

Đêm xuống, xã Cẩm Thành chìm trong bóng đen;cuộc vật lộn với lũ dữ của nhóm cứu hộ vẫn không ngừng nghỉ. “Chúng tôi đặt ra nhiệm vụ hàng đầu, ưu tiên người già, trẻ em, không để dân đói, dân khát, từ lãnh đạo xã xuống thôn căng hết sức để tập trung ứng cứu hộ. Đêm đó là cuộc chạy đua giữa sức người và thiên tai. Tiếng nước chảy, tiếng kêu cứu lẫn tiếng khóc của con trẻ trong đêm tối. Chúng tôi rối bời. Mọi người tự nhủ với nhau, không được hành động theo cảm tính mà cần nhất lúc này là bình tĩnh, đoàn kết”, Thế Anh kể. 

Với đèn pin, áo phao, nhóm cứu hộ tiếp cận, cứu được hàng chục người dân đang mắc kẹt. 0h, 1h, rồi 2h sáng 19/10..., điện thoại các nhóm cứu hộ liên tục đổ chuông, ca-nô lại rẽ sóng, bất chấp hiểm nguy, hết chuyến này đến chuyến khác trắng đêm cứu người.

Trên chiếc thuyền đi cùng Thế Anh còn có anh Nguyễn Đình Đồng, Bí thư Chi đoàn thôn Hưng Mỹ, xã Cẩm Thành. Anh Đồng dáng gày gò nhưng được đánh giá là nhanh nhạy, “lỳ” nhất trong đội cứu hộ. Tính riêng trong đêm 18 đến ngày 19/10, đội cứu hộ của nhóm Thế Anh đã cứu được hơn 100 người. “Để kịp cứu dân, chúng tôi ăn ngủ ngay trên thuyền, sinh tồn bằng gói mì tôm sống, bánh lương khô cùng chắt chiu giọt nước, lúc khát quá thì há miệng hứng mưa, quần áo ướt lạnh cũng đành để vậy. Cứ thế 1 ngày, 2 ngày rồi đến ngày thứ 6, nước rút, dân an toàn, chúng tôi mới trở về nhà, lúc này người trông chẳng ra người nữa”, anh Đồng nói.

Sau khi đi đầu trong công tác cứu hộ, cứu nạn những ngày lũ đạt đỉnh, hai bí thư chi đoàn trẻ tuổi lại cùng những đoàn viên khác trong thôn tiếp tục hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, vệ sinh môi trường, phòng tránh dịch bệnh. Mặc chiếc áo xanh, cào từng đống bùn trên đường thôn, anh Đồng nói: “Lực lượng thanh niên phải đi đầu, đứng trước làm gương. Tận dụng hết khả năng của mình để hỗ trợ giúp dân. Từ thời chiến cho đến thời bình, áo xanh thanh niên vẫn mang theo tinh thần xung kích đi đầu”.

Những ngày lũ lụt bủa vây, màu áo xanh tình nguyện có mặt khắp nơi. Lũ rút dần, sắc xanh ấy vẫn không phai nhạt. Bếp lửa đượm nồng xuyên đêm, nồi bánh chưng ấm áp sẻ chia của đoàn viên thanh niên các nơi gửi về rốn lũ, hàng xe cứu trợ kéo dài trên dải miền Trung…

Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh Lê Thành Đông cho biết, trong đợt lũ lụt vừa qua, nhiều địa phương bị ngập lụt, đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ban thường vụ Tỉnh Đoàn đã phát động quyên góp, tiếp nhận và trao gần 8.100 suất quà tổng trị giá hơn 6,5 tỷ đồng của 49 đoàn. Các cơ sở Đoàn toàn tỉnh cũng phát động quyên góp, tiếp nhận và trao tặng hơn 6.500 suất quà tổng trị giá hơn 3,1 tỷ đồng, trong đó, báoTiền Phong hỗ trợ 500 triệu đồng.