Độc đáo nghề 'vọc bùn' miền Tây, bán 2.000 lò đất dịp Tết
TPO - Cứ vào 3 tháng cuối năm là làng nghề làm cà ràng (lò đất) ở xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang lại nhộn nhịp hẳn lên. Trên bờ, dưới sông đều tấp nập xe cộ, ghe tàu chờ để lấy lò đem bán phục vụ cho ngày đưa ông Táo về trời và lễ xuất hành đầu năm mới. Nhờ vậy, cái nghề “vọc bùn” mấy chục năm qua của bà con nơi đây vẫn có vị thế nhất định, dù bếp điện, bếp gas ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại.
Người thợ ra sức đạp để đất bằng phẳng - Ảnh: Kim Hà.
Sau khi thành hình, lò đất được phơi từ 3 – 5 ngày. Một người thợ khéo léo dùng dao rạch viền ngoài để đất dễ tách ra khỏi khuôn - Ảnh: Kim Hà.
Chưa dừng lại, người thợ còn phải cạo, làm bóng chiếc lò đất trước khi đem đi nung. Các công đoạn làm lò đất đều được thực hiện bằng tay trần, do đó bàn tay ai nấy đều bị nước ăn hư hết móng, nhất là các chị em phụ nữ - Ảnh: Kim Hà.
Để phân biệt với lò đất của những nơi khác, lò đất Phú Thọ, Phú Tân được người dân đóng số và lăn viền tạo điểm nhấn đặc trưng - Ảnh: Kim Hà.
Nghề làm lò đất cũng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Sau khi chiếc lò thành hình xong còn phải phơi nắng thêm 3 – 5 ngày thì mới thực hiện được công đoạn tiếp theo. Ông Lê Văn Phúc (49 tuổi, chủ một cơ sở cà ràng) cho biết, nghề này ngại nhất lúc mưa nên ở đây bà con phơi lò chỗ nào cũng thủ sẵn những tấm bạt chỗ đó, hễ thấy trời âm u là kéo bạt đậy lại ngay. Tuy nhiên, năm nay có những trận mưa bất chợt khiến bà con không kịp trở tay, nhiều hộ bị hỏng hàng chục chiếc - Ảnh: Kim Hà.
Theo ông Phúc, nung lò đất cũng là một nghệ thuật, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Một lần nung ông xếp 350 chiếc vào bồn, làm sao để khi đổ trấu vào bên trên, đốt lửa lên mà chúng có thể len lỏi xuống phía dưới làm chín đều tất cả các lò, kể cả những chiếc nằm sâu bên dưới mà không cần phải xoay trở - Ảnh: Kim Hà.
Mỗi tháng các hộ ở làng nghề lò đất Phú Thọ, Phú Tân đều sản xuất khoảng 2.000 chiếc theo đơn đặt hàng của các thương lái, trung bình mỗi chiếc tuỳ kích cỡ sẽ có giá dao động từ 35 – 60 ngàn đồng. Bà Lê Thị Thuỷ (50 tuổi, ngụ xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) cho biết, gia đình bà có truyền thống làm lò đất đã 40 năm. Mỗi năm vào dịp Tết là sản phẩm rất “hút hàng”, làm ra bao nhiêu thương lái đến lấy bấy nhiêu. Do đó, bà con làng nghề cũng rất phấn khởi, làm ngày làm đêm để kiếm tiền ăn Tết - Ảnh: Kim Hà.
Lò đất Phú Thọ, Phú Tân chủ yếu được đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh thành như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, Trà Vinh,... - Ảnh: Kim Hà.
Ông Lê Văn Thước (53 tuổi, thương lái ngụ tại địa phương) chia sẻ: “Bà con mình có tục thờ ông Táo là Thần Bếp trông coi việc bếp núc, củi lửa có ý nghĩa che chở cho cuộc sống con người; ông Táo còn có nhiệm vụ ghi chép mọi diễn biến suốt một năm trong nhà, rồi mang sớ về trời tâu với Ngọc Hoàng và căn cứ vào đó để ban phúc hay giáng họa cho gia chủ. Vì vậy, vào 23 tháng chạp – ngày đưa ông Táo về trời, người ta sẽ mua bếp lò mới để thay cho cái cũ, giống như thay nhà mới để ông bà Táo sau khi từ thiên đình trở về sẽ có nơi ở mới nên lò đất rất hút hàng dịp Tết hàng năm” - Ảnh: Kim Hà.
Sau dịch COVID-19, lò đất bắt đầu hút hàng trở lại, hứa hẹn một mùa Tết bội thu cho người dân xứ "vọc bùn" - Ảnh: Kim Hà.