Thầy giáo Y Jút H’wing (1885 - 1934) tên thường gọi Aprông H’Ly là người Êđê đầu tiên biên soạn bộ chữ viết của dân tộc Êđê, và người tiên phong trong phong trào kháng Pháp ở Tây Nguyên đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, hầu hết các tư liệu về thầy giáo Y Jút đã bị cháy trong một trận hỏa hoạn, nay chỉ còn lại những cái tên trên các con đường và trường học.
Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung, giảng viên trường đại học Tây Nguyên, đồng tác giả quyển sách cho biết: Đầu năm 2015, bà và nghệ nhân Võ Văn Hải hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk cùng nhau đi viếng mộ cụ Y Jút, thấy mộ cụ nay chỉ còn là một nấm mồ nhỏ, nằm cô độc lọt thỏm giữa bốn bên là nhà khu dân cư. Hai anh em nảy sinh ý nghĩ sưu tầm tài liệu, làm thành sách để thế hệ mai sau biết công lao của thầy giáo Y Jút đối với mảnh đất Tây Nguyên này.
“Chúng tôi mất hơn 2 tháng đi tìm và thu thập thông tin từ những người thuộc thế hệ học trò, đồng nghiệp, con cháu của thầy giáo Y Jút, ghép lại các câu chuyện, tham khảo thêm một số tài liệu ít ỏi của tiến sĩ Phan Văn Bé rồi tập hợp viết thành sách, dịch ra 4 thứ tiếng. Nghệ nhân Võ Văn Hải bàn với tôi về sáng kiến nên làm sách bằng nguyên liệu gỗ để quyển sách về thầy giáo Y Jút có thể lưu giữ hàng trăm năm sau!”, - bà Tuyết Nhung kể.
Quyển sách được làm bằng gỗ bạch tùng, viền gỗ cà te, nặng gần 50kg, 12 trang, khổ 50x70 cm, mỗi trang dày 12 cm, được đặt tên “Thầy giáo Y Jút H’wing - người con ưu tú của Tây Nguyên”. Nội dung sách gỗ thể hiện tiểu sử và những cống hiến của thầy giáo Y Jút đối với Tây Nguyên.
Nghệ nhân Võ Văn Hải chia sẻ, để làm được quyển sách này phải qua rất nhiều công đoạn và mất thời gian. Hai loại gỗ quý là bạch tùng và cà phê được chọn làm chất liệu chính. Gỗ phải hấp hoặc luộc gỗ rồi sấy khô, tẩm một loại hóa chất bảo quản mà không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. “Hoàn thành xong các công đoạn kỹ thuật, tôi nắn nót viết từng nét chữ trên các trang gỗ, tập trung thời gian, tâm huyết 3 tháng sau mới hoàn thành công trình nghệ thuật này!”, ông Hải nói.
Sau khi tác phẩm hoàn thành, Hội kỷ lục gia Việt Nam đã công nhận kỷ lục mới của Việt Nam với quyển sách gỗ được viết bằng 4 thứ tiếng Việt, Êđê, Anh, Pháp đầu tiên. Hiện tại, hai tác giả đã chuyển quyển sách xuống thành phố Hồ Chí Minh để công bố rộng rãi, cùng một quyển sách gỗ của tác giả khác, sau đó, sẽ đưa quyển sách về Đắk Lắk trưng bày.