Độc đáo lễ cưới phá cách của bạn trẻ

Một tuần sau đám cưới chính thức, Hằng mời hơn 80 bạn bè tới dự hôn lễ "lần 2" do vợ chồng chủ chi. Địa điểm là con thuyền nhỏ trên Hồ Tây. Cô dâu "bao" trọn thuyền, dành chỗ cho bạn bè vui chơi từ chiều tới tận khuya.

> Thiệp cưới 'độc' kiểu… facebook gây sốt dân mạng
> “Bày binh bố trận” để tỏ tình

Cô dâu Minh Hằng (Hà Nội) chọn cách tổ chức tiệc "hậu đám cưới" để dành riêng cho khách mời trẻ. Tiệc cưới khá cầu kỳ vì Hằng thuê một cửa hàng hoa thiết kế toàn bộ không gian hôn lễ. Cô chọn hướng dương là loại hoa yêu thích để trang hoàng cả con thuyền, còn buffet đặt ngay tại nơi đãi tiệc. Điểm nhấn của đám cưới là những trò chơi, tiết mục văn nghệ vui vẻ, khiến tiệc giống như dịp để bạn bè tụ họp, gặp gỡ nhau.

Sau tiệc, Hằng rút ra kinh nghiệm, không nên mời nhiều khách mà chỉ giới hạn dưới 100 người. Vì khi mời nhiều, bạn sẽ không có thời gian chuyện trò với khách và đám cưới lúc đó sẽ không khác gì bữa tiệc với cả nghìn người tham dự. Trong tiệc "hậu đám cưới", Hằng còn mời cha mẹ hai bên tới dự để phụ huynh hiểu hơn về cá tính trẻ trung của con cái.

Chịu chơi hơn Hằng, đôi bạn Hoàng Tùng - Minh Thư (Hà Nội) không tổ chức cưới trong thành phố mà chọn thành hôn tại khu nghỉ dưỡng cách thủ đô hơn 50 km. Thiệp mời được uyên ương gửi tới hơn 70 khách trước cả tháng để mọi người xác nhận sự có mặt, từ đó hai nhân vật chính chuẩn bị xe đưa đón theo số lượng người. Tùng và Thư đặc biệt yêu thích màu trắng, nên trong thiệp cưới, cả hai ghi rõ yêu cầu nhỏ về trang phục, đó là người được mời nên mặc màu trắng tới dự tiệc. Vì ấn tượng về hôn lễ mới mẻ, khách mời không ngại thực hiện yêu cầu cũng như di chuyển cả quãng đường dài tới dự tiệc.

Vì tiệc cưới ở xa, không thể diễn ra trong một ngày nên đôi trẻ mời khách nghỉ lại một đêm ở khu nghỉ dưỡng, vừa tận hưởng không gian thoáng đãng, vừa có nhiều thời gian chúc mừng cho hạnh phúc lứa đôi. Tiệc cưới tuy trang trí đơn giản nhưng chính sự khác biệt về địa điểm cũng như cách đón tiếp đã gây ấn tượng mạnh với khách mời.

Một đám cưới diễn ra bên hồ bơi tại khách sạn ở Sài Gòn. Ảnh: White Wedding House.

Khoảng 2 năm trở lại đây, việc tổ chức tiệc cưới riêng dành cho bạn bè như Hằng hay Tùng và Thư dần trở thành "mốt" ở các thành phố lớn. Đây là hình thức tổ chức của các đôi dâu rể có kinh tế mạnh, muốn làm đám cưới "lần 1" theo đúng ý gia đình, còn lần 2 phải đặc biệt, không giống ai, dành riêng cho bạn bè, người thân.

Cách làm này vừa khiến cha mẹ "mát mặt" trong đám cưới truyền thống, vừa giữ được cá tính của uyên ương ở tiệc riêng. Trong bữa tiệc thứ hai, cô dâu chú rể sẽ "chủ chi" toàn bộ kinh phí, từ đó có quyền quyết định mọi thứ. Đó có thể là tiệc bên hồ bơi, hay trong quán bar sôi động, hoặc đơn giản, uyên ương thuê một nhà hàng có không gian ngoài trời để làm lễ thành hôn.

Tuy nhiên, không ít cô dâu chú rể có kinh tế vững chắc vẫn gặp phải khó khăn khi thuyết phục cha mẹ tổ chức đám cưới theo ý mình. Theo các chuyên gia tổ chức đám cưới ở Hà nội, tâm lý các gia đình Việt Nam, nhất là ở miền Bắc, vẫn muốn giữ phong tục truyền thống. Điều này dễ khiến uyên ương và cha mẹ nảy sinh bất đồng, vì sở thích của các cô dâu chú rể trẻ thường thích đám cưới vui vẻ, mời ít khách, tiệc kiểu "Tây" và kèm nhiều trò chơi sôi động.

Chú rể Nguyễn Hoàng và cô dâu Ngọc Linh là một ví dụ, dù có đủ ngân sách cho đám cưới hoành tráng nhưng vẫn phải chiều lòng cha mẹ cưới kiểu truyền thống. Hoàng làm việc tại một công ty nước ngoài, còn Linh là giáo viên tiếng Anh. Hai người muốn tổ chức cưới theo phong cách châu Âu. Khi có ý định kết hôn, đôi bạn trẻ dành nhiều thời gian thu thập thông tin từ việc chọn màu sắc, chi tiết trang trí tới chọn địa điểm...

Ở nhiều gia đình, cô dâu chú rể tổ chức hai đám cưới. Ảnh: WedinStyle Vietnam .

Tuy vậy, cha mẹ Hoàng không muốn con tổ chức cưới hai lần vì kiêng kỵ, cho đó là điều không may mắn. Gia đình anh thuộc một dòng họ lâu đời ở Hà Nội nên phụ huynh muốn đám cưới phải đúng kiểu truyền thống, phù hợp với phong cách lớn tuổi. Vì vậy, hầu hết ý tưởng mới lạ của Hoàng đều bị gạt đi.

Chẳng hạn, cô dâu Ngọc Linh thích màu xanh ngọc nên chú rể muốn đám cưới cũng được trang trí với màu này, nhưng bố mẹ Hoàng muốn hôn lễ phải mang màu đỏ để thể hiện rõ sự vui vẻ. Đôi bạn trẻ muốn đãi tiệc buffet, là kiểu tiệc đứng, khách tùy thích lựa chọn đồ ăn, nhưng bố mẹ cho rằng các bậc phụ huynh "không thể chạy quanh bàn ăn như vậy".

Ngay cả khi cô dâu chú rể đề nghị chi trả mọi khoản tiền cho ngày cưới, các bậc phụ huynh cũng không đồng ý, thậm chí còn "dọa" không dự đám cưới. Kết quả, Hoàng và Linh phải theo ý gia đình. Họ đành chọn cách trang trí không gian bằng màu đỏ có sẵn của nhà hàng, với tiệc cưới mời hơn 1.000 khách chia thành 100 bàn mà trong đó nhiều người họ chưa hề gặp mặt.

Theo chị Sương Mai, giám đốc một công ty tổ chức đám cưới chuyên nghiệp ở Hà Nội, nếu muốn đám cưới lạ, uyên ương nên chịu khó tổ chức cưới hai lần, một lần làm tiệc đúng theo ý gia đình, sau đó mới tổ chức riêng một bữa tiệc "hậu đám cưới" cho bạn bè, người thân. Như vậy vừa giữ được hòa khí trong nhà, vừa để lại ấn tượng đẹp về dấu mốc quan trọng trong cuộc đời. Để có thể trọn vẹn đôi đường, bạn trẻ có thể nhờ cha mẹ giúp đỡ phần ngân sách cưới ở tiệc chính. Nếu đủ khả năng, bạn đóng góp thêm cùng gia đình hoặc dành toàn bộ tiền tiết kiệm cho đám cưới riêng.

Theo Linh Phạm
VnExpress

Theo Đăng lại