Độc đáo giao thoa sơn mài Việt-Nhật

0:00 / 0:00
0:00
Sáng nay (25/3), triển lãm tranh “Câu chuyện Phương Đông” của tiến sĩ Triệu Khắc Tiến khai mạc tại Hà Nội, đem đến cái nhìn tổng quan về nghệ thuật sơn mài đặc biệt của Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời khắc họa một số nét đẹp vĩnh cửu trong văn hóa hai dân tộc.

Lộng lẫy và bí ẩn sơn ta

Tranh sơn mài thường sử dụng các vật liệu truyền thống của nghề sơn như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai… vẽ trên nền vóc màu đen. Một số họa sĩ Việt Nam dùng thêm vỏ trứng, ốc, cật tre… và áp dụng kỹ thuật mài độc đáo (vẽ tranh hàng chục lớp, mài đi mài lại nhiều lần đến khi đạt hiệu quả mong muốn rồi đánh bóng).

Khi dùng sơn ta (chất nhựa lấy từ cây sơn ở vùng trung du, miền núi Việt Nam), việc vẽ tranh sơn mài phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết - độ ẩm cao thì sơn nhanh khô, nhưng trời khô ráo thì rất lâu khô. Ngoài ra, sơn ta có thể gây hiện tượng sơn ăn (lở sơn) khiến người tiếp xúc có cơ địa mẫn cảm dễ bị ngứa, viêm da. Vì vậy, hiện nay, tranh sơn mài thường dùng nguyên liệu là sơn Nhật.

Tuy nhiên, đến với triển lãm cá nhân đầu tiên của tiến sĩ Triệu Khắc Tiến (Phó Trưởng Khoa Hội hoạ - Đại học Mỹ thuật Việt Nam, giảng viên chuyên ngành Tranh sơn mài), người xem không chỉ có cơ hội tìm hiểu sâu về kỹ thuật vẽ tranh sơn mài mà quan trọng hơn, thêm hiểu, thêm yêu vẻ đẹp thiên nhiên, tâm hồn người Việt, người Nhật, văn hóa phương Đông thâm trầm, sâu sắc.

Độc đáo giao thoa sơn mài Việt-Nhật ảnh 1

Vũ trụ 1. Tranh: Triệu Khắc Tiến.

Ngoài hệ thống vóc kỹ thuật sơn mài gồm 55 tấm, đồ nghề vẽ tranh sơn mài Việt Nam và Nhật Bản, slide ảnh tư liệu, “Câu chuyện Phương Đông” trưng bày 29 tác phẩm sơn mài thể hiện sự giao thoa, hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa làng xã, tâm hồn Việt với kỹ thuật và thẩm mỹ Nhật Bản.

Độc đáo giao thoa sơn mài Việt-Nhật ảnh 2

Giao mùa. Tranh: Triệu Khắc Tiến.

Tên tác phẩm của họa sĩ Triệu Khắc Tiến phần lớn gồm 2 âm tiết, vừa cô đọng vừa gợi mở, đậm chất thiền như “Nhất tâm”, “Thần đạo”, “Rồng xuân”, “Giao mùa”, “Miền nhớ”, “Chạng vạng”, “Quê nhà”, “Ánh trăng”, “Địa mã”, “Hạnh phúc”…

Trong bức “Hạnh phúc” vẽ năm 2020, họa sĩ Triệu Khắc Tiến sử dụng sử dụng kỹ thuật đắp nổi taka-makie của sơn mài Nhật Bản kết hợp với vàng quỳ, thử nghiệm dùng vàng xay mô phỏng bột vàng hiramefun của Nhật Bản tạo đường viền nổi bật cho nhân vật. Toàn bộ phần nền được sử dụng bạc xay siêu mịn dát phẳng theo kỹ thuật kawari-nuri. Tác phẩm toát lên ý hạnh phúc là khi hai ta hoà hợp làm một, chân thành và nồng ấm trong men say tình yêu không tuổi, mãi mãi màu xanh đôi mươi.

Độc đáo giao thoa sơn mài Việt-Nhật ảnh 3

Hạnh phúc. Tranh: Triệu Khắc Tiến.

“Hội Bồng lai” vẽ năm 2017 nổi bật với 3 sắc đỏ, đen và vàng - 3 màu chủ đạo trên bảng màu sơn mài truyền thống, thể hiện đêm hội thướt tha yếm thắm, ngân nga tiếng nhạc không khác chốn Bồng lai tiên cảnh. Đây là tác phẩm đầu tiên sử dụng sơn ta đánh bóng theo kỹ thuật sumi-urushi và roiroaghe (tạo bề mặt nhẵn bóng không tỳ vết, nổi rõ các lớp màu và tạo chất bên dưới).

Độc đáo giao thoa sơn mài Việt-Nhật ảnh 4

Hội Bồng lai. Tranh: Triệu Khắc Tiến.

Trong khi đó, bức “Nhất tâm” (vẽ năm 2022) lấy cảm hứng từ một triết lý Phật giáo - Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Từ trừu tượng đến hữu hình, khởi điểm là quá trình vẽ phủ lớp hoàn toàn ngẫu hứng vô hình thể; sau khi mài ra, nền biến thành người, thành mây, thành khói hương hư ảo, hoà quyện thành cõi tâm linh vô định. Họa sĩ thử nghiệm sử dụng kỹ thuật kawari-nuri để tạo hiệu quả tạo chất đa sắc cho các lớp màu dưới kết hợp với kỹ thuật phủ tràn và mài moi bên trên đem lại biến chuyển tinh tế cho tổng thể tác phẩm. Nhân vật được vẽ ở lớp thượng, tách biệt khỏi hậu cảnh bằng vàng vụn kết hợp bạc mịn theo kỹ thuật maki-e.

Độc đáo giao thoa sơn mài Việt-Nhật ảnh 5

Nhất tâm. Tranh: Triệu Khắc Tiến

“Dường như đang có những bước chân thiền nhẹ nhõm của họa sĩ Triệu Khắc Tiến dắt ta vào cõi an nhiên trong “Câu chuyện Phương Đông” của anh… Ở đó, thiền họa cũng là một cách dưỡng tâm thanh nhã thường ngày giữa trời nước, hoa cỏ, cây mây trong không gian bức họa… “Câu chuyện Phương Đông” của họa sĩ Triệu Khắc Tiến góp một sắc son tươi, một lời dâng miên viễn cho ngôi vị uy nghi mà thân gần, lộng lẫy và bí ẩn của sơn ta - sơn mài Việt”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhận định.

Độc đáo giao thoa sơn mài Việt-Nhật ảnh 6

Mây núi. Tranh: Triệu Khắc Tiến.

"Quê nhà" (2022) thể hiện hình bóng mẹ già, cánh diều, rặng tre, ngọn cỏ nhẹ trôi trong miền đêm tĩnh mịch. Quê nhà yêu dấu là nơi ta luôn hướng về dù ở gần hay đi xa, là nơi tiếp thêm động lực cho ta vượt qua đường đời muôn nẻo khó khăn, trắc trở. Tác giả sử dụng thủ pháp bokashi (viền mờ) kết hợp lớp vàng xay ken bạc siêu mịn tạo hiệu quả tương phản mạnh cho phần chi tiết trung tâm và hậu cảnh. Các lớp vàng chôn bên dưới các lớp then trong phủ dày kết hợp vỏ trai biển rắc mỏng bên trên, sau khi mài tạo nên nhịp chuyển động âm vang cho phần nền tối, gợi cảm giác bồng bềnh, uyển chuyển cho nhân vật chính tiền cảnh.

Độc đáo giao thoa sơn mài Việt-Nhật ảnh 7

Quê nhà. Tranh: Triệu Khắc Tiến.

“Tiến nổi tiếng từ nhỏ, bé xíu đã được vinh danh, ra nước ngoài nhận giải quốc tế. Nhưng hôm nay đến với triển lãm, tôi vẫn bất ngờ trước sức học, sức dạy, sức sáng tạo của người bạn học thời thơ ấu. Các tác phẩm được triển lãm lần này giúp tôi mở rộng tầm mắt về sơn mài nói riêng, văn hóa phương Đông nói chung” - Cô giáo Triệu Thu An (Trường THCS Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội)

Độc đáo giao thoa sơn mài Việt-Nhật ảnh 8

Khách dự triển lãm sáng 25/3 ngắm bức "Đêm cổ tích" của họa sĩ Triệu Khắc Tiến. Ảnh: Thái An.

Kết nối thế giới sơn mài

Triển lãm “Câu chuyện Phương Đông” mở cửa miễn phí cho công chúng từ ngày 25/3 tới 24/4 (từ 9 giờ sáng tới 6 giờ chiều) tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản ở 27 Quang Trung, Hà Nội.

“Câu chuyện phương Đông 1” (vẽ năm 2016) là 1 trong series 4 tác phẩm tốt nghiệp bậc tiến sĩ chuyên ngành sơn mài tại Trường ĐH Nghệ thuật Tokyo của họa sĩ Triệu Khắc Tiến. Tranh sử dụng kỹ thuật Toghidashi-makie, Tate-nuri, hakue bằng nguyên liệu sơn tự nhiên Nhật Bản, thể hiện một geisha trong trang phục kimono kết hợp trang sức tinh xảo là kết tinh của nghệ thuật Kogei truyền thống - biểu tượng của văn hóa Nhật Bản. Hình ảnh geisha trên nền sơn then sâu thẳm tựa bóng hình mỏng manh hư ảo, ẩn chứa tiếc nuối giá trị truyền thống ngày càng mai một trong xã hội hiện đại.

Độc đáo giao thoa sơn mài Việt-Nhật ảnh 9

Câu chuyện phương Đông 1. Tranh: Triệu Khắc Tiến.

Trong khi đó, “Câu chuyện phương Đông 2” đại diện cho những nỗ lực tìm tòi, Việt hoá các kỹ thuật sơn mài của Nhật Bản khi tác giả thể hiện bằng sơn ta và các nguyên liệu làm tranh sơn mài truyền thống của Việt Nam. Hira-makie, haku-e kết hợp với vàng quỳ, atsu-gai và raden kết hợp với cửu khẩu (vỏ bào ngư); rankaku kết hợp với vỏ trứng gà, iro-toghidashi kết hợp với bạc quỳ xay mịn. Hình ảnh geisha trẻ trung hoà mình trong một không gian hài hoà với thiên nhiên lung linh sắc vàng, gợi nhớ thời vàng son rực rỡ.

Độc đáo giao thoa sơn mài Việt-Nhật ảnh 10

Câu chuyện phương Đông 2. Tranh: Triệu Khắc Tiến.

Ông Arisumi Mitamura, giáo sư danh dự Khoa Sơn mài - Đại học Nghệ thuật Tokyo, nhận định: “Việt Nam tự hào có một lịch sử lâu đời và đáng trân trọng trong nghệ thuật sơn mài. Những kiệt tác sáng tạo bởi nhiều thế hệ nghệ sĩ đã đóng góp tạo nên một kho tàng tác phẩm được ngưỡng mộ cho đến ngày nay. Chính bản chất sáng tạo của người Việt đã giúp khám phá ra một cách tiếp cận mới trong nghệ thuật sơn mài, nơi chất liệu truyền thống được hoà trộn với sơn cánh gián để tạo ra vô số màu sắc rực rỡ”. Theo ông Mitamura, tranh sơn mài có sức hấp dẫn toàn cầu, trở thành một phương tiện giao lưu trên toàn thế giới.

Độc đáo giao thoa sơn mài Việt-Nhật ảnh 11

Triển lãm "Câu chuyện Phương Đông" khai mạc sáng 25/3 thu hút đông đảo công chúng yêu hội họa. Ảnh: Thái An.

“Tôi tin tưởng rằng cuộc triển lãm mang tính dấu mốc này sẽ thu hút được nhiều sự chú ý, không chỉ từ Việt Nam, mà còn từ bạn bè bốn phương. Đó là bởi khả năng đặc biệt tài tình của anh (họa sĩ Triệu Khắc Tiến) trong việc kết nối giữa văn hóa sơn mài của Việt Nam và của Nhật Bản”, giáo sư Mitamura nói.

Độc đáo giao thoa sơn mài Việt-Nhật ảnh 12

Vịnh Quan Lạn. Tranh: Triệu Khắc Tiến.

Theo giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, bảng màu và kỹ thuật vẽ tranh sơn mài của các thế hệ hoạ sỹ Việt Nam dần trở nên phong phú, đa dạng trong quá trình giao thoa hội nhập, góp phần làm giàu có hơn khả năng biểu đạt của chất liệu hội hoạ này.

“Câu chuyện Phương Đông” của hoạ sỹ Triệu Khắc Tiến lần này có lẽ vừa là một tổng kết quá trình học hỏi nghiên cứu thực nghiệm dày công để Việt hoá những kỹ thuật đặc thù của kỹ thuật sơn mài truyền thống Nhật Bản bằng chất liệu sơn ta của Việt Nam, đồng thời cũng là một sự khởi đầu của một hành trình, đánh dấu những bước tìm tòi mới trong những sáng tác gần đây khi cố gắng kết hợp nhuần nhuyễn sự tinh xảo chi tiết cần có của một người nghệ nhân, với khả năng biểu cảm mới trong ngôn ngữ tạo hình của một người nghệ sỹ”, ông Sơn nhận định.

“Với tôi, sơn mài là thứ ngôn ngữ tạo hình có sức cuốn hút mạnh mẽ, luôn ẩn chứa những yếu tố bất ngờ độc đáo, từ quy trình vẽ khắt khe nghiêm ngặt đến những ngẫu hứng, tuỳ biến trong quá trình phủ-mài; từ trừu tượng đến hữu hình, như ảo ảnh từ hư không trên nền then huyền bí lung linh bạc, vàng” - Tiến sĩ Triệu Khắc Tiến (Phó Trưởng Khoa Hội hoạ - Đại học Mỹ thuật Việt Nam)

Độc đáo giao thoa sơn mài Việt-Nhật ảnh 13

Họa sĩ Triệu Khắc Tiến (SN 1977) trả lời phỏng vấn báo chí sáng 25/3. Ảnh: Thái An.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.