Doanh thu giảm 90%, đại diện doanh nghiệp vận tải cầu cứu Chính phủ

0:00 / 0:00
0:00
Doanh thu từ vận tải đang bị giảm đến 90%
Doanh thu từ vận tải đang bị giảm đến 90%
TPO - Trước việc doanh thu của hoạt động vận tải sụt giảm đến 90% trong tháng 6, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có giải pháp tháo gỡ nguy cơ đổ vỡ, gián đoạn của lĩnh vực vận tải.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch VATA cho biết, đại dịch COVID-19 bùng phát ở nước ta đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh và mọi mặt của đời sống - xã hội, trong đó lĩnh vực vận tải bằng ô tô, đây là nhóm ngành bị ảnh hường nặng nề nhất.

Theo báo cáo của nhiều hội viên và thống kê của VATA về tình hình kinh doanh vận tải 6 tháng đầu năm, hoạt động vận tải đang có những biến động xấu chưa từng có.

Cụ thể, lĩnh vực vận tải hành khách, do phải thực hiện giãn cách xã hội và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt quy định xe khách nếu thuộc khu vực được hoạt động thì số lượng hành khách được phép chở tối đa không quá 50% số ghế theo thiết kế xe; chi phí phát sinh do phải trang bị khẩu trang, sát khuẩn tay, sát khuẩn toàn bộ trên xe...

Việc này đã gây ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu từng loại hình. Với xe chở khách tuyến cố định chỉ đạt khoảng 30% so với trước dịch, số xe nằm chờ tại bãi không hoạt động là trên 50%. Với xe taxi chi đạt khoảng 20 - 30%, số xe nằm chờ tại bãi không hoạt động là 70 - 80%, số km của xe hoạt động chi từ 100 - 150 km/ngày (so với trước dịch bình quân trên 300 km/ngày); Vận tải buýt, sản lượng và doanh thu ước đạt từ 45 - 50% so với trước dịch; Đối với xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng chỉ đạt khoảng 20 - 30% doanh thu.

Đặc biệt, với xe chở khách du lịch doanh thu chỉ đạt khoảng 10 - 15% so với trước dịch (giảm 85-90%), hầu hết số xe phục vụ du lịch phải nằm chờ tại bãi không hoạt động. Lý do, vì khách quốc tế không dược phép nhập cảnh vào Việt Nam; ở trong nước người dân lại phải thực hiện giãn cách xã hội, không thể đi du lịch nội địa.

Trên lĩnh vực vận chuyển hàng hoá, mức độ ảnh hưởng đối với xe vận tải hàng hóa tại mỗi vùng miền, mỗi địa phương đang có sự khác nhau. Với xe vận chuyển hàng hóa trong nội địa bị gián đoạn ở khu vực có dịch; tình trạng thiếu vỏ công-ten-nơ... Với các xe vận tải hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới thời gian chờ đợi giao hàng kéo dài, chi phí phát sinh tăng cao do phải thuê lái xe dịch vụ để đưa xe sang Trung Quốc giao hàng…

Từ thực tế trên, VATA kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT và các Bộ, ngành có liên quan có các cơ chế, chính sách kịp thời. Việc này nhằm ổn định các hoạt động kinh tế- xã hội; hỗ trợ, giúp cho các doanh nghiệp vận tải vượt qua giai đoạn rất khó khăn này.

MỚI - NÓNG