Doanh nhân 'dế' 8X phiêu lưu ký

Doanh nhân 'dế' 8X phiêu lưu ký
TP - Làm chủ trang trại chuyên cung cấp dế và kỹ thuật nuôi dế cho toàn miền Bắc ở tuổi 22, làm Giám đốc Cty truyền thông IDV, Giám đốc Cty thực phẩm Dế ngon kiêm chủ nhà hàng Trại Găng tửu, cái tên Nguyễn Nhật Lâm khiến cho không ít bạn trẻ ngỡ ngàng.

Từng là sinh viên hai trường đại học Bách khoa và Ngoại thương, từng giành giải Olympic Toán toàn quốc, tham gia cuộc thi Chìa khóa thành công (VTV1) nhưng ít ai biết rằng, khi chuyện học đang suôn sẻ thì Lâm đột ngột rẽ ngang...

Năm 2004, Nguyễn Nhật Lâm thi đỗ vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đưa đến niềm tự hào cho cái thôn nghèo Tô Tràng (An Mỹ, Quỳnh Phụ, Thái Bình).

Vừa bước vào giảng đường, Lâm đã được các anh trong trường rủ mở trung tâm luyện thi. “Ban đầu em cũng sợ không dám đồng ý vì sợ bận học, nhưng được các anh động viên nên cứ nhận lời” - Lâm tâm sự.

Chính khoảng thời gian vừa học vừa làm này đã hun cháy lên trong chàng trai trẻ quê lúa Thái Bình khát vọng làm giàu. Sau một học kỳ với tổng kết trên tám, bạn bè râm ran bàn tán chuyện “thằng Lâm vừa đi làm mà học vẫn “tanh”.

Doanh nhân 'dế' 8X phiêu lưu ký ảnh 1
Lâm luôn tự tay chăm dế

Thế nhưng khi cái ngỡ ngàng ban đầu chưa tan thì bạn bè lại nhận thêm từ Lâm một thông tin đột ngột: Thôi học. “Bạn bè động viên và gặng hỏi mãi nhưng em đã quyết và chỉ giải thích qua loa cho các bạn là nghỉ một năm rồi sang năm học tiếp” - Lâm kể.

Thật ngạc nhiên khi một kỹ sư chế tạo máy tương lai lại bỏ học đi làm công nhân cho một cơ sở chè. “May mà trong thời gian đó bố mẹ em chưa biết chuyện, chứ nếu không cái bệnh tim của mẹ chắc không sống nổi đến giờ”- Lâm khẳng định.

Tháng lương đầu được nhận vài trăm ngàn đồng, Lâm quyết định nói thật với bố mẹ  về chuyện mình nghỉ học. Nhưng rồi, một tai nạn giao thông bất ngờ ập đến khiến Lâm phải nằm viện gần hai tháng.

Sau khi ra viện, để làm yên lòng cha mẹ, Lâm quyết định trở lại giảng đường. Một năm sau Lâm đỗ vào Đại học Ngoại thương nhưng dường như đam mê tha thiết với giảng đường đã nguội lạnh.

Lâm tâm sự: “Có những đêm lang thang bên hồ Gươm, chợt nhận ra sóng bể khác với sóng hồ quá nhiều. Sóng hồ êm ả mơn man như vỗ giấc ngủ chỉ đủ làm chao nghiêng chiếc lá vô tình rớt xuống. Còn sóng bể thì khắc nghiệt hơn nhiều, xé toạc cả mặt nước, phải gồng hết sức mới không bị nhấn chìm”.

Doanh nhân 'dế' 8X phiêu lưu ký ảnh 2
Món dế kẹp thịt ba rọi

Chàng trai ấy khát vọng sống một cuộc sống như thế, mới mẻ đầy thử thách, căng mình đón nhận thành công cũng như thất bại.

Một lần nữa Lâm quyết định thôi học. Ngày bố lên trường làm thủ tục nghỉ học, nhìn bố lặng lẽ không trách cứ một lời, Lâm thấy day dứt.

Từ nhỏ anh đã là niềm tự hào của bố mẹ. Bố luôn mong anh sẽ có một công việc ổn định nhưng nay niềm hy vọng đã không còn.

Rời trường Ngoại thương, Lâm nằm trong phòng trọ ba ngày để suy nghĩ về những ngày tháng tiếp theo. Quyết định “Nam tiến” khi trong túi chỉ vỏn vẹn chưa đầy hai trăm ngàn đồng mà trước khi về quê bố đã nhét vào túi cho Lâm.

Dấu chân trải hình chữ S, đó là những đêm Trà Vinh mưa bụi hây hây, hắt vào lòng nỗi nhớ người thân. Là những tháng ngày nán lại đất Bình Dương tìm giấc mơ bên những rừng cao su, là lúc trèo tít lên đỉnh 1.000 bậc thang của ngọn núi ở Vũng Tàu nhìn vọng xuống một cõi nhân gian bé tý nhận ra con đường phía trước khó khăn chông gai nhưng lòng đầy háo hức, là những đêm lang thang khắp các góc phố Phú Mỹ Hưng – Nam Sài Gòn…

Lâm thổ lộ: “Ngày đầu khi mang dế đến giới thiệu cho các nhà hàng đều bị từ chối. Sau đó mỗi lần đến gặp khách hàng, mình đều đi cùng đầu bếp.

Vậy là trong lúc mình giới thiệu với chủ nhà hàng thì món dế rang đã được chuẩn bị xong. Như vậy mình có thể thuyết phục khách hàng sau khi họ đã nếm thử món ăn”.

Doanh nhân “dế”

Trong những ngày “xê dịch” ấy, Lâm tình cờ được một người bạn giới thiệu về một món nhậu rất đặc biệt: Dế rang.

Đối với đời sống và văn học thì dế không còn xa lạ nhưng trên bức tranh ẩm thực Việt Nam, dế là một cái tên hoàn toàn mới mẻ.

Một ý tưởng nảy lên trong Lâm, tại sao không biến dế thành một món ăn quen thuộc và bổ dưỡng đối với mọi người dân. Làm quen với anh Lê Thanh Tùng - một người nuôi dế có tiếng ở miền Nam, Lâm miệt mài học hỏi.

Sau đó Lâm mang con giống về quê nhà với hy vọng sẽ tạo thêm được việc làm cho người dân nghèo quê mình và làm giàu theo con đường riêng của chính mình.

Cuối năm 2005, Lâm cùng với người anh họ chung sức đầu tư 8 triệu đồng để xây dựng những cơ sở ban đầu cho trang trại dế. Trong những ngày đầu có những lúc Lâm đứng trước nguy cơ trắng tay hoàn toàn.

Suốt hai tháng mùa đông, dế không hề tăng trưởng, thậm chí đàn dế chết hàng loạt, có đợt Lâm phải đổ đi hàng tạ.

Đó là những tháng ngày Lâm miệt mài bên lồng nuôi dế, tự tay thay nước, sửa hệ thống sưởi. Lâm cố gắng học hỏi và dần khắc phục, đến nay đàn dế tăng trưởng bình thường và anh đã mở rộng diện tích trang trại dế lên 450m2 với gần 15 nhân công.

Giờ đây trang trại của Lâm là đầu mối chuyên cung cấp dế cho các nhà hàng ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương và Quảng Ninh. Biệt danh Lâm “dế” từ đây đã ra đời và trở nên quen thuộc với nhiều nhà hàng lớn nhỏ ở miền Bắc.

Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2007, Lâm thành lập Cty Thực phẩm Dế ngon với tham vọng biến dế trở thành món ăn quen thuộc. Sắp tới Lâm sẽ đưa sản phẩm này vào các siêu thị.

Cuối năm 2007, nhà hàng đầu tiên trong loạt nhà hàng ở miền Bắc chuyên về các món dế đã được khai trương với cái tên Trại Găng tửu (Bạch Mai, Hà Nội). Đó cũng vẫn đang là những bước đường đi ban đầu của “doanh nhân dế” 8X Nguyễn Nhật Lâm.

MỚI - NÓNG