Cạnh tranh bằng sự khác biệt
Tại Diễn đàn xuất khẩu 2014 diễn ra hôm qua, 12/9, tại TP.HCM, TS.Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới, nhất là khi tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU và sắp tới là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nhưng ông Lịch cũng cho rằng Việt Nam đang phải đứng trước nhiều thách thức trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Đó là tình trạng thiếu nguyên liệu nội địa, chi phí đầu vào tăng cao, thiếu thị trường xuất khẩu ổn định, năng lực cạnh tranh thấp. Trong khi đó chính sách tỷ giá chưa rõ ràng giữa mục tiêu khuyến khích xuất khẩu với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, giữ giá trị tiền Đồng.
Theo TS.Trần Du Lịch, lao động rẻ tương đối và nền nông nghiệp nhiệt đới lấy lại vẫn là hai lợi thế quan trọng nhất để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Do đó, về mặt sản phẩm xuất khẩu, bên cạnh phát triển các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực điện tử, cơ khí thì từ nay đến năm 2030 Việt Nam vẫn phải dựa trên mấy nhóm ngành mang tính truyền thống như nông lâm thủy sản chế biến.
Ông Lịch lưu ý, DN cần đa dạng hóa thị trường nhằm tránh tình trạng thị phần thái quá của một sản phẩm ở một thị trường dẫn đến kích thích tâm lý sử dụng các công cụ bảo hộ phi thuế quan của nước sở tại như hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá…
Và, quan trọng hơn, “vấn đề không phải xuất khẩu sản phẩm gì, mà là làm thế nào tạo ra sự khác biệt của sản phẩm để cạnh tranh. Đây chính là thách thức đối với việc mở rộng thị trường xuất khẩu”- ông Lịch nói.
Tiềm năng Trung Đông nhưng phải “kiêng khem”
Theo ông Lê Thái Hòa- Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), thị trường châu Phi, Trung Đông – Tiểu vương quốc Ả Rập (UAE) có rất nhiều tiềm năng nhưng cũng gặp không ít trở ngại. Với thị trường châu Phi, nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu là rất lớn, trong khi đây là thị trường khá dễ tính.“Nói đến cà phê, tiêu, cá basa… của Việt Nam thì cả thế giới này đều biết, nhưng thương hiệu cà phê, tiêu…cụ thể nào thì không mấy ai biết”
Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao VN, ông Đỗ Hà Nam
Song, các DN làm ăn ở thị trường này đang gặp khó khăn rất nhiều ở khâu thanh toán. “Thay vì hợp đồng, hợp tác trực tiếp với các DN bản địa, phần lớn các DN Việt Nam đều phải ký hợp đồng với một công ty đa quốc gia nào đó làm trung gian đưa hàng đến thị trường châu Phi và công ty này đảm bảo thanh toán lại cho DN Việt Nam”- ông Hòa cho biết.
Trong khi đó, theo ông Hòa, Trung Đông, đặc biệt UAE là thị trường mở, nhu cầu nhập khẩu rất lớn bởi họ không chỉ nhập cho chính họ mà còn cho cả khu vực. Khả năng thanh toán của DN rất cao, song muốn làm ăn với thị trường này, DN Việt Nam buộc phải “kiêng khem” nhiều thứ.
Chẳng hạn, không được quảng cáo sản phẩm bằng các hình ảnh nhạy cảm (phụ nữ hay tôn giáo...) liên quan đến sản phẩm hoặc trên bao bì sản phẩm. Các loại thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm xuất sang thị trường này không có nguồn gốc từ thịt lợn và cần có chứng nhận Halal.
Thương nhân đã có visa nhập khẩu Israel trong hộ chiếu sẽ bị từ chối nhập cảnh vào các nước Ả Rập. “Thương nhân nên sử dụng visa rời khi vào Israel để khi vào Ảrập sẽ không bị phát hiện và bị từ chối”- ông Hòa mách nước.
Thương hiệu quyết định thành công
Ông Đỗ Hà Nam- Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam nói với Tiền Phong rằng, những thị trường Tây Âu và Mỹ, sản phẩm Việt Nam vào ổn định và các công ty nước họ cũng đã có tại VN.
Ở những thị trường đang phát triển như Tây Á, châu Phi và một số thị trường Đông Âu đang là thị trường rất tốt nên DN Việt Nam nên đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các ngành nông sản. Trong đó, tiêu và cà phê mang tính toàn cầu nên không bị sức ép của từng nước, do đó rất có lợi thế. Vấn đề là chất lượng, uy tín như thế nào.
Trước lo ngại thị trường xa sẽ làm gia tăng chi phí vận chuyển khiến giá thành tăng và sức cạnh tranh giảm, ông Nam cho rằng, nếu DN có thương hiệu thì khả năng chiến thắng rất lớn. Ngược lại, người ta sẽ không mua dù giá rẻ, bởi người tiêu dùng cần sự an toàn.
Ông Đỗ Hà Nam bày tỏ lo ngại rất ít sản phẩm Việt Nam có thương hiệu nổi tiếng ở nước ngoài bởi việc làm thương hiệu của các DN Việt Nam thường là ngẫu hứng, thiếu chuyên nghiệp.