Doanh nghiệp Việt chủ động khởi kiện chống bán phá giá

Doanh nghiệp Việt chủ động khởi kiện chống bán phá giá
Lợi ích mà doanh nghiệp nhận lại sau sự chủ động khởi kiện chống bán phá giá thành công là hiện hữu. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào, ngành hàng nào cũng ý thức và chủ động sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ quyền lợi cho chính mình cũng như nền sản xuất trong nước.

Vậy, thực trạng áp dụng các biện pháp chống bán phá giá ở Việt Nam hiện nay như thế nào? Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Châu Giang – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương để giúp quý vị và các bạn cùng hiểu rõ.

Xin chào bà Phạm Châu Giang!

PV: Thưa bà, thực tiễn cho thấy, đã có nhiều nghi án bán phá giá vào Việt Nam nhưng không được chứng minh và xử lý. Bà đánh giá như thế nào về thực trạng này? 

Đúng là đã có những nghi án bán phá giá vào Việt Nam, ví dụ như thịt gà, sợi... Bộ Công Thương đã từng vào tận miền Nam làm việc với các hộ chăn nuôi gia cầm ở Đông Nam Bộ hay đi vào các nhà máy sợi thì thấy dấu hiệu hàng nước ngoài bán phá giá vào Việt Nam tương đối rõ. Các doanh nghiệp Việt có chịu thiệt hại, đó là thực tế.

Tuy nhiên, theo pháp luật Việt Nam, Bộ Công Thương chỉ có thể điều tra khi các doanh nghiệp nộp được bộ hồ sơ đầy đủ, mặc dù pháp luật cho phép Bộ Công Thương có thể tự mình khởi xướng điều tra nhưng chỉ trong trường hợp Bộ Công Thương tin rằng mình có thể thụ hưởng được đầy đủ để xây dựng được một bộ hồ sơ tự khởi xướng như vậy.

Như vậy, có thể thấy, nguyên nhân chủ yếu là do sự thiếu đoàn kết của các doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp không thống nhất được với nhau về mặt lợi ích, không thống nhất được vấn đề ai, doanh nghiệp nào chịu trách nhiệm đứng đơn nộp hồ sơ hoặc có thể vì các doanh nghiệp không muốn thông tin kinh doanh của mình bị lộ ra ngoài... Ví dụ, khi doanh nghiệp A muốn kiện Trung Quốc nhưng doanh nghiệp B lại muốn kiện Indonesia, doanh nghiệp C lại muốn kiện Thái Lan... bởi bản thân doanh nghiệp họ đang nhập khẩu từ các quốc gia kia...

PV: Vậy, quan điểm của bà như thế nào khi các doanh nghiệp trong nước đối diện với tình huống hàng nhập khẩu từ các quốc gia vào Việt Nam có nguy cơ bán phá giá, gây thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp, thưa bà?

Mục tiêu của Bộ Công Thương cũng như Chính phủ là muốn các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh một cách bình đẳng với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, hạn chế những công cụ có tính chất bảo hộ sản xuất trong nước như chống bán phá giá.

Trên thực tế, Bộ Công Thương chưa bao giờ chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp trong việc sử dụng hoặc có ý lạm dụng công cụ này. Vì trong dài hạn sẽ triệt tiêu động lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

Doanh nghiệp Việt chủ động khởi kiện chống bán phá giá ảnh 1  

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nếu chúng ta không có biện pháp nào hỗ trợ sản xuất trong nước, đối phó với hàng nhập khẩu có giá thấp phi lý thì chúng ta có thể mất trắng hoàn toàn ngành sản xuất trong nước đó. Khi đó, chúng ta phải lệ thuộc vào hàng nhập khẩu, không thể kiểm soát giá. Do đó, trong dài hạn, chúng ta cần bảo vệ các ngành sản xuất trong nước.

PV: Vậy, Bộ Công Thương đã có chính sách gì hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc nâng cao ý thức sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại, nhất là trong bối cảnh hàng hóa của các quốc gia có nhiều điều kiện để vào Việt Nam như hiện nay, thưa bà?

Ngày 28/3/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 755/QĐ-BCT ban hành “Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ phát triển một số ngày công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến 2025”. Chương trình tổng thể về phòng vệ thương mại đưa ra 05 nhóm nhiệm vụ về (i) xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách và thể chế về phòng vệ thương mại; (ii) tăng cường thực thi các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại; (iii) nâng cao năng lực sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại cho ngành công nghiệp trong nước; (iv) nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại của các cơ quan quản lý Nhà nước; và (v) tăng cường bảo vệ lợi ích của các ngành công nghiệp để ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang xây dựng và trình Chính phủ Đề án "Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại". Trong đó, những cảnh báo sớm sẽ được gửi tới Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp sản xuất trong nước hay các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan. Hệ thống cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại được vận hành sẽ là bước tiến quan trọng của Bộ Công Thương nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các ngành sản xuất và cộng đồng doanh nghiệp trong nước.

Xin cảm ơn bà!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.