Doanh nghiệp Việt chết vì đầu tư theo phong trào
> 76 doanh nghiệp Hà Nội nợ thuế gần 1.800 tỷ đồng
> Khối FDI thống lĩnh xuất khẩu: Lo doanh nghiệp nội 'chết lâm sàng'
Thời mở cửa, nhà nhà làm xuất nhập khẩu, chứng khoán nóng lại đua nhau lên sàn, địa ốc sốt ai cũng có một chút bất động sản để rồi giờ đây gánh hậu quả vì đầu tư theo phong trào.
Các chuyên gia cho rằng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề do đầu tư dàn trải theo phong trào. Ảnh: Vũ Lê. |
Ngày 22/10, tại hội nghị đầu tư năm 2013 chủ đề "Quay về cốt lõi", câu chuyện các doanh nghiệp Việt quay lại xu hướng thu hẹp ngành nghề, thoái vốn ngoài ngành nhằm vượt qua khủng hoảng được nhiều chuyên gia mang ra mổ xẻ. Nhiều ý kiến cho rằng, thời kỳ kinh tế tăng trưởng nóng đã để lại những bài học đắt giá về việc đầu tư dàn trải trong khi năng lực cạnh tranh khiêm tốn.
Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Stratery Asia, Nguyễn Minh Triết đưa ra dẫn chứng điển hình về thất bại vì kinh doanh dàn trải của Tập đoàn Mai Linh. "Lẽ ra, nếu vẫn tập trung phát triển mảng vận tải taxi, Mai Linh giờ này vẫn là ông trùm không có đối thủ", ông Triết nói. Thế nhưng, do chuyển qua đầu tư đa ngành, lấn sang nhiều lĩnh vực: du lịch, giáo dục, bất động sản, trạm dừng chân... những ngành không phải là thế mạnh nên khi nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp này làm ăn ngày càng sa sút.
Theo ông Triết, khá nhiều "ông lớn" tại Việt Nam đang đi vào vết xe đổ như trên nhưng muốn quay về ngành cốt lõi (ngành mà doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh tốt nhất) không phải dễ. Bởi lẽ, một khi đã sa lầy vào các ngành kinh doanh phụ, nguồn lực bị tổn hao nặng nề, chưa kể đến tâm lý sợ thay đổi là rào cản lớn cho quá trình tái cấu trúc.
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) Nguyễn Thị Mai Thanh cũng cho rằng dù Việt Nam không có nhiều mô hình công ty đa ngành đúng nghĩa nhưng lối đầu tư dàn trải theo chiều ngang khá phổ biến trong nhiều năm qua. Đơn cử trường hợp hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều có một chút tài sản đất đai, đại gia nào cũng bỏ vốn vào bất động sản, không ít thì nhiều.
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank Lê Hùng Dũng thừa nhận, ông đã chứng kiến nhiều giai đoạn nền kinh tế Việt Nam phát triển như thời trang, nay kiểu này, mai mốt kia.
Ông liệt kê, thời đất nước mới mở cửa đi đâu cũng thấy nở rộ các công ty xuất nhập khẩu vì làm ngành này luôn nắm chắc lãi to. Khi chứng khoán nóng lên, doanh nghiệp rủ nhau cổ phần hóa, lên sàn vì rất dễ huy động vốn. Có giai đoạn nở rộ kinh doanh sàn vàng. Trong năm 2006-2008, nhà nhà làm bất động sản. "Chính vì kinh doanh chạy theo phong trào mà các doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh để tồn tại, khi khủng hoảng ập đến thì dễ suy yếu, đổ vỡ", ông Dũng nhận xét.
Đại diện một công ty vừa và nhỏ phát biểu tại hội nghị: "Chúng tôi có năm bảy khoản đầu tư và đang rối bời vì không biết làm cách nào để quay trở về ngành cốt lõi. Xin các chuyên gia tư vấn".
Là nữ doanh nhân thành công nhờ trung thành với một ngành nghề duy nhất, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dược Hậu Giang Phạm Thị Việt Nga khuyên doanh nghiệp này mạnh dạn gạch tên những khoản đầu tư không phải là thế mạnh. Quan điểm của nữ doanh nhân này là hãy chọn ngành mà mình có tay nghề tốt nhất, mình yêu quý nó nhất để nuôi dưỡng và phát triển.
Bà Nga chia sẻ: "Tôi may mắn vì không bị nhiễu loạn, chạy theo các thông tin về cơ hội kinh doanh bên ngoài. Tôi chỉ tập trung làm thật tốt ngành mà mình am hiểu hơn 40 năm, làm vì cái duyên cái nghiệp. Có lẽ nếu gặp những cơ hội kiếm tiền nhiều hơn, tôi cũng từ chối".
Có cùng quan điểm với bà Nga, Giám đốc đối tác chiến lược Google Đông Nam Á, Sergio Salvado tiết lộ, bí quyết kinh doanh của tập đoàn này là thay vì để cho cả đoàn tàu cuốn theo cơn lốc săn tìm lợi nhuận, doanh nghiệp chọn đi con đường riêng của mình. "Con đường này tạo nên sự khác biệt với phần còn lại và đó chính là thế mạnh của doanh nghiệp khi phải đương đầu với những đối thủ lớn bên ngoài", ông nói.
Giám đốc điều hành Dragon Capital, Dominic Scriven mặc dù ủng hộ cách đầu tư tập trung vào ngành cốt lõi nhưng ông vẫn phản đối quan điểm cho rằng đầu tư đa ngành là sai lầm. Theo nhà đầu tư này, thành hay bại là do năng lực kiểm soát rủi ro của doanh nghiệp. Thế giới vẫn có không ít những tập đoàn đa ngành cực kỳ thành công. "Với riêng tôi, khi đầu tư, tôi chọn tính khả thi của dự án, hiệu suất sinh lời, tính bền vững hơn là quan tâm doanh nghiệp kinh doanh đơn ngành hay đa ngành", ông Dominic nhấn mạnh.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành thừa nhận lối kinh doanh dàn trải tại Việt Nam thời gian qua là hậu quả của chính sách tiền tệ quá dễ dãi, thiếu kiểm soát. Song ông chỉ ra rằng, cần tỉnh táo nhìn nhận đa hay đơn ngành chỉ là khái niệm. Vấn đề quan trọng là doanh nghiệp làm ngành nào phải có nghề đó (chuyên môn cao), năng lực cạnh tranh cao. "Tay mơ thì không thể cạnh tranh được với đối thủ chuyên nghiệp", ông nói.
Theo Vũ Lê
Vnexpress