Doanh nghiệp vận tải than trời, rao bán xe khách trả lãi ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
Xe khách "đóng băng" vì COVID-19 tại bến xe liên tỉnh Đắk Lắk
Xe khách "đóng băng" vì COVID-19 tại bến xe liên tỉnh Đắk Lắk
TPO - Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, những ngày qua, nhiều nhà xe, doanh nghiệp vận tải Đắk Lắk điêu đứng vì không thể xuất bến, phải rao bán để trả nợ ngân hàng.

Chủ doanh nghiệp kêu trời vì dịch COVID-19 kéo dài

Theo đại diện nhà xe M.V (xe khách chạy tuyến cố định Đắk Lắk – Đà Nẵng), đơn vị đang có 2 chiếc xe Limousine nằm ở bến xe Đắk Lắk, nợ ngân hàng hơn 3,2 tỷ đồng, mỗi tháng trả lãi gần 40 triệu.

“Trước bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành, tuyến xe của gia đình đang hoạt động buộc phải tạm dừng...Chắc tôi phải bán bớt để trả nợ ngân hàng. Thời điểm này, xe không hoạt động được, để nằm tại bến cũng tốn tiền bãi", chủ nhà xe M.V phân trần.

Cũng theo nhà xe này, từ tháng 7-12/2021, ngân hàng có hỗ trợ giãn nợ. Tuy nhiên, tháng nào cũng đòi trả lãi nên nhiều lần doanh nghiệp phải làm đơn xin ngân hàng cho khoanh nợ lại để bớt khó khăn.

Doanh nghiệp vận tải than trời, rao bán xe khách trả lãi ngân hàng ảnh 1

Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk đìu hiu vì dịch COVID-19

Cùng tâm trạng, nhà xe H. A. B. Mê (chạy tuyến Đắk Lắk – Hà Nội, Đắk Lắk – Bến xe miền Đông, TP.HCM…) cho biết, dịch dã đã khiến xe lúc xuất bến được lúc không. Nhà xe này có đến 8 xe khách, giờ nằm tại bến chờ đợi hết dịch để hoạt động. Ngày nào nhà xe cũng trăn trở không biết xoay đâu ra tiền để đóng lãi ngân hàng.

"Từ đầu năm 2020 đến nay, công ty hoạt động thua lỗ, dịch COVID-19 kéo dài. Chúng tôi đang gồng số nợ trên 5 tỷ đồng bên ngân hàng. Xe ngưng hoạt động, tiền bến bãi, tiền hỗ trợ tài xế và cả tiền vay ngân hàng vẫn phải trả. Dường như chúng tôi đã hết cách, hết phương thức để trả nợ nên giờ buộc phải bán tháo 1-2 chiếc, trả bớt lãi ngân hàng rồi sẽ tính tiếp", chủ xe H. A. B. Mê nói.

Cũng theo chủ xe này, năm ngoái, ngân hàng cho giãn nợ nhưng đến Tết Nguyên đán, doanh nghiệp cũng phải tìm cách gom góp trả nợ. Tháng 5/2021, ngân hàng lại tiếp tục làm gia hạn nợ và đến tháng 11 là kỳ hạn nhà xe phải thanh toán. "Chúng tôi giờ giẫm chân tại chỗ, chỉ trông đợi hết dịch dã rồi cố gắng hoạt động tiếp tục, kiếm tiền lo trả nợ. Tình hình như thời điểm này, nhà xe giờ chỉ biết...kêu trời", chủ xe nói.

Doanh nghiệp vận tải than trời, rao bán xe khách trả lãi ngân hàng ảnh 2

Hầu hết xe khách không hoạt động vì đi lại khó khăn, không có hành khách

Bến xe quá tải do dịch COVID-19

Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, tại bến xe liên tỉnh Đắk Lắk, hàng loạt xe khách đang nằm yên, chưa xác định được ngày hoạt động trở lại. Phòng bán vé hầu như không có nhân viên, cửa đóng then cài.

Trước khi chưa có dịch, khu vực bến xe này thường có khoảng 200 xe khách hoạt động đi lại thường xuyên các tuyến. Do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên nhiều nhà xe đã đưa về đậu tại bến, làm bến xe có dấu hiệu quá tải lưu lượng đậu đỗ.

Ông Mai Văn Đàm, thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk cho hay, có một số doanh nghiệp vì muốn vớt vát chút vốn liếng đã bán xe khách mua lại xe bán tải hoặc hoán cải xe khách thành xe tải (chủ yếu là xe 16 chỗ được gỡ ghế, độ chế lại - PV) rồi đăng kiểm lại, xin lấy mã QR Code trở thành xe "luồng xanh" vận chuyển nông sản, vật phẩm thiết yếu rồi hoạt động.

Trong khi đó, Giám đốc một chi nhánh ngân hàng tại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên (xin giấu tên, đóng tại TP.Buôn Ma Thuột) cho biết, có nhiều ngân hàng cho doanh nghiệp vận tải vay số tiền lớn, tỉ lệ phần trăm chiếm quá nhiều trong tổng dư nợ. Khi doanh nghiệp khó khăn, không trả được nợ khiến cơ cấu nợ, lợi nhuận ảnh hưởng thì các ngân hàng sẽ tiến hành các biện pháp xử lý quyết liệt.

Ông Đỗ Thanh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk xác nhận, nhiều doanh nghiệp vận tải chạy tuyến cố định ở tỉnh đang phải rao bán xe để trả nợ ngân hàng là có thật.

"Họ đang rất sợ thời điểm định kỳ hàng tháng nhân viên ngân hàng điện thoại liên tục để đòi nợ. Sau khi TP.Buôn Ma Thuột gỡ giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, chỉ có 3 tuyến cố định được phép hoạt động từ Đắk Lắk đi Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hòa Bình nhưng cũng chẳng có mấy khách, chủ yếu nhận chở hàng hóa", ông Tuấn nói.

MỚI - NÓNG