Doanh nghiệp vận tải sắp vào cuộc “đại phẫu”

Bến xe Mỹ Đình, Hà Nội. Ảnh: Bảo An
Bến xe Mỹ Đình, Hà Nội. Ảnh: Bảo An
TP - Hộ kinh doanh, doanh nghiệp (DN) nhỏ tới đây sẽ bị loại ra ngoài cuộc chơi vận tải khách liên tỉnh. Mục tiêu là tạo ra những DN vận tải đủ lớn để cung cấp dịch vụ an toàn, tiện lợi. Những DN nhỏ làm ăn đàng hoàng có cách gì để sống sót sau cuộc tái cơ cấu quy mô lớn? 

Siết điều kiện với DN vận tải nhỏ


Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô với những quy định mới về quy mô, số lượng xe của các DN vận tải hành khách tuyến cố định, hợp đồng, du lịch. 

Theo đó, từ 1/7/2015, DN, HTX kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định từ 300 km trở lên (có trụ sở ở thành phố trực thuộc T.Ư) phải có tối thiểu từ 20 xe trở lên. Các DN ở địa phương có tối thiểu 10 xe và DN tại các huyện nghèo phải có từ 5 xe trở lên. 

Tương tự, với hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch trên hành trình 300 km trở lên phải có tối thiểu 10 xe đối với DN ở thành phố trực thuộc T.Ư. Điều kiện áp dụng lần lượt với DN ở địa phương và huyện nghèo là có tối thiểu 5 xe và 3 xe.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT, thành viên tổ biên soạn cho biết, hiện nay, cả nước có 6.000 hộ gia đình, DN và HTX sở hữu dưới 5 phương tiện trong tổng số 11.000 đơn vị được cấp phép kinh doanh vận tải hành khách.

“Nếu được thông qua, quy định này sẽ tác động rất lớn đối với các đơn vị kinh doanh vận tải và hành khách”. Cụ thể theo bà Hiền, những DN vận tải hành khách tuyến cố định trên 300 km nếu không đủ 5 xe sẽ phải ngừng hoạt động hoặc chuyển sang chạy tuyến dưới 300 km.

Trước khi trình phương án này, có ý kiến trong ban soạn thảo từng đề nghị cấm hẳn các DN có ít phương tiện kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, tại các hội thảo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, không thể áp dụng biện pháp cấm triệt để vì ảnh hưởng đến quyền kinh doanh của doanh nghiệp.

Cần có biện pháp khuyến khích DN nhỏ

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, không đâu như ở ta. Một gia đình có một xe là lập luôn công ty vận tải. Chồng là giám đốc, kiêm lái xe; vợ là kế toán, kiêm cán bộ quản lý an toàn giao thông. Đó là nguyên nhân khiến xe khách thiếu an toàn, khó quản lý như hiện nay. 

Doanh nghiệp vận tải sắp vào cuộc “đại phẫu” ảnh 1 Sắp tới DN vận tải khách nhỏ sẽ phải phá sản hoặc sáp nhập nếu Nghị định mới có hiệu lực. Ảnh: Bảo An

Ông Nguyễn Cường chuyên chạy tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh cho biết, gia đình có hai xe, không thể thuê kế toán, lập bộ phận ATGT riêng nên đã gia nhập vào HTX vận tải Đồng Tâm để được quản lý chung. 

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch HTX Vận tải Thăng Long (Hà Nội) cũng ví việc tái cơ cấu ngành vận tải cần thiết như việc dồn điền đổi thửa trong nông nghiệp để tạo ra dịch vụ vận tải chuyên nghiệp, hiện đại. “Không thể để gia đình có một xe chạy rong ruổi từ Bắc vào Nam; xe hỏng dọc đường không có phương tiện nào thay thế” - ông Liên nói. 

Ông Liên cho rằng, lần tái cơ cấu vận tải hành khách này sẽ đẩy các hộ, DN kinh doanh nhỏ lẻ vào thế khó. Các DN cần chuẩn bị phương án tìm đối tác để liên kết, lập các Cty liên doanh hoặc HTX vận tải. Việc này cũng tựa như việc sắp xếp, sáp nhập các ngân hàng nhỏ; vận tải cũng như ngân hàng đều là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. 

Tuy nhiên, việc vào HTX hay lập các DN chung sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề. Một chủ DN có 2 xe chuyên chạy tuyến Hà Nội - Vinh cho biết, nhiều khi HTX như “ông bố”, cản trở nhiều hoạt động tự do của thành viên. 

Một doanh nghiệp lâu năm trong ngành vận tải nói, kế hoạch sắp xếp lại quy mô DN không dễ triển khai vì liên quan đến lốt xe (vị trí, thời gian xe xuất bến - dù hữu hình nhưng trị giá hàng trăm, hàng tỷ đồng). “Nếu cấp lốt tuyến công khai, không tiêu cực, nhà xe có thể đầu tư hàng chục xe. Nhưng giờ chỉ có 1 xe thôi, chúng tôi cũng phải tìm mọi cách để giữ” - vị này nói. 

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, ngoài biện pháp quy định về quy mô, cơ quan quản lý Nhà nước cần có cơ chế để khuyến khích các DN nhỏ nhưng có quyết tâm, cách thức kinh doanh nghiêm túc, xu hướng đi lên.

“Một DN nhỏ như Cty Văn Minh ở Nghệ An, dù ít xe nhưng làm ăn nghiêm túc khách vẫn tìm đến. Nhà nước cần công khai các thông tin, khuyến khích những DN nhỏ mà tốt như vậy. Không phải cứ DN nhiều xe đã là tốt” - ông Huỳnh nói.

Nên dừng quy định lắp máy in hóa đơn trên taxi

Dự thảo của Bộ GTVT cũng quy định taxi phải lắp đặt máy in hóa đơn. Ông Đỗ Tất Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, GĐ Cty Taxi 52 cho biết: DN ông lắp máy in cho 50 xe trong một năm nay nhưng chỉ có 3 khách sử dụng.

“Không mấy ai mất thời gian để đợi in hóa đơn. Ai cần, lái xe sẽ viết lấy hóa đơn in sẵn, ghi vào. Nếu vì mục tiêu giám sát tài xế đi lòng vòng, tính cước gian dối thì máy in hóa đơn không có tác dụng bằng hộp đen (dự thảo lần này cũng bắt buộc taxi lắp hộp đen - PV). Để lắp máy in và thay đồng hồ (để tương thích với máy in) mỗi xe tốn 5 triệu đồng; chi phí đó không hề nhỏ với DN”– ông Bình nói.

MỚI - NÓNG