Doanh nghiệp thủy hải sản Việt Nam thấm thía với tấm 'thẻ vàng' từ EC

TPO - “Nếu bị chuyển sang 'thẻ đỏ', chúng ta sẽ bị cấm xuất khẩu hải sản sang thị trường EU (với kim ngạch 400-450 triệu USD/ năm)” - ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) bày tỏ nỗi lo lắng.
Doanh nghiệp thủy hải sản Việt Nam thấm thía với tấm 'thẻ vàng' từ EC ảnh 1 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: "Sắp tới sẽ chuyển giao các công nghệ mới đến từng tàu một". (Ảnh: Lâm Chiêu Tranh)

Sáng qua 5/4 tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hải sản khai thác nhằm thúc đẩy xuất khẩu hải sản Việt Nam, đặc biệt là chỉnh sửa Thông tư 02/2018 để nỗ lực xóa “thẻ vàng” từ Liên minh châu Âu (EU).

“Không thể để sản phẩm có chất lượng tốt như vậy mà chế biến sơ sài. Phải thay đổi để chất lượng thủy hải sản Việt Nam tốt hơn nữa”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản đều bày tỏ nỗi thấm thía với tấm “thẻ vàng” khắt khe từ Ủy ban châu Âu (EC). Bà Cao Thị Kim Lan- Giám đốc Công ty cổ phần Thủy hải sản Bình Định, cho biết: “Công ty chúng tôi đã chịu rất nhiều thiệt hại từ tấm thẻ phạt. Trong khi sản lượng cá ngừ đại dương xuất khẩu của công ty chiếm 75% cả nước, và có đến 70% xuất khẩu sang EU”.

“Nếu bị chuyển sang “thẻ đỏ”, chúng ta sẽ bị cấm xuất khẩu hải sản sang thị trường EU (với kim ngạch 400-450 triệu USD/ năm)” - ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội VASEP bày tỏ nỗi lo lắng. “Chương trình giám sát thủy sản xuất khẩu (Simp) của Mỹ áp dụng cho 13 loài (bào ngư, cá tuyết, cá ngừ, ghẹ xanh,…) năm 2019 sẽ áp dụng cho tôm. Con tôm Việt Nam sẽ phải chịu những rủi ro rất lớn”, ông Nam cho biết thêm.
Doanh nghiệp thủy hải sản Việt Nam thấm thía với tấm 'thẻ vàng' từ EC ảnh 2

Ngư dân Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) với mẻ lưới đầu năm - ảnh Lê Văn Chương

Việc vực dậy sau thẻ phạt còn gặp nhiều khó khăn khi nhiều điều lệ trong Thông tư số 02/2018 còn chưa hoàn thiện. Ông Thành Nam, đại diện Công ty Hải Vương cho biết: hiện công ty vẫn còn rất nhiều lô hàng hải sản bị “chặn đứng” tại cửa khẩu vì thị trường nước ngoài yêu cầu cơ quan chức năng của Việt Nam xác nhận nguồn gốc. Tuy nhiên không có bất cứ cơ quan nào thực hiện. Hơn nữa, phí thẩm định khá cao 700.000 đồng/lần cho mọi khối lượng hàng.

Bên cạnh đó, những thiếu sót trong Thông tư 02 còn là rào cản trong việc mua nguyên liệu, nhật ký tàu,… cho việc xuất khẩu. Cụ thể trường hợp Công ty Việt Cường (Tiền Giang) từ ngày 7/3 đến ngày 5/4 doanh nghiệp bơ vơ, không mua được nguyên liệu vì chi cục không xác nhận.

Vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm tại cảng cá cũng là điều đáng báo động. Theo phản ánh của Chi cục Thủy hải sản tỉnh Phú Yên, các ngư dân rã đá bằng nước sông quanh khu đậu thuyền. Các tàu cá không về nhập cảng mà về thẳng chủ hàng. Điều này càng gây khó khăn trong việc quản lý vệ sinh để đảm bảo cho nguồn hàng xuất khẩu sạch.

Doanh nghiệp thủy hải sản Việt Nam thấm thía với tấm 'thẻ vàng' từ EC ảnh 3

Ngư dân Quảng Nam vươn khơi - ảnh Lê Văn Chương

Nỗ lực xoá 'thẻ vàng'

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT ông Vũ Văn Tám cho biết: Sau ngày 23/10/2017, khi Việt Nam bị EU rút “thẻ vàng”, chỉ còn duy nhất một trường hợp tàu cá của Việt Nam đánh bắt bất hợp pháp tại đảo quốc New Caledonia (lãnh thổ Hải ngoại của Pháp). “Bộ trưởng cùng lãnh đạo cấp cao EU đánh giá rất cao nỗ lực của chúng ta khi trong thời gian ngắn đã hoàn thiện được thể chế từ Luật thủy sản đến xác quy định”, ông Tám chia sẻ.

Doanh nghiệp thủy hải sản Việt Nam thấm thía với tấm 'thẻ vàng' từ EC ảnh 4

Ngày 29/3/2017, tàu cá QNg 90379 với 12 ngư dân Quảng Ngãi được phía Philippiness trả về sau khi bị bắt giữ do đánh bắt tại ngư trường nước này - ảnh Lê Văn Chương

Tại Hội nghị, Bộ NN& PTNT quyết định tháo gỡ Thông tư 02/2018. Thay vào đó sẽ giao cho Cục quản lý chất lượng Thủy sản (NAFIQAD) thuộc Bộ cấp giấy ICCAT phục vụ xuất khẩu từ 1/5/2018. Trong thời gian giao thoa đến 1/5/2018. Bộ cũng đề nghị các DN tiếp tục được cấp giấy chứng nhận ICCAT tại các chi cục để không gián đoạn xuất khẩu, đồng thời, giảm mức phí cấp giấy chứng nhận xuống còn 200.000 đồng/ lần.

Thứ trưởng cũng cho biết, tháng 5 tới sẽ có đoàn cấp cao của EU đến Việt Nam để đánh giá thực địa. Và nhiệm vụ của DN và các chi cục phải thực hiện các giải pháp được đưa ra hiệu quả. Đặc biệt phải thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc và chống đánh bắt bất hợp pháp. Đây cũng là một bước tiến triển tốt trong việc EU rút thẻ vàng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ông Nguyễn Xuân Cường cũng nhận định phải thay đổi và nâng cao khâu chế biến. “Không thể để sản phẩm có chất lượng tốt như vậy mà chế biến sơ sài. Phải thay đổi để chất lượng thủy hải sản Việt Nam tốt hơn nữa”, ông Cường nhấn mạnh. Theo đó, Bộ cũng hướng các doanh nghiệp đến việc chế biến sâu nâng cao giá trị xuất khẩu, giảm thất thoát xuống 10%. Và sắp tới sẽ chuyển giao các công nghệ mới đến từng tàu một. 

Định hướng chỉ đạo sản xuất trong năm 2018 của ngành thủy sản là duy trì số lượng 109 nghìn tàu cá, tăng tổ đội trên biển lên 4,5 nghìn tổ đội, giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác khoáng sản.

MỚI - NÓNG